Xử lý doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường
Đó là khẳng định của Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Tất Thành Cang tại cuộc họp giải quyết các doanh nghiệp (DN) đang gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố. Theo đó, để có thể phát triển TPHCM trở thành thành phố xanh và đáng sống, vấn đề quan trọng là phải cải thiện chất lượng môi trường. Và muốn làm được vậy, việc trước tiên là phải xử lý triệt để những DN có hành vi vi phạm môi trường. Đồng thời, ngăn chặn hiệu quả những trường hợp phát sinh ô nhiễm mới.
Nước thải nổi bọt trắng, bốc mùi hôi từ cơ sở sản xuất đổ vào kênh Tham Lương. Ảnh: Cao Minh
Phát sinh gần 500 cơ sở gây ô nhiễm
Kết thúc chương trình di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm năm 2007, toàn thành phố đã được báo cáo không còn các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, từ năm 2007 đến nay, thống kê lại cho thấy phát sinh mới 464 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm và 371 cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch. Trong đó, có 12 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, cùng với xu hướng đô thị hóa ngày càng diễn ra nhanh chóng, số lượng DN đầu tư tại TPHCM không ngừng gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng thì cũng còn một số DN gây ô nhiễm môi trường. Phần lớn trong số các DN bị phát hiện và liệt kê vào danh sách gây ô nhiễm đợt này có quy mô sản xuất nhỏ và rất nhỏ. Cơ sở kinh doanh theo hình thức hộ gia đình nên không có điều kiện đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Rất nhiều cơ sở thường lựa chọn những khu vực ngoại thành, còn thưa dân để xây dựng nhà máy. Việc cấp phép đầu tư cho các cơ sở này của quận huyện chưa được kiểm duyệt chặt chẽ. Kết quả là các cơ sở lại tiếp tục gây ô nhiễm cho quận huyện ngoại thành. Trên thực tế, những quận huyện như Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn và 12 là những điểm nóng phát sinh hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Điển hình như tại khu vực phường Đông Hưng Thuận, quận 12 hay tại khu Vĩnh Lộc quận Bình Tân. Rất nhiều DN vẫn đang tiếp tục hoạt động sản xuất những ngành nghề nhạy cảm với môi trường như dệt nhuộm, tái chế nylon, thổi ống nhựa PVC, bao bì… Nhiều đoàn thanh kiểm tra môi trường đã được thành lập, nhiều quyết định hành chính xử phạt hành vi vi phạm môi trường đã được đưa ra nhưng cho đến nay việc tái vi phạm môi trường vẫn còn tiếp tục.
Không dừng lại đó, số ít những DN sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành từ năm 2003 cho đến nay vẫn tồn tại, chưa được giải quyết dứt điểm.
Không dung dưỡng cho cơ sở ô nhiễm
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Tất Thành Cang đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan chức năng liên quan giải quyết triệt để vấn đề này. Theo đó, thành lập đoàn kiểm tra chuyên ngành đột xuất. Trường hợp phát hiện DN, cơ sở sản xuất có hành vi vi phạm môi trường phải lập biên bản xử lý. Không dừng lại dó, đây là cơ sở để chuyển sang các bước xử lý tiếp theo như chuyển sang xử lý hình sự hoặc buộc ngưng hoạt động và di dời. Riêng những DN, cơ sở sản xuất đã được xác định phải di dời, nhất định không cho thời hạn trì hoãn. Cụ thể, với những DN sản xuất gây ô nhiễm môi trường vốn tồn tại từ năm 2003 thì đến cuối năm 2015 buộc phải ngưng hoạt động và di dời. Những trường hợp DN đã cải thiện quy trình sản xuất không còn gây ô nhiễm môi trường nhưng không phù hợp với quy hoạch phát triển chung của thành phố cũng nhất thiết phải di dời. Riêng với những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng mới phát sinh sau thì chậm nhất cũng phải hết quý 1-2016 cũng phải di dời. Tuy nhiên, song song với việc buộc các DN sản xuất gây ô nhiễm phải di dời, hiện UBND TP đang chỉ đạo cho Ban quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp TPHCM (Hepza) đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3.
Theo đại diện UBND huyện Bình Chánh, hiện khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 cơ bản đã hoàn thành được lượng lớn mặt bằng cần giải phóng. Về phía chủ đầu tư khu công nghiệp cũng cam kết hết quý 1-2016 cơ bản tiếp nhận được những cơ sở từ phường Đông Hưng Thuận, quận 12. Và trong thời gian chờ cơ sở đến đầu tư nhà xưởng, chủ đầu tư khu công nghiệp sẽ triển khai đầu tư hoàn thiện hạ tầng tiếp nhận và xử lý chất thải. Đến tháng 6-2016, toàn bộ hoạt động của khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 chính thức đi vào hoạt động ổn định.
Có thể nói, cách xử lý đồng bộ theo hướng kiên quyết mạnh tay với các DN, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, đồng thời, hỗ trợ điểm đến cho các đơn vị có nhu cầu di dời hoặc nằm trong diện phải di dời; các trường hợp sản xuất gây ô nhiễm sẽ không còn lý do để trì hoãn hoặc kéo dài hành vi vi phạm môi trường của mình. Và quan trọng hơn, sẽ không còn tình trạng di dời ô nhiễm từ quận huyện này sang quận huyện khác.
MINH XUÂN