Không được phép xây thủy điện nếu không trồng rừng thay thế

Thực hiện chỉ đạo thống kê tình hình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang làm thủy điện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, từ năm 2006 đến 2012, cả nước đã có tới 160 dự án thuộc 29 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang xây dựng thủy điện với diện tích là 19.792 ha. Trong đó có 3.060 ha là rừng đặc dụng, 4.411 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất. 

(SGGPO).- Thực hiện chỉ đạo thống kê tình hình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang làm thủy điện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, từ năm 2006 đến 2012, cả nước đã có tới 160 dự án thuộc 29 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang xây dựng thủy điện với diện tích là 19.792 ha. Trong đó có 3.060 ha là rừng đặc dụng, 4.411 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết thêm, nơi tập trung nhiều dự án thủy điện là Tây Nguyên, mặc dù chỉ có 5 tỉnh nhưng có tới 50 dự án, “ngốn” tới 8.162ha rừng bằng 41,2% diện tích rừng bị chuyển đổi trong cả nước. Sau đó là khu vực Bắc Trung bộ, 7 tỉnh vùng Đông Bắc với 40 dự án, 3 tỉnh vùng Tây Bắc có tới 21 dự án… Đắk Nông, Lai Châu, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam và Nghệ An là những nơi chuyển đổi nhiều nhất. 

Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có 8/29 tỉnh thực hiện việc trồng lại rừng sau khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang làm thủy điện. Tổng diện tích rừng trồng lại chỉ đạt… 735ha, bằng 3,7% diện tích rừng đã chuyển đổi. 

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang làm thủy điện, nhiều công trình không được quy hoạch đồng bộ với kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch bảo vệ phát triển rừng của địa phương, thường là được bổ sung sau khiến quy hoạch ngành lâm nghiệp phải điều chỉnh theo.

Ngoài ra, các dự án thủy điện góp phần giải quyết an ninh năng lượng cho xã hội nhưng người dân ở nơi ngập phải di dời, chịu tác động trực tiếp, đời  sống khó khăn. Các dự án thủy điện được xây dựng ở vùng núi cao, khu vực đầu nguồn có nhiều rừng tự nhiên nên việc chuyển đổi rừng dã làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, gây ra tình trạng lũ lụt, sạt lở đất đá, làm ảnh hưởng đến sinh thái. Hơn nữa, quy định đã yêu cầu, khi chuyển đổi mục đích rừng sang làm thủy điện bắt buộc phải trồng rừng mới thay thế diện tích rừng đã mất nhưng đến nay, chỉ có rất ít địa phương thực hiện được.

Để bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới hạn chế thấp nhất việc chuyển đổi rừng tự nhiên sang làm thủy điện. Đặc biệt, khi phê duyệt dự án đầu tư phải đồng thời phê duyệt phương án trồng rừng thay thế. Mọi trường hợp không có phương án trồng rừng thay thế được duyệt thì kiên quyết không được khởi công dự án.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục