Hiện nay, các nhà nhập khẩu nước ngoài không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn chú trọng nhiều đến yếu tố môi trường trong từng sản phẩm. Trong đó, tập trung vào những yếu tố như nguyên - nhiên liệu đầu vào để sản xuất sản phẩm, các biện pháp tiết kiệm năng lượng, xử lý nước thải, tái chế các phế phẩm…
Tiêu chí môi trường gắt gao
Theo ông Đặng Vũ Hùng, Phó tổng giám đốc Vinatex, các nhà nhập khẩu hàng dệt may lớn của nước ngoài ngày càng đặt nặng tiêu chuẩn về môi trường bền vững đối với các nhà sản xuất. Đạt được những tiêu chuẩn về môi trường bền vững được xem như “giấy thông hành” cho doanh nghiệp dệt may khi muốn xuất khẩu ra các thị trường bên ngoài.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất ít doanh nghiệp trong nước đáp ứng được yêu cầu trên. Trước đây “giấy thông hành” đối với các nhà sản xuất dệt may thường chỉ là tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhưng trong thời gian sắp tới, nhiều nhà nhập khẩu sẽ đưa ra thêm các tiêu chuẩn về môi trường bền vững. Phổ biến nhất trong thời gian tới sẽ là tiêu chuẩn sản xuất xanh, xử lý nước thải, giải pháp tái chế những phụ phẩm phát sinh trong quá trình sản xuất. Nếu các doanh nghiệp dệt may trong nước không đáp ứng về tiêu chí về môi trường chắc chắn sẽ khó đưa được sản phẩm của mình vươn ra thị trường thế giới.
Hiện quy hoạch phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đã đặt mục tiêu đưa dệt may trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn về xuất khẩu; thỏa mãn ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng trong nước; nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập vững chắc kinh tế khu vực và thế giới. Hơn thế, ngành dệt may cần đảm bảo phát triển bền vững, hiệu quả trên cơ sở công nghệ hiện đại, hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động, quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn của ngành dệt may là doanh nghiệp có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, thiết bị công nghệ lạc hậu… dẫn đến chi phí sản xuất cao, lợi nhuận thu về cho doanh nghiệp chưa nhiều. Theo tính toán của các chuyên gia môi trường, để tạo một tấn hơi nước cho dây chuyền sản xuất, mỗi ngày công nhân phải đốt ít nhất 700 lít dầu. Với giá dầu khoảng 20.000 đồng/lít thì chi phí là 14 triệu đồng. Vậy nếu tính trên quy mô một công ty và tính quy mô toàn ngành, chi phí năng lượng thật sự là một con số rất lớn. Vì thế, việc tìm ra những giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất nói chung và tiết kiệm năng lượng và nước nói riêng là điều quan tâm hàng đầu của các nhà sản xuất nhằm tăng lợi thế cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Dệt may hướng đến sản phẩm xanh
Ông Hùng cho biết thêm, ngành dệt may ở nước ta khi kiên định theo xu hướng “sản phẩm xanh” sẽ phát triển trở thành một ngành công nghiệp bền vững. Đứng trước xu hướng này, ngay từ bây giờ các nhà sản xuất dệt may trong nước phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình. Cần thiết phải lựa chọn hướng đi đúng ngay từ đầu để giảm thiểu rủi ro khi đối mặt với những thay đổi chính sách trong tương lai.
Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt khi sử dụng sản phẩm xanh đang là xu hướng toàn cầu hóa mà dệt may Việt Nam lại chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Về phía Vinatex, hiện có khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất trực thuộc nhưng cũng chỉ mới có 5% - 7% doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường bền vững từ các nhà nhập khẩu nước ngoài. Thế nên, để đảm bảo yếu tố phát triển bền vững, đơn vị đã xây dựng kế hoạch tăng cường kinh phí đầu tư hoàn thiện các tiêu chuẩn về môi trường ở các lĩnh vực như hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cách nhiệt, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, tạo môi trường làm việc thông thoáng cho các đơn vị liên quan.
Đại diện Tập đoàn Target - một trong những nhà bán lẻ hàng đầu của Mỹ cho biết, việc đáp ứng được những tiêu chí môi trường mà các nhà bán lẻ đưa ra sẽ mang lại nhiều cơ hội cho sản phẩm dệt may của Việt Nam. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, những tiêu chí này chưa được quan tâm một cách đúng mức. Chẳng hạn như việc cấp giấy phép còn nhiều thủ tục, công nghệ còn lạc hậu, các tiêu chuẩn về môi trường chưa đồng bộ tại các nhà máy, xí nghiệp. Do đó, để đáp ứng được các điều kiện mà thị trường bên ngoài đưa ra, doanh nghiệp Việt Nam cần phải mạnh dạn đổi mới quy trình công nghệ, kết hợp đúng mức các trình độ công nghệ hiện có, loại bỏ dần các thiết bị công nghệ lạc hậu, không còn thích hợp. Bên cạnh đó, cần tập trung các dự án đầu tư mới, với quy mô đủ lớn, đủ tiềm lực về vốn để tiếp cận công nghệ hiện đại tiên tiến nhất. Ngoài ra, cũng cần phải đẩy mạnh cải tạo cơ sở vật chất để thu hút các nhà đầu tư tăng thêm nguồn vốn. Việt Nam nên tổ chức các khu công nghiệp chuyên ngành có quản lý môi trường chặt chẽ để đón nhận những dự án mới.
MINH HẢI