Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát vùng tâm bão:
(SGGPO).- Sáng 16-10, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đến thị sát vùng thiệt hại do bão số 11 đi qua.
Phó Thủ tướng đã đi kiểm tra sạt lở bờ sông tại kè sông Quảng Huế (Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam) và tặng quà cho người dân TP Đà Nẵng, nơi bị thiệt hại nặng nề bởi bão số 11.
Sau khi kiểm tra thực tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho biết: Nhờ công tác chỉ đạo rất kiên quyết nên thiệt hại về người thấp (Đà Nẵng chỉ có 11 người bị thương). Trong đêm bão đổ bộ, đã di chuyển toàn bộ 1.848 tàu thuyền vào neo đậu an toàn, đã đề nghị các đơn vị quân đội dùng xe thiết giáp lội nước để chở 3 người bị thương đi cấp cứu tại bệnh viện. Bão số 11 làm 122 nhà sập hoàn toàn; 148 nhà sập 1 phần; tốc mái trên 4.000 nhà… Tổng thiệt hại của Đà Nẵng khoảng gần 100 tỷ đồng. Các ngành đóng trên địa bàn thiệt hại trên 846 tỷ đồng, chưa kể thiệt hại của các doanh nghiệp sản xuất và các cơ quan trung ương đóng tại Đà Nẵng. Vấn đề cấp bách hiện nay là ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo có lương thực, nhà nào sập hoàn toàn thì bố trí chung cư cho ở tạm. Đà Nẵng đề nghị Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng và các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn tham gia dọn dẹp hiện trường, ban hành ngay quyết định hỗ trợ người bị nạn trong bão.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đề nghị Chính phủ và Trung ương hỗ trợ 500 tỷ đồng để khắc phục. Về lâu dài, đề nghị Trung ương xây dựng thêm âu thuyền để cho tàu thuyền các tỉnh miền Trung vào trú bão do âu thuyền Thọ Quang bị quá tải.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh cho biết: Mặc dù đã chuẩn bị rất tốt nhưng bão số 11 đã làm 3 người chết, 6 người bị thương. Về vật chất, bão số 11 đã làm tốc mái gần 22.000 căn nhà, trong đó tốc mái hoàn toàn 5.502 căn và 15.704 căn bị tốc mái 1 phần; 66 phòng học, 88 công sở,…bị tốc mái. Nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở nặng. Nặng nhất hiện nay là dòng sông Vu Gia và Thu Bồn bị sạt lở nghiêm trọng do dòng chảy tăng lên vì thủy điện xả lũ; sạt lở khoảng 100m bờ kè biển chắn sóng tại Cửa Đại (Hội An); Cù Lao Chàm bị sập 200m kè biển; 47 chiếc tàu bị chìm và hư hỏng. Ước tính tổng thiệt hại mà bão số 11 gây ra cho Quảng Nam khoảng 500 tỷ đồng.
Ông Lê Phước Thanh cho biết, hiện nay việc cấp bách nhất là phải nhanh chóng làm gấp kè sông Quảng Huế (Đại Lộc, Quảng Nam), nếu không thì cả làng sẽ bị cuốn xuống sông vì hiện nay bờ sông chỉ cách nhà dân 10m. Ngoài ra, kè biển Cửa Đại (Hội An) bị sóng đánh vỡ, đe dọa đến các khu nghỉ dưỡng tại đây. Vì thế, đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí hoặc cho chủ trương để địa phương vay tiền để làm chứ không thể chần chừ được nữa.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ để dân sớm khắc phục nhà cửa.
Thiếu tướng Ngô Quy Nhơn, Phó Tư lệnh Quân khu 5 cho biết: Xác định bão số 11 là mạnh nên Quân khu 5 chủ động phối hợp với các địa phương để phòng chống. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 phân công 5 đoàn để về các địa phương kiểm tra, đôn đốc công tác PCLB tại các địa phương. Nếu đơn vị nào để cán bộ, chiến sĩ bị chết trong bão là kỷ luật Thủ tưởng đơn vị đó. Sau bão, Bộ Tư lệnh đã điều cán bộ, chiến sĩ đến các địa phương để sẵn sàng ứng phó. Bộ Tư lệnh cũng lập Tổ tiền phương để ứng phó, điều động xe thiết giáp xuống hỗ trợ di dời và cấp cứu khi cần thiết. Phối hợp với các đơn vị điều 2.600 quân (hiện đã điều 1.300 quân) để giải phóng mặt bằng giao thông trên QL1A và các tuyến đường trọng điểm; ưu tiên dựng lại nhà cho dân, trường mẫu giáo, trạm y tế… Hỗ trợ cho gia đình người chết 5 triệu đồng/người, hỗ trợ từ 2 đến 3 triệu đồng cho gia đình quân nhân bị thiệt hại.
