Thời gian 6 tháng sau khi mở cửa tuy chưa phải dài để đánh giá thắng hay bại, nhưng đây là dấu hiệu khiến người trong cuộc phải nhìn lại, để có điều chỉnh phù hợp.
Theo các nhà sách, trong khoảng 3 tháng đầu, do có sự hỗ trợ truyền thông của thành phố, phần vì mới, lạ… phố sách hoạt động khá nhộn nhịp, doanh thu trung bình mỗi gian hàng lên tới cả trăm triệu đồng mỗi tháng. Tiếc thay, niềm vui ấy không kéo dài được lâu vì chỉ 3 tháng sau, việc kinh doanh có những dấu hiệu giảm sút. Sự sụt giảm về doanh số kéo theo những đắn đo lưỡng lự của nhà xuất bản trong tổ chức các hoạt động mang tính bề nổi như giao lưu, giới thiệu, ra mắt sách… Bài toán kinh tế đã kéo các nhà sách rơi vào vòng tròn luẩn quẩn không lối thoát. Người mua sách đến với phố sách vì thế lại thêm vắng.
Một chuyên gia về lĩnh vực này khẳng khái nhận định, sách là loại hàng hóa đặc biệt nên không thể cứ khoanh một địa điểm bất kỳ rồi dựng gian hàng là có thể làm thành phố sách.
Quay ngược thời gian khoảng gần một năm trước, khi thông tin về việc Hà Nội có riêng một phố dành cho sách được đưa ra mà lại không phải là “phố sách” Đinh Lễ tồn tại lâu nay với hàng chục cửa tiệm sách lớn nhỏ, đã khiến không ít người am tường tỏ ý nghi ngại. Họ cho rằng việc ra đời phố sách mới là không cần thiết, thậm chí khó hút khách, vì nhiều năm qua phố Đinh Lễ đã tồn tại như một phố sách, được người yêu sách mặc nhiên coi là “trung tâm sách” của thủ đô. Băn khoăn này là có lý nếu quan niệm phố sách chỉ là nơi diễn ra việc mua bán sách và như vậy với mạng lưới cửa hàng sách trên địa bàn thành phố, cũng như mật độ dày đặc quầy sách tại phố Đinh Lễ cũng đủ để đáp ứng nhu cầu của độc giả.
Thử làm một phép so sánh đơn giản, nếu Đường sách TPHCM (đường Nguyễn Văn Bình) được đánh giá là địa điểm thuận lợi, thích hợp nhất để xây dựng đường sách, bởi vị trí ở trung tâm thành phố nhưng yên tĩnh, nhiều cây xanh, không gian mở, dễ kết nối với các công trình văn hóa như Bưu điện TPHCM, Hội trường Thống Nhất... thì đường sách Hà Nội tuy nằm ở trung tâm nhưng lại cách biệt, không có không gian mở. Không gian công cộng của phố 19-12 được thiết kế khá thoáng, đẹp nhưng ngược lại các gian hàng có diện tích hạn chế nên số đầu sách được bày bán chưa nhiều mà ngay cả người đi mua sách cũng có cảm giác bức bối. Đến phố sách mà lại không có nhiều sách, không có chỗ để lựa sách thì còn gì éo le hơn. Vì thế, thay vì phải chen chân trong các quầy sách chật chội thì các bạn trẻ lại lựa chọn không gian phía bên ngoài gian hàng với rất nhiều tiểu cảnh, cây xanh, ghế ngồi… hợp với việc chụp ảnh “sống ảo” là điều dễ hiểu.
Trước thực trạng ảm đạm của phố sách Hà Nội, đã có lãnh đạo nhà sách gửi đề xuất mô hình quản lý mới với các bước hành động từng giai đoạn. Cụ thể, cần có một đơn vị hay một ban quản lý điều hành đúng nghĩa, am hiểu về sách và hoạt động xuất bản, có khả năng kết nối các đơn vị tham gia tại phố sách cũng như các đơn vị xuất bản, phát hành trong những hoạt động chung và chuyên sâu để phát triển văn hóa đọc. Cùng đó, lập công ty quản lý theo mô hình doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận nhằm phối hợp tổ chức các hoạt động để phát triển văn hóa đọc, bao gồm tổ chức các sự kiện, giao lưu tác giả - tác phẩm, triển lãm…
Kinh nghiệm từ nhiều mô hình phố sách trên thế giới cho thấy phố sách cần được xây dựng tại địa điểm có tính kế thừa, một không gian văn hóa có tính kết nối và đặc biệt phải thật nhiều sách, đáp ứng nhu cầu nhiều đối tượng bạn đọc khác nhau. Muốn như vậy thì phố sách không chỉ đơn thuần là các cửa hiệu bán sách đơn lẻ gộp lại mà cần có sự điều hành chung để phát huy sức mạnh. Hơn nữa, nếu mục đích của phố sách không chỉ đơn thuần là làm kinh tế mà còn gánh vác nhiệm vụ chính trị, xã hội, cổ động văn hóa đọc… thì càng phải xây dựng được chiến lược phát triển dài hơi, kỹ lưỡng chứ không chỉ là hoạt động nhất thời, lấp chỗ trống.