
Như Báo SGGP đã đưa tin, UBND TPHCM vừa phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc hai trục đường Phạm Văn Đồng (Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài) và xa lộ Hà Nội. Hai quy chế này sẽ được triển khai thực hiện ra sao? PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM - người chủ trì tổ chức nghiên cứu các quy chế trên.

Các cao ốc bên Xa lộ Hà Nội. Ảnh: Phạm Cao Minh
Cơ sở để cấp giấy phép xây dựng
- Phóng viên: Thưa ông, đối với người dân, sự ra đời của hai quy chế này tác động ra sao đến cuộc sống của họ, đặc biệt đối với những người dân sinh sống dọc hai trục đường?
>> Ông HỒ QUANG TOÀN: Các quy chế quản lý kiến trúc này là những định hướng chung về tổ chức không gian đô thị cho toàn tuyến đường. Chúng bổ sung cho các đồ án quy hoạch 1/2000 của khu vực, giúp xác định rõ hơn không gian kiến trúc trong toàn khu vực, nơi nào cao, nơi nào thấp, nơi nào mật độ xây dựng cao, nơi nào mật độ xây dựng thấp… Cùng với đồ án quy hoạch 1/2000, các quy chế quản lý kiến trúc này sẽ là cơ sở để cấp giấy phép xây dựng cho người dân và các tổ chức trong khu vực.
- Đồ án quy hoạch 1/2000 và rồi bây giờ là quy chế quản lý kiến trúc, ông có nghĩ rằng, nhiều căn cứ như vậy, người dân sẽ bị rối?
Như đã nói, các quy chế này chủ yếu định hướng không gian kiến trúc, các cơ quan quản lý sẽ tham khảo các quy chế và các đồ án quy hoạch liên quan khi hướng dẫn và cấp giấy phép xây dựng cho người dân. Tất nhiên, để quản lý không gian kiến trúc hiệu quả hơn, cần có những bước đi tiếp theo, đó là lập đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc thiết kế đô thị riêng cho từng khu. Việc này khó có thể thực hiện cho toàn bộ tuyến đường nên trước mắt, TPHCM sẽ tập trung tiến hành nghiên cứu quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc thiết kế đô thị riêng cho từng khu vực có yêu cầu cấp thiết phục vụ cho công tác quản lý như các cụm công trình cần bảo tồn…
Thu hút đầu tư ở các ga metro, đầu mối giao thông
- Trong quy chế quản lý kiến trúc các trục đường này có nói đến các điểm nhấn kiến trúc.Có phải đây là những nơi sẽ tập trung kêu gọi đầu tư, chỉnh trang đô thị ở tầm mức lớn?
>> Cơ bản là thế. Các điểm nhấn kiến trúc sẽ chủ yếu là các ga metro dọc tuyến đường, các đầu mối giao thông, các khu vực có điều kiện tổ chức không gian cao tầng như khu vực Nhà máy Xi măng Hà Tiên, Nhà máy nhiệt điện Thủ Đức… Đây là những khu vực sẽ phát triển nén với mật độ xây dựng tương đối cao nên rất cần thu hút đầu tư từ nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Riêng ở những khu vực cần nghiên cứu bảo tồn, TPHCM sẽ sử dụng ngân sách để thực hiện. Các sở ngành chức năng sẽ tham mưu cho UBND TPHCM cơ chế thu hút đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
- Nếu quy chế quản lý kiến trúc hai trục đường này và cả quy chế quản lý kiến trúc đường Võ Văn Kiệt (đã được UBND TPHCM phê duyệt trước kia) được triển khai thực hiện đầy đủ, TPHCM sẽ có được 3 không gian kiến trúc đẹp, kết hợp một cách hoàn hảo với vẻ đẹp của 3 tuyến đường giao thông hiện đại bậc nhất thành phố?
Tất nhiên, sẽ có sự “thay da, đổi thịt” lớn về không gian kiến trúc tại 3 tuyến đường này nếu việc xây dựng cải tạo chỉnh trang đô thị được thực hiện đầy đủ theo định hướng tổ chức không gian và các quy định về kiến trúc khác liên quan. Thế nhưng, không thể kỳ vọng vào một sự hoàn hảo bởi chúng ta đang đi sau giải quyết hậu quả của việc đường giao thông được xây dựng trước, tuy hiện đại nhưng không gian kiến trúc xung quanh còn nhiều bất cập như có không ít nhà nhỏ, nhà siêu mỏng, đặc biệt trên đường Phạm Văn Đồng… Hiệu quả của công tác chỉnh trang đô thị sẽ tốt hơn khi được tiến hành đồng thời với công tác đầu tư xây dựng đường.
- Thưa ông, việc xây mới đường không kết hợp với chỉnh trang đô thị không phải là chuyện mới ở TPHCM. Từ gần 20 năm trước khi tiến hành dự án cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đã có ý kiến đề nghị tăng biên giải tỏa, kết hợp làm đường, cải tạo kênh rạch với chỉnh trang đô thị song không thực hiện được vì giải tỏa… quá nhiều. Nay ông nói đến việc chỉnh trang đô thị và làm đường phải song song, liệu có khả thi?
Luật Quy hoạch Xây dựng đô thị đã quy định rất rõ, các dự án làm đường mới phải tiến hành đồng thời với chỉnh trang đô thị. Quy hoạch sử dụng đất của TPHCM được Thủ tướng phê duyệt cũng quy định về việc khai thác quỹ đất dọc các tuyến đường mới mở để phục vụ công tác phát triển đô thị. Như vậy, hiện nay hành lang pháp lý cho việc này đã rõ. Vấn đề còn lại là cần tổ chức nghiên cứu việc xây dựng phát triển các dự án một cách đồng bộ, nghiên cứu kỹ về kinh tế đô thị, tính khả thi, nghiên cứu giải quyết hài hòa quyền lợi của người dân, Nhà nước, nhà đầu tư trong việc làm đường và xây dựng chỉnh trang đô thị. Giải quyết tốt quyền lợi của các bên, việc chỉnh trang đô thị kết hợp làm đường, mới có thể làm được.
| |
NGUYỄN KHOA (thực hiện)