Tai nạn giao thông nói chung và cụ thể là vụ chiếc sà lan nặng khoảng 600 tấn đâm vào trụ cầu Ghềnh đúng là chuyện rủi cho ngành đường sắt, cho những người lưu thông trên cầu Ghềnh ngày hôm ấy và thậm chí cho cả hai nghi can là tài công điều khiển chiếc sà lan mà ngành chức năng đã bắt được vào sáng 21-3-2016. Thế nhưng, tai nạn giao thông không phải chuyện may, rủi mà hoàn toàn có thể phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu nếu như tất cả những người tham gia giao thông và các cơ quan chức năng cẩn trọng, làm hết trách nhiệm của mình. Nguyên tắc này đã được nhiều nước trên thế giới chứng minh khi quyết liệt triển khai nhiều biện pháp an toàn giao thông và đã giảm thiểu được các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra.
Theo điều tra bước đầu của ngành chức năng, nguyên nhân gây ra vụ đâm va nêu trên là do tài công điều khiển sà lan đã vi phạm các quy đinh về giao thông đường thủy nội địa khi đi qua cầu Ghềnh. Tàu kéo mang số hiệu SG-3745 được kiểm định ngày 6-3-2015 và đã hết hạn kiểm định vào ngày 1-12-2015. Chỉ có sà lan mang số hiệu SG-5984 được kéo theo là còn hạn đăng kiểm đến ngày 4-7-2016. Như vậy đến thời điểm gây tai nạn, chiếc tàu kéo đã quá hạn đăng kiểm gần 3 tháng, nên không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật.
Về phía người điều khiển phương tiện, Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin sơ bộ, theo chủ tàu, tàu kéo SG-3745 kéo sà lan SG-5984 đi trên sông Đồng Nai, do tránh phương tiện đi ngược chiều, đã đâm làm sập cầu Ghềnh. Tất nhiên, phải đợi ngành chức năng có kết luận cuối cùng mới rõ ai phạm luật và phạm luật tới mức nào, thế nhưng với những thông tin ban đầu cũng thấy được sự coi thường pháp luật của người chủ chiếc tàu kéo mang biển số SG-3745 khi không chấp hành các quy định của pháp luật về đăng kiểm phương tiện giao thông thủy. Còn nữa, việc này cũng cho thấy có lỗ hổng trong việc kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về đăng kiểm của ngành chức năng. Theo một số cán bộ công tác lâu năm trong ngành giao thông thủy, đường thủy rất khác đường bộ ở chỗ có… nhiều nhánh sông nhỏ mà chủ tàu có thể cho tàu “tấp” vào nhằm trốn tránh sự kiểm soát của ngành chức năng. Chưa kể, có một thói quen “khó bỏ” của không ít chủ tàu thủy ở khu vực Nam bộ là tâm lý “nghề dạy nghề”; cha, chú biết lái sà lan, dạy lại cho con cháu. Thói quen này sẽ không có gì phải bị phê phán nếu như bên cạnh kinh nghiệm của cha, chú, lớp con cháu theo học đầy đủ các khóa học về đào tạo lái tàu và thi sát hạch nghiêm túc để được cấp bằng lái. Thế nhưng, thực tế nhiều năm qua ở nhiều địa phương khu vực Nam bộ, không phải như vậy…
Bộ Giao thông Vận tải đang khẩn trương khắc phục sự cố. Cầu Ghềnh sẽ được sửa chữa và những chuyến tàu Bắc - Nam sẽ thông suốt đến TPHCM. Thế nhưng, qua mỗi vụ tai nạn mong rằng ngành chức năng sẽ sớm “vá” những bất cập còn đang tồn tại trong ngành mình. Xin nhắc lại một lần nữa, tai nạn giao thông hoàn toàn có thể ngăn chặn và kéo giảm nếu có các giải pháp xử lý cương quyết, kiên trì của ngành chức năng.
NGUYỄN KHOA