Chưa phát hiện ca bệnh
Sáng 12-5, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) và Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), hàng trăm phụ huynh đưa con đến khám bệnh. Chị Hồ Hải (thị xã Bến Cát, Bình Dương) chia sẻ, thấy con bị sốt, nôn ói, biểu hiện vàng da, cộng với đọc thông tin trên mạng về khuyến cáo của Bộ Y tế, sợ con mắc bệnh viêm gan cấp tính nên chị vội bắt xe từ Bình Dương đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM thăm khám. “Bác sĩ cho biết, bé không mắc bệnh viêm gan cấp tính, nhưng tôi nhất quyết xin bác sĩ làm xét nghiệm men gan cho con mới yên tâm”, chị Hồ Hải nói.
Cùng ngày, ở Khoa Nhi tại nhiều bệnh viện khác trên địa bàn TPHCM, không ít phụ huynh cũng có tâm lý như chị Hồ Hải. Tại Bệnh viện quận 7, chị Lê Thu Trang (xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè) cho biết, chị có 3 bé, bé lớn nhất 10 tuổi, nhỏ nhất 2 tuổi. Tối hôm trước, con trai 5 tuổi bị nóng sốt, bỏ ăn, tiêu chảy, uống thuốc ở phòng khám gần nhà không hết, được người thân cảnh báo về bệnh viêm gan cấp tính có thể gây tử vong nếu không được phát hiện sớm, chị rất hoang mang.
Theo BS-CKI Nguyễn Thị Tường Diễm, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện quận 7, hơn 1 tháng qua, khoa tiếp nhận bình quân 20-100 lượt bệnh nhi tới khám với nhiều triệu chứng bệnh khác nhau, đa số phụ huynh hỏi rất kỹ về việc con em họ có mắc bệnh viêm gan cấp tính hay không. Hiện khoa chưa phát hiện bệnh nhi nào mắc căn bệnh này.
ThS-BS Dư Tấn Qui, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cũng cho biết, gần 1.500 bệnh nhi được thăm khám, điều trị tại Khoa Nhiễm từ đầu tháng 4 đến nay, chưa phát hiện trẻ em nào mắc bệnh viêm gan cấp tính. Để chủ động phát hiện sớm trẻ có thể mắc bệnh và thực hiện chỉ đạo của ngành, bệnh viện kết nối với Viện Pasteur TPHCM khi phát hiện trường hợp trẻ nghi mắc viêm gan cấp tính, đơn vị sẽ hội chẩn ngay với viện để thu thập thông tin và bệnh phẩm, tiến hành xét nghiệm PCR và kỹ thuật metagenomics tìm tác nhân gây mắc như virus Adeno (một bệnh virus cấp tính và thường bị nhiễm ở đường hô hấp) và các tác nhân khác (nếu có).
Chỉ gây bệnh ở những trẻ có cơ địa đặc biệt
Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM, bệnh viêm gan cấp tính đến nay nghi vấn lớn nhất tập trung vào virus Adeno type 41, thường xảy ra ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi. Virus Adeno chỉ gây bệnh ở nhóm trẻ có cơ địa đặc biệt, mang bệnh lý chuyển hóa hoặc bị viêm gan B sẵn, virus Adeno tấn công sẽ khiến gan tổn thương nghiêm trọng hơn. Trẻ bắt buộc phải được điều trị tại bệnh viện như các ca viêm gan cấp virus khác, giúp gan hồi phục dần.
“Rất may, virus Adeno không gây bệnh ở mọi trẻ em nên không thể bùng phát thành dịch như Covid-19 hay bệnh tay chân miệng”, BS Trương Hữu Khanh chia sẻ rồi khuyến cáo: “Tình trạng đau bụng, tiêu chảy, nôn trớ, sốt… là những biểu hiện thường gặp ở trẻ nhỏ. Vì thế không phải bất kỳ trẻ nào có những biểu hiện đó cũng xếp vào diện nghi ngờ mắc viêm gan cấp tính. Chỉ khi trẻ có triệu chứng vàng mắt, vàng da, nước tiểu sậm màu, phụ huynh mới nghĩ tới nguy cơ viêm gan và phải đưa trẻ đi khám, làm xét nghiệm để được các bác sĩ xác định nguyên nhân và điều trị hợp lý. Tránh vì nôn nóng, xét nghiệm vô độ chỉ gây mất thời gian và tốn kém tiền bạc, không giải quyết được vấn đề gì và cũng không ra bệnh”.
PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Dược TPHCM, cũng khuyến cáo, các bậc phụ huynh không nên quá hoang mang, cần bình tĩnh và lưu ý các triệu chứng sớm liên quan đến bệnh gan ở trẻ và không lạm dụng xét nghiệm men gan cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Các tổn thương thường gặp nhất do virus Adeno gồm: viêm đường hô hấp, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), viêm bàng quang, viêm màng não...
Tuy nhiên, nguyên nhân gây bệnh viêm gan cấp tính có phải do virus Adeno gây ra hay không vẫn còn là giả thuyết. Do đó, trong khi chờ kết quả nghiên cứu khẳng định nguyên nhân gây bệnh, các bậc phụ huynh cần lưu ý tuân thủ các nguyên tắc thực hiện vệ sinh cá nhân có thể là nguồn lây bệnh cho trẻ, như: không dùng chung các đồ cá nhân, thực hiện ăn chín uống sôi, đảm bảo nguồn nước sạch và xử lý tốt chất thải của bệnh nhân, vì đó có thể là đường lây truyền.
Bên cạnh đó, nhà trường - phụ huynh cần lưu ý phòng bệnh cho trẻ tại các trường học bằng cách đảm bảo vệ sinh, không cho các em dùng chung đồ... đặc biệt phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và trẻ phải được tiêm chủng đầy đủ ngừa viêm gan siêu vi A, B.
Theo cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới, đến nay đã có 20 quốc gia báo cáo về các trường hợp mắc viêm gan không rõ nguyên nhân với 348 trường hợp mắc được xác định và còn 70 trường hợp từ 13 quốc gia đang chờ xét nghiệm. Đặc biệt, các nghiên cứu về khả năng căn bệnh viêm gan bí ẩn này có liên quan đến virus Adeno và Covid-19 đang được tiến hành. Trong đó, các xét nghiệm mới đây nhất cho kết quả có khoảng 70% số ca mắc dương tính với virus Adeno (chủng phụ 41), liên quan đến chứng viêm dạ dày ruột. Hơn nữa, xét nghiệm cũng cho thấy 18 trường hợp có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Tổ chức Y tế thế giới cũng cho biết, các trường hợp mắc căn bệnh viêm gan bí ẩn xảy ra tại những nơi lưu hành cao virus Adeno với các biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao rõ rệt. Đa số các trường hợp được báo cáo đều không bị sốt và không phát hiện nhiễm các loại virus phổ biến gây viêm gan virus cấp tính như: virus viêm gan A, B, C, D và E. NGUYỄN QUỐC |