Tái chế rác hợp vệ sinh, tạo ra nhiều sản phẩm có ích hơn cho xã hội là khâu cuối cùng và cũng là mục đích lớn nhất trong toàn bộ chương trình phân loại rác từ nguồn của TPHCM.
Tại TPHCM việc tái chế rác thải đã được thực hiện từ nhiều chục năm nay. Từ những người đi mua ve chai, chất thải có thể tái chế như túi nylon, nhựa các loại, giấy vụn, chai lọ đã qua sử dụng… đã được các cơ sở tái chế mua lại và… tái chế. Có một lịch sử lâu đời như thế nhưng hoạt động tái chế chất thải của TPHCM đa phần đều rất manh mún và lạc hậu.
Một thống kê của Quỹ Tái chế TPHCM cho thấy, đa phần các cơ sở tái chế chỉ có quy mô đầu tư khoảng vài trăm triệu đồng, hệ thống xử lý nước thải, khí thải… gần như hoàn toàn không có. Các cơ sở tái chế chất thải đáng lẽ phải là các cơ sở bảo vệ môi trường thì ngược lại, chúng đang gây ô nhiễm môi trường trầm trọng cho thành phố, đặc biệt những cơ sở tái chế chất thải nguy hại như pin, bình ắc-quy, dầu nhớt… mà không đủ điều kiện chuyên môn cũng như máy móc.
Rất nhiều các cơ sở loại này đã bị chính quyền địa phương xử lý, bắt đóng cửa nhưng một bộ phận không nhỏ vẫn tồn tại. Thậm chí, các cơ sở còn qua mặt ngành chức năng bằng cách khi bị phát hiện gây ô nhiễm thì đóng cửa và chuyển qua vị trí mới…
Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho biết, sở đã đề xuất với UBND TPHCM sớm có quy định chấn chỉnh bất cập nêu trên. Chỉ những đơn vị đủ năng lực chuyên môn, đầu tư được những nhà máy tái chế hiện đại, vừa bảo vệ môi trường, vừa có phương án tái chế hiệu quả nhất mới được phép tồn tại.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã cơ bản đồng ý với đề xuất của Sở Tài nguyên - Môi trường. Đây có thể coi là tín hiệu đáng mừng cho hoạt động tái chế và công tác bảo vệ môi trường của thành phố. Trước đây, đã có nhiều ý kiến lo ngại rằng việc thu gom các đơn vị tái chế nhỏ lẻ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn lao động trong các cơ sở ấy. Điều đó không sai nhưng… không chính xác bởi lợi ích, môi trường sống của cả cộng đồng phải được đặt lên hàng đầu.
Hơn nữa, cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người đi thu lượm ve chai chắc chắn sẽ không bị ảnh hưởng bởi thay vì bán ve chai cho các cơ sở tái chế không hợp vệ sinh, họ có thể bán cho các nhà máy đủ điều kiện hoạt động. Còn người lao động trong các cơ sở tái chế cũ, có thể xin làm việc tại các nhà máy tái chế mới nếu họ có tay nghề.
TÂM ĐỨC