Và dù Chính phủ, các bộ, ngành đã đưa ra nhiều biện pháp, trong đó có cả giải pháp hành chính là yêu cầu các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi giảm giá heo hơi xuống 70.000 đồng/kg, đồng thời mở rộng cửa cho thịt nhập khẩu (lượng thịt heo nhập khẩu tăng tới 300% so với cùng kỳ năm 2019), nhưng giá bán lẻ thịt heo tại các chợ không có dấu hiệu giảm, thậm chí giá một số loại thịt heo vẫn đứng ở mức rất cao.
Một trong những nguyên nhân chính khiến giá thịt heo tăng cao là do nguồn cung bị hạn chế, bởi tổng đàn heo thịt đã giảm mạnh sau khi dịch tả heo châu Phi (ASF) xuất hiện và lan rộng tại Việt Nam vào năm 2019. Thực chất, có đúng vì lý do mất cân đối cung - cầu thì giá thịt heo tăng cao hay còn vì một lý do nào khác?
Theo số liệu từ chợ đầu mối Hóc Môn (TPHCM), tại thời điểm này mặc dù lượng thịt heo về chợ hàng đêm giảm rất mạnh so với cùng kỳ (khoảng 277 tấn/ngày, tức chỉ bằng gần 1/5 so với tháng 6-2019), nhưng không hề xảy ra tình trạng thiếu hụt.
Nguyên nhân là do giá thịt heo tăng cao dẫn đến nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh, người dân dần chuyển hướng sang sử dụng nhiều thực phẩm khác như bò, gà, cá để thay thế. Báo cáo của Sở Công thương TPHCM cũng cho thấy, tổng sản lượng tiêu thụ toàn thị trường tháng 4-2020 giảm khoảng 40% so với tháng 3-2020 do thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi tương đối vào tháng 5-2020 nhưng vẫn giảm 25% so với thời điểm tháng 3-2020.
Như vậy, nguồn cung ít nhưng sức mua giảm, giá thịt heo vẫn tăng cao là vì sao? Một chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi cho rằng, giá heo hơi vẫn là thách thức với những giải pháp hành chính được đề ra, nó chỉ mới có tính khích lệ và quyết tâm mà không đi sâu vào đánh giá toàn diện, đề ra các giải pháp kiểm tra môi trường cạnh tranh qua giá thành và lãi hợp lý. Trên thực tế, nguồn heo bị mất cân đối cung - cầu là có thật, nhưng nó cũng là nguyên cớ để ẩn nấp những khuất tất mù mờ không minh bạch trong vận hành lượng heo hơi trên thị trường. Hay nói khác đi, nó là cuộc chơi “thu vén” của các DN lớn có hệ thống chăn nuôi công nghiệp, lượng điều tiết thị trường và điều hành giá dành cho những người làm chủ cuộc chơi này.
Biểu hiện rõ nhất, khi Chính phủ có chỉ thị giảm giá heo hơi xuống dưới 70.000 đồng/kg thì ngay lập tức các DN này đã thay đổi phương thức kinh doanh bằng cách giết mổ gia công, qua kiểm dịch và bán thẳng ra thị trường, thoát khỏi giá xuất heo hơi vượt 70.000 đồng/kg, lợi nhuận vẫn thu được bằng kinh doanh thịt tươi được gánh chịu bởi người tiêu dùng. Trong một số trường hợp, các biến tướng của chênh lệch giá mua bán heo hơi lại có những kỹ xảo chung ngoài hóa đơn để vẫn bảo toàn được lợi nhuận. Nói chung, cách dẫn dắt giá thị trường có nhiều cách thoát mà các cơ quan quản lý bị qua mặt một cách hợp lý và sau đó đổ thừa giá heo tăng cao một phần là do khâu trung gian, thương lái. Đây chính là vấn đề cần được làm rõ để đưa mặt hàng thịt heo về đúng với giá trị thực của nó, cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.
Để đảm bảo cung - cầu, giá cả, nhiều ý kiến cho rằng, cần có ngay chính sách hỗ trợ chăn nuôi từ con giống, các dịch vụ thú y và trước mắt là giải pháp bảo vệ giá tối thiểu có lãi để tạo niềm tin khuyến khích tái đàn. Cụ thể, Chính phủ và các bộ, ngành cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi thật cụ thể như cho vay vốn với lãi suất thấp, hỗ trợ về mặt kỹ thuật và thú y, khuyến khích các DN giết mổ, phân phối tham gia để phát triển tổng đàn. Bởi lẽ, muốn giảm giá chỉ có cách hoặc là tăng nguồn cung hoặc là giảm nhu cầu. Tăng nguồn cung là khuyến khích người chăn nuôi tái đàn, tăng tổng đàn nhưng điều này cần phải có thời gian. Cũng có ý kiến cho rằng, chúng ta chấp nhận giá heo đứng ở mức cao trong một thời gian nữa vẫn an toàn hơn là việc cho phép nhập khẩu heo hơi về để giết thịt, tránh khả năng lây lan của dịch bệnh từ bên ngoài vào. Thay vào đó, cần tạo các cơ chế, chính sách thông thoáng để khuyến khích các DN tăng cường nhập khẩu thịt đông lạnh cung ứng cho tiêu dùng, cũng như sản xuất và chế biến thực phẩm nhằm giảm áp lực về nguồn cung và giá cả đối với thịt heo nóng.
Về giá heo, nên hạn chế tối đa các mệnh lệnh hành chính trong bình ổn thị trường thịt heo, không đề cao vị trí thịt heo trong khẩu phần bằng sự quan tâm thái quá của Nhà nước, tạo nên hiệu ứng thiếu tích cực trong giá mua bán heo. Nói cách khác, nên để cho quy luật cung cầu tự nhiên phát triển, nhà nước nên đi sâu vào kiểm soát theo giá cạnh tranh và giá thành xuất xưởng, người sản xuất phải cạnh tranh giá và khống chế giá bán bằng giá xuất chuồng + lãi theo biên độ rộng, ai bán vượt giá khung sẽ bị chi phối bởi thuế.
Theo tính toán, thị trường TPHCM giao dịch bình quân 10.000 con heo/ngày, tổng giá trị thị trường thịt heo tại TP lên đến 17.000 tỷ đồng/năm (tương đương 750 triệu USD/năm). Và đó mới chỉ là con số tính theo thời giá năm 2019, khi mà giá heo hơi chỉ dừng ở mức 50.000 đồng/kg, còn với mức giá tăng gấp đôi như hiện nay thì quy mô còn lớn hơn rất nhiều. Con số này cho thấy, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tươi sống nói chung và thịt heo nói riêng tại TPHCM rất cao nhưng hiện chưa có chuẩn quy cách đồng bộ trong chăn nuôi, giết mổ, mua bán cũng như chưa có cơ sở dữ liệu chính xác về mặt hàng thịt heo. Do vậy, để quản lý tốt cung cầu, giá cả thịt heo, đã đến lúc TPHCM cần xây dựng Sàn giao dịch heo để tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi, giết mổ và phân phối theo hướng văn minh, hiện đại nhằm tránh tình trạng “được mùa, mất giá” và ngược lại, từ đó hướng đến phát triển bền vững.