Không phải thấy có vẻ ổn rồi buông

TPHCM sẽ rất khó khăn trong quản lý nếu sáp nhập các sở

Lập lại trật tự lòng lề đường tại TPHCM

“Việc lập lại trật tự lòng lề đường đã đạt được kết quả bước đầu, sau gần 1 tháng nhiều địa phương đồng loạt ra quân. Tuy nhiên, các sở ngành, quận huyện phải thực hiện kiên trì, thường xuyên chứ không phải thấy có vẻ ổn, rồi buông”. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhắc nhở các quận huyện tại cuộc họp kiểm điểm tình hình kinh tế - xã hội quý 1-2017, diễn ra ngày 31-3.

Người dân đường Lê Lợi (quận 1) tự nguyện đập bỏ phần thềm nhà lấn chiếm vỉa hè tối 29-3

Tính lại bài toán kinh tế vỉa hè

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, trong 2-3 tuần nữa TP sẽ tiếp tục nghe các quận huyện báo cáo lại tình hình lập lại trật tự lòng lề đường, chúng ta không thể làm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, làm theo phong trào, theo chiến dịch. Ngoài ra, yêu cầu công tác xử lý vi phạm trật tự lòng lề đường tại các địa phương phải thực hiện đúng quy định pháp luật. Trong quá trình thực hiện phải lắng nghe ý kiến nhiều chiều của dư luận để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Song song việc lập lại trật tự lòng lề đường là tính lại bài toán kinh tế vỉa hè. “Sắp tới TP sẽ nghe các chuyên gia, nhà khoa học góp ý để TP tổ chức lại hoạt động kinh doanh trên vỉa hè như thế nào cho hợp lý, mà đảm bảo vỉa hè được thông thoáng cho người đi bộ”, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết.     

Liên quan đến giải pháp chuyển đổi ngành nghề người bán hàng rong trên địa bàn quận 1, Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận báo cáo: Toàn quận 1 có 580 hộ bán hàng rong, trong đó quận đã điều tra, khảo sát, sàng lọc có 260 hộ nghèo. Hiện 130/260 hộ nghèo đã chấp nhận chuyển đổi ngành nghề. Quận 1 đã tạo điều kiện, giới thiệu cho những người dân thuộc các hộ này chuyển sang nghề giúp việc nhà, làm bảo vệ, nhân viên vệ sinh… Riêng với 130 hộ nghèo không đăng ký chuyển đổi ngành nghề, quận đã có kế hoạch tổ chức sắp xếp cho 100 hộ trong số này được buôn bán tại 2 khu vực thí điểm đã được UBND TP chấp thuận. Đối với 30 hộ nghèo không có khả năng chuyển đổi ngành nghề, cũng không thể buôn bán vì đa phần là người già, quận 1 đã có hướng tạo việc làm. Cụ thể, quận 1 yêu cầu Ban quản lý chợ Bến Thành vận động 1.200 hộ kinh doanh trong chợ Bến Thành chấp thuận chuyển từ túi ni lông sang túi giấy và 30 hộ nghèo này sẽ gia công túi giấy cung cấp cho các hộ kinh doanh trên với giá thành 600 - 1.000 đồng/túi.

Sớm sắp xếp lại chợ tạm

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng nhận xét rằng, tình hình hoạt động các bến cóc, xe dù trên địa bàn nhiều quận huyện hiện còn rất lộn xộn, gây ảnh hưởng lớn giao thông đô thị. Đồng chí Nguyễn Thành Phong dẫn chứng xe khách Toàn Thắng đậu dọc tuyến đường Mai Chí Thọ mà “không ngày nào không thấy” và yêu cầu Chủ tịch UBND quận 2 phải sớm xử lý bến cóc này.

