Không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm

Ngày 4-3, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đã đồng chủ trì tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VIẾT CHUNG
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VIẾT CHUNG

Gợi mở những vấn đề để các nhà khoa học, các diễn giả, đại biểu tham gia tọa đàm tập trung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc tới nhóm nội dung quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể trong quan hệ pháp luật về đất đai, nhất là vấn đề minh định rõ giữa đại diện chủ sở hữu về đất đai với quản lý nhà nước về đất đai; giữa quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của từng chủ thể; cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực đất đai để góp phần ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực đất đai.

Tại tọa đàm, GS-TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đặc biệt lưu ý đến yêu cầu kiểm soát quyền lực trong việc quản lý và sử dụng đất đai. “Nên chăng, vai trò của MTTQ và của nhân dân phải được thể hiện xuyên suốt trong tất cả các chương, từ giao đất, sử dụng đất, quy hoạch, kế hoạch. MTTQ Việt Nam không chỉ là người chứng kiến, hay tham gia, mà là một chủ thể kiểm soát quá trình thực hiện”, ông Đường nêu ý kiến.

PGS-TS Nguyễn Văn Mạnh (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) góp ý về thẩm quyền và trách nhiệm trong việc thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. “Người bị thu hồi đất được hỗ trợ giải quyết để ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh, hỗ trợ học nghề để chuyển việc. Nhưng ai làm, ban giải phóng mặt bằng hay là nhà đầu tư? Trong luật chưa rõ”, PGS-TS Nguyễn Văn Mạnh phân tích.

Liên quan đến các quy định về giải quyết tranh chấp đất đai, PGS-TS Nguyễn Thị Ngân, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, kiến nghị, cơ quan quản lý đất đai phải nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai, sớm hoàn thiện việc cung cấp chứng nhận đảm bảo phản ánh đúng thực tế thửa đất. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đưa ra những biện pháp xử phạt, chế tài xử phạt cụ thể, rõ ràng đối với những hành vi vi phạm quản lý đất đai. Vấn đề thứ ba là quy định chặt chẽ thẩm quyền, trách nhiệm quản lý của các công ty được thuê đất, giao rừng, xây dựng cơ chế giám sát để kịp thời xử lý, chấm dứt tình trạng tranh chấp kéo dài.

Tin cùng chuyên mục