Môi trường không khí trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tiếp tục bẩn và nước dùng cho cấp nước vẫn chưa sạch. Đó là khái quát tình hình mới nhất về kết quả quan trắc chất lượng môi trường vừa được Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố công bố.
Mối lo bụi, chì và tiếng ồn
Môi trường, không khí của thành phố là vấn đề rất đáng lo ngại, kéo dài nhiều năm qua, tuy có lúc biến động nhưng trên tổng thể, môi trường sống thường xuyên không đạt chuẩn. Điều đáng nói hơn, sự ô nhiễm không khí ấy tiếp tục tập trung vào ba yếu tố chính: bụi lơ lửng, nồng độ chì và tiếng ồn.
Theo cơ quan chức năng, có đến 91% giá trị quan trắc về bụi thu được tại toàn bộ các trạm quan trắc không khí trên địa bàn thành phố không đạt quy chuẩn Việt Nam 05:2009/BTNMT, trong đó nồng độ bụi trung bình tuy có giảm một chút so với cuối năm 2011 nhưng vẫn dao động ở ngưỡng cao, từ 0,38 – 0,64mg/m3. Đi sâu phân tích tình hình, người ta phát hiện ra ở những vị trí càng thị tứ náo nhiệt, xe cộ dày đặc thì ở đó ô nhiễm bụi lơ lửng càng lớn.
Mặc dù xăng pha chì về cơ bản đã không còn sử dụng rộng rãi tại Việt Nam, thế nhưng nồng độ chì trong không khí vẫn rất đáng ngại, thậm chí có xu hướng tăng. So với cùng kỳ đầu năm 2011, nồng độ chì đo được đầu năm 2012 trên địa bàn thành phố dao động trong khoảng 0,29 – 0,40 µg/m3, tức là có tăng lên. Các chuyên gia cho rằng đây là điều khó giải thích khi mà xăng pha chì đã bị cấm sử dụng từ cách đây mấy năm. Các số liệu thống kê đã chứng tỏ trong xăng đang sử dụng vẫn còn chì chỗ này chỗ khác, cách này cách khác. Đây là một lời cảnh báo mà thiết nghĩ các cơ quan chức năng như lực lượng quản lý thị trường chẳng hạn, cần khẩn trương có biện pháp hữu hiệu để phát hiện, ngăn chặn tình trạng xăng pha chì vẫn được ai đó tung vào thị trường tiêu thụ nhằm thủ lợi nhiều hơn, bất chấp quy định cấm của Nhà nước.
Mối lo tiếp theo về chất lượng không khí là tiếng ồn. Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố cho biết 100% số liệu quan trắc về tiếng ồn đều không đạt quy chuẩn cho phép khi thường xuyên duy trì ở mức dao động cao 71 – 85dB. Nồng độ NO2 đo được cũng vượt chuẩn, trung bình dao động từ 0,16 – 0,24mg/m3. So với năm 2011, nồng độ NO2 có giảm xuống một chút. Chỉ có duy nhất chỉ tiêu CO là đạt chất lượng, hơn nữa đang có xu hướng giảm.
Nước sạch chưa... sạch
Khi quan trắc chất lượng nước mặt dùng vào mục đích cấp nước cho sinh hoạt của người dân thành phố, cơ quan chức năng ghi nhận vẫn còn nhiều chỉ tiêu quan trắc không đạt quy chuẩn cho phép. Bởi vì có đến 50% các trạm quan trắc thu được kết quả không đạt chỉ tiêu DO và Coliform trong nước sinh hoạt còn nồng độ dầu tại 100% các trạm là không ổn đối với chỉ tiêu nguồn nước mặt loại A1. Thậm chí so với tháng cuối cùng của năm ngoái, các chỉ tiêu DO, BOD5 và độ mặn còn có xu hướng tăng tại 33% - 67% trạm quan trắc, riêng chỉ tiêu độ pH tăng đều khắp địa bàn thành phố. Chỉ tiêu về Mn dao động trong biên độ chuẩn cho phép, từ 0,035 - 0,051mg/lít.
Nước dùng cho các mục đích khác ngoài cấp nước sinh hoạt, nhìn chung đều đạt chuẩn. Các chỉ tiêu quan trắc như pH, COD, BOD5 và nồng độ dầu đo được đầu năm nay tại hầu hết các trạm đều đạt yêu cầu đối với nguồn nước mặt loại B1, ngoại trừ nồng độ DO và Coliform tại một số nơi có nhích trên quy chuẩn. Kết quả phân tích kim loại nặng như Pb, Cd, Hg, Cu và thuốc trừ sâu tại các trạm quan trắc nước mặt sử dụng cho múc đích cấp nước và các mục đích khác đều yên ổn vì đạt quy chuẩn cho phép đối với nguồn nước mặt loại A1 và B1.
Đối với nước kênh rạch khu vực nội thành, ngoại trừ kênh Đôi – kênh Tẻ có nồng độ BOD và COD dưới hoặc xấp xỉ quy chuẩn cho phép, còn lại tác kênh rạch khác đều bị ô nhiễm hữu cơ và vi sinh trầm trọng, đặc biệt ô nhiễm nặng nhất vào lúc nước ròng. Kênh Tàu Hủ – Bến Nghé vào thời điểm nước ròng tình trạng ô nhiễm hữu cơ cũng có xu hướng tăng: chỉ tiêu BOD tăng 1,4 lần còn chỉ tiêu COD tăng 1,3 lần.
THIỆN NHÂN