Liên quan đến trật tự lòng lề đường, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo các quận - huyện phối hợp với Sở Công thương TPHCM tiến hành tổ chức, sắp xếp lại chợ tạm, chợ tự phát trên địa bàn. “Sở Công thương và các quận - huyện cố gắng sắp xếp lại vì hoạt động của các chợ này đang ảnh hưởng rất lớn đến giao thông”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh và chứng minh khu chợ tạm trên đường 145 (quận 9) buổi sáng hoạt động tràn ra đường, không còn lối cho giao thông. Đồng chí Nguyễn Thành Phong lưu ý các địa phương tổ chức, sắp xếp lại chợ tạm chứ không phải dọn dẹp, vì đằng sau đó là cuộc sống cũng như thói quen mua bán của người dân. “Tổ chức chợ mới chưa chắc người dân đã bán hay mua, nên nếu có quy hoạch sắp xếp chợ tạm phải thăm dò ý kiến của người dân”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu.

Buôn bán lấn chiếm lòng đường Nguyễn Biểu (phường 2, quận 5) tối 31-3 Ảnh: Khắc Hào

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Công thương TPHCM Phạm Thành Kiên cho biết, toàn địa bàn TPHCM có 45 chợ tạm và 228 điểm buôn bán, kinh doanh tự phát trên lòng đường, vỉa hè. Còn Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Phước Trung cho rằng, tình trạng buôn bán gia súc, gia cầm trái phép ngày càng tràn lan tại các chợ tự phát trên địa bàn TP. “Hoạt động các điểm kinh doanh gia cầm sống rất công khai. Người bán còn tổ chức giết mổ tại chỗ thì rất nguy hiểm về an toàn thực phẩm”, ông Nguyễn Phước Trung bức xúc và đề nghị sở ngành, quận huyện đẩy nhanh tiến độ giải tỏa, sắp xếp lại chợ tự phát, chợ tạm.

TPHCM sẽ rất khó khăn trong quản lý nếu sáp nhập các sở 

Tại buổi họp báo cùng ngày, trao đổi với báo giới liên quan đề án sáp nhập một số sở ngành đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến các tỉnh thành, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan bày tỏ: “Không phải TPHCM không muốn tinh gọn bộ máy, nhưng nếu xem TPHCM như một tỉnh, thì không thể quản lý một đô thị mười mấy triệu dân tốt được”.

Theo ông Hoan, nếu gom Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài chính như kế hoạch của Bộ Nội vụ thì thực sự TPHCM sẽ “rất đuối” vì đa số các tỉnh không như TPHCM, thu ngân sách không nhiều, đầu tư cũng không bao nhiêu. Ngoài ra, nếu gom các sở Giao thông vận tải, Xây dựng và Quy hoạch - Kiến trúc ở các tỉnh thì được, nhưng TPHCM thì không thể. Vì lĩnh vực Quy hoạch - Kiến trúc trước đây thuộc Sở Xây dựng, sau đó TPHCM có cơ chế kiến trúc sư trưởng, nên cuối cùng cũng chuyển thành Sở Quy hoạch - Kiến trúc như hiện nay. “TPHCM mà gom 3 sở này vô làm một thì rất vất vả, có thể nói là một bước đi lùi… và sẽ rất khó khăn trong quản lý quy hoạch của TP”, ông Hoan nói.

 Kinh tế TPHCM tăng trưởng 7,46% trong quý 1-2017

Theo báo cáo của UBND TPHCM, kinh tế TPHCM qua 3 tháng đầu năm 2017 tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ thông qua các yếu tố tác động tích cực như tổng vốn đầu tư xã hội, lượng doanh nghiệp thành lập mới, đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, huy động vốn qua ngân hàng đều tăng.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP của TP quý 1-2017 đạt 7,46%, đầu tư toàn xã hội tăng 7,8%, lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng gần 62%, vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố tăng gần 57% và huy động vốn qua ngân hàng tăng 11,1%, dư nợ cho vay tăng gần 20%. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm thành phố đã thu hút được lượng vốn FDI gần 575 triệu USD, tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực thông tin truyền thông, buôn bán, công nghiệp chế biến của các nhà đầu tư đến từ Malaysia, Nhật Bản, Hà Lan, Thái Lan…

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục