
Các phòng công chứng sẽ không chứng thực
Hôm qua, 20-10, Quốc hội thảo luận 2 dự án Luật Cư trú và Luật Công chứng. Các quy định về hộ khẩu, vấn đề có tác động rất lớn đến đời sống dân sinh, vẫn là tâm điểm khi các ĐBQH thảo luận dự án Luật Cư trú.
- Cấm dùng hộ khẩu ngoài mục đích quản lý cư trú

ĐB Lê Thị Dung cho rằng đa số cử tri đều mong muốn thay thế sổ hộ khẩu bằng thẻ cư trú - Ảnh: TTXVN
Mặc dù có ý kiến đề nghị cân nhắc đổi mới mô hình quản lý cư trú theo hướng sử dụng sổ cư trú, đại đa số ý kiến phát biểu tại hội trường vẫn nhất trí với quy định sử dụng hộ khẩu.
Tuy nhiên, các đại biểu Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum), Huỳnh Thị Hường (Quảng Nam), Lê Thị Dung (An Giang)… nhấn mạnh: Dự luật nên quy định rõ việc cấm các cơ quan công quyền sử dụng hộ khẩu như một điều kiện làm hạn chế quyền công dân, gây khó khăn cho người dân.
Đại biểu Nguyễn Đình Lộc (TPHCM) cho biết, hiện có tới 420 văn bản các loại trong nhiều lĩnh vực có liên quan tới hộ khẩu! Quốc hội cũng có tới 6 luật có liên quan đến hộ khẩu.
Cần xem xét lại xem có thực sự cần thiết không. Đại biểu Phan Anh Minh (TPHCM) một lần nữa nhắc lại câu chuyện đáng buồn đã xảy ra tại TPHCM, khi một người nhập cư qua đời mà không thể làm giấy khai tử và do đó, không mai táng được do thiếu các loại giấy tờ cần thiết về cư trú.
Trước đó, có ý kiến cho rằng, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong dự luật là chưa đầy đủ; trong thực tế đã xảy ra không ít trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân đến làm thủ tục đăng ký cư trú, cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú. Tiếp thu vấn đề này, UBTVQH đã chỉnh lý theo hướng cấm các hành vi trên.
Đồng thời, nghiêm cấm việc lấy hộ khẩu (thường trú) làm điều kiện để hạn chế quyền, nghĩa vụ khác của công dân.
- “Từ chỗ chặt chẽ quá đến thoáng quá”!?
Đó là nhận xét của đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) về bản dự thảo Luật Cư trú lần này. Ông cho rằng, một số quy định như dự luật sẽ gây khó khăn lớn cho những địa phương, đặc biệt là các thành phố trực thuộc Trung ương.
Ông Thanh yêu cầu: Việc nhập hộ khẩu cho công dân vào khu vực trung tâm thành phố nhất định phải căn cứ vào chỗ ở hợp pháp và nghề nghiệp ổn định, còn quy định về thời gian tạm trú từ 1 năm trở lên là không cần thiết và rất dễ “đối phó”.
Điều 20 và khoản 1 Điều 21 Dự thảo có quy định, người có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nhà... muốn đăng ký thường trú tại đó phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà đồng ý bằng văn bản.
Đại biểu Lê Quốc Trung (Bình Thuận) nhận định: “Quy định như vậy vô hình trung giao cho người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà có quyền quyết định việc đăng ký thường trú của người khác; trong khi quyền được đăng ký thường trú là quyền vốn có của công dân”.
Theo ông, chỉ cần có tài liệu chứng minh có chỗ ở hợp pháp (chẳng hạn hợp đồng cho thuê, cho mượn nhà, cho ở nhờ…) là đủ.
Cùng quan điểm này, đại biểu Phan Anh Minh (TPHCM) bổ sung: “Việc đăng ký thường trú là nghĩa vụ của công dân đối chính quyền để phục vụ công tác quản lý. Cho đăng ký tạm trú tại một địa chỉ nào đó không có nghĩa là công nhận quyền sở hữu của người đang ở đối với địa chỉ nhà đất đó. Khi chủ sở hữu nhà đất đó không cho thuê mượn hay ở nhờ nữa, thì đăng ký thường trú cũng đương nhiên không còn hiệu lực”.
Một số ý kiến khác cho rằng khi đăng ký thường trú nhất thiết phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà để tránh những tranh chấp dân sự có thể phát sinh; thậm chí còn phải quy định về hình thức và giá trị pháp lý của loại văn bản này.
- Không làm chứng thực, phòng công chứng sẽ... thất nghiệp?
Thảo luận về dự án Luật Công chứng, đa số đại biểu đánh giá cao những điều chỉnh, bổ sung của UBTVQH sau những lần thảo luận. Theo dự thảo luật, phạm vi điều chỉnh chỉ là hoạt động công chứng, không bao gồm chứng thực.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) tán thành với phạm vi điều chỉnh như vậy. Bà Khánh cho rằng việc này sẽ góp phần cải cách hành chính, giảm tải cho các phòng công chứng hiện nay, giảm bớt nỗi khổ cho người dân bởi các phòng công chứng sẽ chỉ hoạt động công chứng, còn chứng thực, nhất là chứng nhận bản sao sẽ được giao về cho UBND các cấp.
Cũng tán đồng quan điểm này, song đại biểu Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum) lại băn khoăn: Sắp tới khi Việt Nam gia nhập WTO, hoạt động giao dịch, hợp đồng điện tử sẽ diễn ra phổ biến, nếu các bên yêu cầu công chứng các giao dịch đó sẽ thế nào?
Tuy nhiên, đại biểu Bùi Thị Trung Hà (Hà Nam) lại đề nghị dự luật cần điều chỉnh cả hoạt động chứng thực, nhất là chứng thực bản sao bởi đây đang là vấn đề bức xúc của xã hội.
Nếu không có chứng thực thì sẽ gây khó khăn cho người dân, nhất là những người dân vùng sâu, vùng xa. Đại biểu Nguyễn Đình Lộc (TPHCM) cũng bày tỏ quan điểm, hiện nay ở nhiều tỉnh miền núi, nếu thành lập các phòng công chứng tách riêng với chứng thực thì khó có việc bởi ở những nơi đó, hoạt động giao dịch không nhiều.
“Nếu theo dự luật này, sẽ có nhiều phòng công chứng rơi vào tình trạng… thất nghiệp” - ông Nguyễn Đình Lộc nhấn mạnh.
Theo đề nghị của ông, cần có một giai đoạn chuyển tiếp khoảng 5-10 năm trước khi tách riêng hai hoạt động này, bước đầu chỉ nên áp dụng tách riêng tại hai địa bàn lớn là Hà Nội và TPHCM.
Cho rằng đây là một ý tưởng cần xem xét, nhưng Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu cũng cung cấp thêm thông tin: vừa qua TP Hồ Chí Minh đã thí điểm chuyển hoạt động chứng thực về cho UBND cấp quận, huyện với kết quả khá tốt. Do vậy, xu hướng tách công chứng với chứng thực là hoàn toàn khả thi.
NHÓM PHÓNG VIÊN