Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2016 vừa ban hành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo dõi sát diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, ổn định mặt bằng lãi suất, giảm lãi suất cho vay.
Trước đó, tại cuộc gặp cộng đồng doanh nghiệp cuối tháng 4-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp yêu cầu NHNN chỉ đạo ngay đối với hệ thống các tổ chức tín dụng giảm 1% lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với nhóm doanh nghiệp có quan hệ tín dụng tốt và các nhóm doanh nghiệp được khuyến khích, ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng đã có cuộc làm việc với các ngân hàng thương mại lớn để bàn về vấn đề này. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Thủ tướng và Thống đốc NHNN, một loạt ngân hàng thương mại đã công bố hạ lãi suất cho vay để tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Trong đó, các ngân hàng lớn như VietinBank, BIDV, Vietcombank… đều điều chỉnh mức lãi suất cho vay trung dài hạn VND về tối đa 10%/năm đối với khách hàng tốt, đồng thời giảm nhẹ 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn. Một số ngân hàng nhỏ hơn như SHB, Techcombank, TPBank… cũng công bố giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm, giảm lãi suất cho vay ngắn hạn 0,5%.
Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường đang ở mức 7% - 11%/năm (bình quân 8,5%/năm). Đây là mức lãi suất tốt nhất trong nhiều năm qua (thấp hơn cả mức 2006 - 2007, vào khoảng 8% - 12%/năm). Tuy nhiên, nếu so với nhiều nước trong khu vực thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang phải vay ngân hàng với lãi suất khá cao. Vì vậy, để tăng sức cạnh tranh, giúp doanh nghiệp Việt Nam hội nhập thành công, yêu cầu giảm lãi suất cho vay đang được đặt ra hết sức bức thiết. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng.
Trên thực tế, điều dễ nhận thấy là hầu hết các ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay đều cân đối từ nguồn “tiết giảm tối đa chi phí hoạt động” để chia sẻ với khách hàng. Triển vọng thực hiện việc giảm lãi suất một cách thực chất còn khoảng cách khá xa, bởi chi phí vốn của các ngân hàng vẫn tăng mà biểu hiện là đợt tăng lãi suất huy động thời gian qua.
Bên cạnh đó, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, kinh tế vĩ mô và diễn biến tiền tệ những tháng đầu năm 2016 nổi lên nhiều thách thức cần quan tâm. Thứ nhất là tăng trưởng kinh tế có biểu hiện chậm lại, quý 1 chỉ đạt 5,46% cộng thêm khó khăn thời tiết và ngập mặn nên mục tiêu tăng trưởng 6,7% là cho cả năm là không hề dễ dàng. Thứ hai, chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng đầu năm tăng 1,33% so với cuối năm 2015, xu hướng tăng nhanh hơn nên việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát 5% cũng là thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh giá dầu tăng trở lại và mặt bằng giá thế giới tăng, điều chỉnh giá dịch vụ theo lộ trình.
Nếu lạm phát năm 2016 ở mức cao, các ngân hàng sẽ buộc phải tăng lãi suất huy động (giống như thời gian qua) để bảo đảm thanh khoản. Nếu khả năng này xảy ra, đương nhiên lãi suất cho vay không thể giảm, mà ngược lại còn có thể tăng lên. Cần nhớ rằng, năm 2015 lạm phát rất thấp (chỉ tăng 0,63%) nhưng mục tiêu giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn 1% - 1,5% được NHNN đề ra từ đầu năm 2014 vẫn không thực hiện được. Một yếu tố khác cũng có tác động đến lãi suất cho vay là tỷ giá. Hiện tại tỷ giá đang ổn định, nhưng như Thống đốc Lê Minh Hưng nhận định, tỷ giá sắp tới có diễn biến khó lường trong khi nhập siêu quay trở lại khi cầu trong nước tăng lên.
Tất nhiên, khó không phải là không thể làm được. Lời hiệu triệu của Thủ tướng và Thống đốc NHNN là sự khởi đầu của một thông điệp, mục tiêu và nếu có sự quyết tâm đồng bộ sẽ làm được. Bản thân các ngân hàng, cơ sở đầu tiên là cân đối lại chặt chẽ các nguồn vốn, chọn lọc khách hàng tốt và tiết giảm chi phí hoạt động. Việc các ngân hàng lớn tự động “áp trần” lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 10%/năm sẽ mở đầu cho xu hướng thị trường. Các ngân hàng khác muốn cạnh tranh sẽ buộc phải giảm lãi suất cho vay để giữ khách hàng. Như vậy, nếu không kéo giảm được như mong muốn, ít nhất mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được giữ ổn định như cam kết của NHNN.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, thời gian tới NHNN sẽ chủ động điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, theo dõi sát mặt bằng lãi suất và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Đó là mong muốn của nhà điều hành, còn về nguyên tắc, điều hành lãi suất vẫn phải dựa theo diễn biến kinh tế vĩ mô.
BẢO MINH