Thiếu tướng Ngô Quy Nhơn cũng đề nghị các địa phương thống kê, nếu nhà dân nào bị sập cần phải dựng lại gấp thì báo với Quân Khu 5 để quân khu điều quân đến dựng lại nhà cho dân.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương, đánh giá cao công tác chỉ đạo và tổ chức phòng chống bão của các địa phương. Chính phủ chia sẻ những khó khăn mà lãnh đạo và người dân vùng bão đã trải qua cơn bão cũng như gửi lời thăm hỏi của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với đồng bào vùng lũ. “Sau bão, đã giải quyết hỗ trợ dân rất kịp thời, đảm bảo tốt cuộc sống tối thiểu cho đân, đảm bảo môi trường. Người dân miền Trung với tinh thần tự lực tự cường khắc phục hậu quả bão là rất quý. Nhờ thế, đã hạn chế tối đa thiệt hại về người. Chính phủ biểu dương công tác chỉ đạo của các địa phương trong phòng chống bão” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Sau bão, các địa phương không được để dân rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, đói, đau, bệnh tật; đảm bảo cuộc sống bình thường, đủ gạo, thuốc men. Củng cố sửa chữa trường học để học sinh sớm đến trường; huy động hệ thống chính trị và lực lượng vũ trang vào cuộc để hỗ trợ nhân dân trong khắc phục hậu quả bão số 11; hỗ trợ giống cho nông nghiệp, khắc phục điện… để sớm ổn định đời sống nhân dân. Việc điều tiết xả lũ thủy điện cần phải phù hợp, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương với Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
NGUYÊN KHÔI
Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị: Lại căng mình khắc phục bão số 11
Sáng 16-10, tại huyện vùng trũng Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn còn ngập trong lũ, nhiều khu dân cư ở các xã Quảng Thành, Quảng Phước, Quảng Phú, Quảng An... bị chia cắt vì còn ngập sâu từ 1 đến 2m, hiện người dân phải đi lại bằng thuyền. Ngoài 100 ngôi nhà bị sập và tốc mái, huyện còn gần 1.000 ngôi nhà bị ngập lũ. Tỉnh Thừa Thiên - Huế huy động 350 cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang tăng cường cho các huyện Phú Lộc và Nam Đông phát quang cây cối để thông đường và dựng lại nhà cửa, từng bước khắc phục hậu quả sau bão số 11.
Trực tiếp chỉ đạo trực tiếp công tác khắc phục hậu quả bão số 11 tại huyện miền núi Nam Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Cao nhấn mạnh, sau hàng loạt diện tích cao su của huyện Nam Đông bị gãy đổ do bão năm 2006 và với thiệt hại tại lần này khoảng 170ha, tỉnh sẽ xem xét lại vùng khí hậu ở huyện Nam Đông để quy hoạch trồng cây gì cho phù hợp, nếu cứ mỗi lần bị bão gió mà thiệt hại lớn về kinh tế của dân thì xem ra trồng cao su sẽ không đạt hiệu quả và bền vững. Đồng thời, yêu cầu chính quyền địa phương khẩn chương chỉ đạo các xã và bà con nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định cuốc sống. Nhanh chóng đánh giá cụ thể mức độ thiệt hại, để xác định và ưu tiên khắc phục thông đường giao thông nội huyện, liên huyện và điện sinh hoạt.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão – Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, toàn tỉnh có 1 người mất tích do bị lũ cuốn trôi, 11 người bị thương; có 17 nhà tạm bị sập, 669 nhà ở của dân và 4 phòng học bị tốc mái. Gần 400m đê chắn sóng ở bờ biển xã Vinh Hải và 1 cống thủy lợi ở xã Lộc Bổn bị nước cuốn trôi...
*Tại Quảng Trị, hàng vạn ngôi nhà bị sập và tốc mái trong bão số 10 hồi đầu tháng 10-2013 đã được người dân lợp lại và triển khai xây dựng nay lại bị hư hỏng do bão số 11 tấn công. Ông Lê Quang Lanh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ, cho biết, 100% công trình xây dựng, trụ sở và nhà dân trên đảo vừa khắc phục xong sau bão số 10 đã tốc mái trở lại; nhiều cây xanh tiếp tục ngã gãy la liệt; toàn huyện bị mất điện, sóng viễn thông bị chập chờn; hệ thống đê kè chắn sóng đã bị sạt lở hàng trăm mét, rất may không có thương vong về người. Hiện quân và dân trên đảo đang tập trung hết mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả 2 cơn bão liên tiếp.
*Bộ Y tế có Công văn hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị về tăng cường phòng chống dịch bệnh sau bão. Theo đó, Sở Y tế xây dựng phương án sẵn sàng phòng chống dịch bệnh cho các khu vực bị ảnh hưởng của bão; rà soát, thống kê các trường hợp mắc bệnh, bị thương, tử vong và đáp ứng kịp thời tại các khu vực bị ngập lụt khi bão xảy ra. Sẵn sàng cấp cứu điều trị bệnh nhân, duy trì trực cấp cứu chống dịch 24/24 giờ; chủ động giám sát dịch, xử lý nhanh không để dịch bùng phát, đặc biệt là các bệnh về đường tiêu hóa, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, nước ăn chân, sốt xuất huyết. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.
Văn Thắng
Thành phố Hà Tĩnh ngập chìm trong biển nước
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 11, suốt từ tối 15-10 đến đầu giờ chiều ngày 16-10, trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh có mưa rất lớn, kết hợp lượng nước từ một số hồ chứa xả tràn đổ về dồn dập đã khiến thành phố Hà Tĩnh bị ngập chìm trong biển nước.
Hầu hết các tuyến đường ở trung tâm như, Phan Đình Phùng, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Lý Thường Kiệt. Phan Đình Giót… bị ngập sâu gần 1m, giao thông bị tê liệt hoàn toàn, hàng loạt xe ôtô, xe máy ngập nước bị chết máy giữa đường.
Theo thông báo của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, do mưa quá lớn, mực nước trong hồ Kẻ Gỗ là +30.20m, hồ Bộc Nguyên là +19.16m. Để đảm bảo an toàn chiều 16-10 sẽ tiến hành xả tràn từ 100m3/s cho đến 150m3/s. Vì vậy, nguy cơ thành phố Hà Tĩnh tiếp tục ngập sâu trong nước sẽ còn kéo dài.
Dương Quang – Lê Hương