
Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Olympic Toán quốc tế lần thứ 48 (IMO) vào năm 2007 với sự tham gia của khoảng 95 nước và vùng lãnh thổ. Thế nhưng, nhiều người lo sợ thành tích của đội chủ nhà sẽ bị ảnh hưởng bởi những tác động trực tiếp từ việc thay đổi quy chế thi học sinh giỏi bậc THPT mà Bộ GD-ĐT đang soạn thảo đến lần thứ 10 vẫn chưa xong.
- Loay hoay bỏ tuyển thẳng hay giữ?
Điểm mấu chốt và gây nhiều tranh cãi nhất trong dự thảo Quy chế thi học sinh giỏi là việc bỏ tuyển thẳng đại học (ĐH) đối với học sinh giỏi quốc gia (HSGQG). Lý lẽ của những người ủng hộ bỏ tuyển thẳng là không phải tất cả HSGQG đều giỏi, có những em “phù phép” để có giải; nếu HSGQG là “vàng thiệt” thì các em cũng sẽ dễ dàng vượt qua tuyển sinh ĐH.

Những học sinh của Trường THPT Lê Hồng Phong đoạt giải cao ở các kỳ thi cấp quốc gia được nhà trường tuyên dương khen thưởng.
Ảnh: MAI HẢI
Trái với quan điểm trên, những người đề nghị duy trì tuyển thẳng ĐH lập luận lại: Tuyển thẳng ĐH là một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực mà các em đã trải qua.
Bởi vì, để được tham gia đội tuyển HSGQG, các em phải trải qua vòng tuyển chọn cấp trường và cấp thành. Ở cấp thành lại chia thành 2 vòng.
Từ hàng ngàn em ở vòng 1 bị loại dần còn 30 em vào vòng 2. Sau một kỳ tuyển chọn gắt gao nữa chỉ còn 10 em vinh dự vào đội tuyển HSG tỉnh, thành phố tranh tài toàn quốc.
Và các em chỉ có khoảng một tháng rưỡi để tập trung bồi dưỡng cho kỳ thi này. Ngày nào các em cũng phải ôn luyện môn chuyên từ sáng đến chiều, phải “vật lộn” với hệ thống bài tập nhà, thậm chí có những bài cả tuần, cả tháng cũng chưa giải xong.
Nếu rớt kỳ thi HSGQG, các em chỉ còn một tháng “đuổi theo” những kiến thức đã bị mất. Con đường đi đến đỉnh vinh quang là một hành trình khổ luyện đầy cay đắng, do vậy, Bộ GD-ĐT cần duy trì tuyển thẳng ĐH cho HSGQG.
Thực tế chứng minh có nhiều SV VN thành danh ở nước ngoài, những nhà khoa học trẻ đều trưởng thành từ cuộc cọ xát HSGQG. Trường ĐH công lập NUS (Singapore) ưu tiên học bổng cho HS VN có nhiều giải quốc gia, quốc tế thì tại sao ngay chính VN, các em không được tuyển thẳng? Việc chống tiêu cực bằng cách dẹp bỏ chỉ thể hiện một sự yếu kém trong công tác tổ chức của Bộ GD-ĐT.
- Dự thảo đến lần thứ 10 vẫn chưa xong
Tổ chức các kỳ thi HSGQG là một trong những hình thức góp phần phát hiện và đào tạo nhân tài cho đất nước. Nhưng nhiều năm qua, thi HSGQG đã không công bằng, lãng phí và không đạt được mục tiêu đề ra là nâng cao chất lượng dạy học.
Cách tổ chức thi đã làm mất sức thầy lẫn trò khi HS được “luyện” trước những dạng bài, kiểu đề, kỹ năng tương đương với… chương trình đại học năm thứ 2. Học ngày, học đêm đã mang lại một số thành tích đáng kể, nhưng không thể làm tài năng của các em bay xa hơn những kỳ vọng mà chúng ta gửi gắm.
Nguy hiểm hơn cả là biến các em trở thành những chú “gà chọi”. Bên cạnh đó, luyện chuyên đã trở thành một nguồn thu nhập đáng kể cho các “chuyên gia”. Tỉnh nào muốn có nhiều giải cao thì “đón thầy trên bộ” về “bồi dưỡng” cho đội tuyển, như nhận định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, thi HSGQG dành cho các tỉnh, thành có tiềm lực kinh tế mạnh “đấu” với nhau. Kinh phí mời đắt đỏ nên ở một số tỉnh, gia đình học sinh phải đóng góp thêm.
Chính vì thi HSGQG tồn tại nhiều bất cập nên việc soạn thảo một quy chế mới là rất cần thiết. Tuy nhiên, quy chế này phải mang tính tổng thể, chiến lược lâu dài chứ không phải “chắp vá” như dự thảo bộ đang soạn.
Vấn đề cần bàn phải là “làm thế nào để có được một kỳ thi HSGQG nghiêm túc” chứ không phải là “vào thẳng hay không vào thẳng ĐH”, vì điều đó không giải quyết được cốt lõi vấn đề tiêu cực trong thi HSGQG.
Mặt khác, nếu muốn áp dụng quy chế mới, ít nhất bộ phải công bố trước từ đầu năm học. Bởi vì, bây giờ đã là cuối học kỳ 1, thay đổi quy chế đột ngột làm đảo lộn kế hoạch các trường và khiến tâm lý HS bất an.
Theo ông Thái Minh Đường, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu TPHCM: “Việc đào tạo, bồi dưỡng HSG chỉ mới làm ở cấp 3, còn phát hiện tài năng ở các cấp lớp nhỏ hơn chưa được quan tâm đúng mức”.
Ông Võ Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM đề nghị: Tổ chức thi HSGQG phải thay đổi tận gốc và xin trả kỳ thi HSG cho thầy trò phổ thông. Bộ nên cho HS lớp 11 dự thi, vì chính các em không bị áp lực thi ĐH nên thi đấu với tâm lý thoải mái.
Nội dung đề thi nằm trong chương trình nhưng ở mức độ cao, các em chỉ được dùng những kiến thức trong chương trình để làm bài. Sau kỳ thi HSG cấp tỉnh thành, chúng ta chọn những HS có kết quả cao thành lập đội dự tuyển các môn có thi quốc tế. Đội dự tuyển này sẽ do các trường ĐH huấn luyện.
Về mặt thời gian, thay vì bồi dưỡng đội tuyển 1 tháng như trước đây, chúng ta có 1 năm rưỡi để dạy. Các em sẽ tiếp cận với phương pháp làm việc khoa học, không khí nghiên cứu khoa học dẫn đến sự yêu thích các ngành khoa học cơ bản – vốn có rất ít HSGQG chọn lựa.
Các em sẽ là nguồn tinh túy bổ sung đội ngũ các nhà khoa học nên cần có quy chế riêng về học tập, học bổng, tuyển sinh ĐH... cho các em. Các trường chuyên có nhiệm vụ chính chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cho địa phương và dần dần tiếp cận với chất lượng đào tạo quốc tế.
HỒNG LIÊN
Dự thảo Quy chế HSG có một số nội dung thay đổi so với trước: |