* Tổ chức tốt kỳ thi này và lấy kết quả để xét tuyển vào ĐH, CĐ
Trong số báo ngày 21-5, trong mục Diễn đàn “Đổi mới tuyển sinh như thế nào?”, báo SGGP đã đăng ý kiến của Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương TPHCM và nhà giáo Trịnh Bình đồng tình với việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, một số người lại có ý kiến khác. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng ý kiến của PGS-TS Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM, về vấn đề này.
Mấy yêu cầu có tính nguyên tắc sau đây là cơ sở cho việc hình thành đường hướng đổi mới một cách căn cơ tuyển sinh đại học:
– Đại học, cao đẳng và dạy nghề (ĐH, CĐ, DN) là giai đoạn đào tạo sau phổ thông (PT). Người học của các bậc học này chủ yếu là học sinh PT với vốn hiểu biết và năng lực được tạo dựng trên nền kiến thức được trang bị từ kết quả giáo dục PT. Do đó cơ sở để tuyển vào ĐH, CĐ và DN phải là kiến thức được tạo dựng từ kết quả giáo dục PT, nhất là THPT. Ở mỗi giai đoạn phát triển, kết quả giáo dục PT đạt đến những cái chuẩn của mặt bằng kiến thức nhất định. ĐH, CĐ tuyển từ đó và đào tạo với sự kế thừa, cải biên, sáng tạo từ đó. Nếu chúng ta chưa bằng lòng với kết quả giáo dục PT thì phải tập trung sức thúc đẩy nâng cao chứ không được quay lưng lại với kết quả đó, để rồi dẫn đến tình trạng học thêm, dạy thêm cho thi tuyển sinh ĐH tràn lan như hiện nay.
– Mục tiêu giáo dục ở ĐH, CĐ và DN cũng rất toàn diện - giáo dục rèn luyện nhân cách, khả năng tư duy năng động và kỹ năng thực hành. Do đó phải có cách tuyển thích hợp để không chỉ dựa vào kết quả đánh giá của những môn thi, đề thi quá hạn hẹp, mà phải dựa cho được vào nền kiến thức toàn diện, căn cơ PT, kiến thức cơ sở ngành và năng khiếu.
– Mặc dù vẫn phải trang bị những kiến thức chung về khoa học cơ bản, cơ sở, nhưng ở ĐH, CĐ có đặc trưng khác với PT là tổ chức đào tạo chuyên sâu theo ngành hoặc chuyên ngành. Trong những năm qua mặc dù chúng ta tổ chức thi tuyển sinh riêng cho ĐH và CĐ, nhưng không thi cho ngành hoặc chuyên ngành - chỉ theo khối cho nhiều ngành, thậm chí cho nhiều khối ngành. Vậy, tại sao không tách thi và tuyển thành hai mảng công việc để tìm cách đổi mới, mà cứ gò ép thi tuyển để có một kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trùng lặp, không cần thiết và sinh hại như đã phân tích ở trên.
– Nhẹ nhàng, ít phức tạp, ít rủi ro và ít tốn kém tiền của công sức cũng là yêu cầu cần phải được tính đến cho công việc đổi mới tuyển sinh ĐH.
Trên tinh thần của những yêu cầu đó, có thể cho chúng ta cảm nhận là, cái cần phải hướng mạnh và nhanh tới không thể chỉ là một vài cải tiến cách thi tuyển sinh theo kiểu cũ, mà phải là đổi mới một cách căn cơ cách tuyển sinh cũ, bằng tập trung sức cho kỳ thi tốt nghiệp PTTH và lấy kết quả của kỳ thi PTTH để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Để thực hiện ý tưởng như đã nói trên, xin thử đề xuất một số dự kiến giải pháp như sau:
Toàn ngành giáo dục hãy tập trung nhiều cho kỳ thi tú tài để vừa làm công việc kết thúc giai đoạn giáo dục PT - để xã hội có thêm nhiều cô cậu tú, vừa tạo và cung cấp thông tin tư liệu về kết quả đánh giá kiến thức của học sinh tốt nghiệp THPT - những căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ - để xã hội có thêm những tân sinh viên. Kỳ thi đó phải là kỳ thi quốc gia với đề thi và tổ chức chấm thi chung của sự thống nhất trên toàn quốc, để có kết quả dùng chung cho cả việc công nhận tốt nghiệp THPT và cả việc tuyển sinh ĐH, CĐ
Điểm để tuyển vào ĐH, CĐ cần và có thể có là: 1) điểm trung bình của tất cả môn thi tú tài; 2) điểm riêng của từng môn của một số môn độc lập gắn với yêu cầu kiến thức cần có của chuyên ngành đào tạo cần kiến thức năng khiếu ở người học, còn có thêm điểm của môn năng khiếu do cơ sở đào tạo tổ chức thi hoặc kiểm tra. Các cơ sở đào tạo được tự chủ trong việc xác định môn học được tính điểm và hệ số tính điểm trong phương án tuyển sinh cho ngành, hoặc nhóm ngành đào tạo của mình. Cũng cần nói thêm là thi tốt nghiệp THPT cho kết quả đề dùng chung, trong đó có dùng cho tuyển sinh ĐH, CĐ. Còn dùng thế nào để tuyển tương thích với từng ngành hoặc chuyên ngành đào tạo của các trường là công việc của các trường.
Trong khi mặt bằng của môi trường và kết quả giáo dục theo khu vực và đối tượng vẫn còn có khoảng cách, thậm chí cách xa, thiết nghĩ nên tiếp tục giữ chính sách xét tuyển có sự chiếu cố đến khu vực và đối tượng bằng việc cộng thêm điểm khu vực và đối tượng vào tổng điểm để xét tuyển.
Người dự tuyển ĐH, CĐ trực tiếp nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển bao gồm: đăng ký nguyện vọng ngành nghề, bản sao bằng tú tài, phiếu chứng nhận điểm thi tú tài và học bạ ở ba năm THPT để được xét tuyển. Mỗi ứng viên đăng ký dự tuyển có thể có nhiều nguyện vọng được gửi hồ sơ đăng ký ở nhiều cơ sở đào tạo tương thích để tìm và chọn lựa cơ may được học.
ĐÀO CÔNG TIẾN
(Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM)