Đẩy nhanh số hóa văn bằng, chứng chỉ

Việc số hóa văn bằng, chứng chỉ là một xu hướng tất yếu, nằm trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện của ngành giáo dục. Hiện nhiều trường đại học, cao đẳng đang bắt tay chuẩn bị các điều kiện đồng bộ để thực hiện công tác này. Đây không chỉ là câu chuyện về công nghệ, mà còn là đòi hỏi bắt buộc của thực tiễn khi xã hội đang hướng đến sự minh bạch, tiện lợi, tiết kiệm thời gian và giảm thiểu rủi ro không đáng có trong quản lý.

Khẩn trương thực hiện

Đại diện Cục Khoa học, Công nghệ và thông tin (Bộ GD-ĐT) cho biết, ngành giáo dục đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng các cơ sở dữ liệu từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đến giáo dục đại học (ĐH). Ngành cơ bản đã số hóa thông tin phục vụ công tác quản lý tại tất cả các bậc học. Dữ liệu của ngành đã được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm để khai thác dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý.

Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ mà Bộ GD-ĐT chuẩn bị triển khai thời gian tới là văn bằng số, từ bằng tốt nghiệp THPT đến bằng tốt nghiệp các phương thức đào tạo ĐH, sau ĐH. Theo Cục Khoa học, Công nghệ và thông tin, văn bằng là đầu ra nhưng sẽ gắn với những dữ liệu liên quan đến đầu vào và quá trình đào tạo. Đây là bước quan trọng để nâng cao quản lý chuỗi đào tạo từ đầu vào cho đến đầu ra, hạn chế các vấn đề về bằng giả, tiêu cực về văn bằng.

Đối với bằng cấp của các cơ sở giáo dục ĐH trong nước, Bộ GD-ĐT cho biết, đã thực hiện xây dựng Hệ thống Tra cứu thông tin văn bằng, chứng chỉ. Hiện phần mềm tra cứu do Cục Quản lý chất lượng xây dựng đã cập nhật dữ liệu của gần 5 triệu bản ghi văn bằng, chứng chỉ để phục vụ việc tra cứu của các đơn vị, người dân khi có nhu cầu.

Cục Quản lý chất lượng xây dựng cũng tham mưu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bằng, chứng chỉ phục vụ công tác quản lý và đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi việc sản xuất, mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.

U4b.jpg
Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM trao bằng thạc sĩ cho các học viên cao học

Các cơ sở giáo dục ĐH cũng đang nỗ lực số hóa thông tin của sinh viên từ đầu vào, kết quả học tập, văn bằng đã cấp từ hàng chục năm về trước. Điển hình như Đại học Bách khoa Hà Nội đã xây dựng giải pháp công nghệ có đầy đủ tính năng so với hệ thống đang triển khai tại các trường đại học danh tiếng như Stanford, Harvard trong việc cấp phát văn bằng số.

Phần mềm này hỗ trợ chữ ký số chuyên dùng của Ban Cơ yếu Chính phủ cũng như chữ ký số công cộng của Viettel, VNPT, MISA; cho phép số hóa mọi mẫu văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận; đồng thời cung cấp khả năng xác thực thuận tiện qua mã QR, mã chứng nhận, và trang đọc thông tin chữ ký số.

Các trường thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM như Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Bách khoa đã cập nhật dữ liệu lên hệ thống của Bộ GD-ĐT, đồng thời xây dựng website để giúp tra cứu bằng cấp ĐH và sau ĐH.

Nhiều lợi ích

Nói về những lợi ích của việc số hóa văn bằng, chứng chỉ, TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho biết, khi thực hiện tốt công tác này, sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho các bên: với người học sẽ dễ dàng tra cứu, xác thực văn bằng mọi lúc, mọi nơi và không còn lo thất lạc hay chậm trễ trong xác minh; với nhà tuyển dụng, giúp tiết kiệm thời gian, kiểm tra chính xác thông tin ứng viên; với cơ sở đào tạo, sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý, giảm gánh nặng hành chính, minh bạch và hiện đại hóa quy trình; với cơ quan quản lý nhà nước, sẽ dễ dàng thống kê, kiểm tra, phân tích dữ liệu phục vụ quản trị ngành và hoạch định chính sách.

Nói cách khác, số hóa văn bằng, chứng chỉ chính là một “nút bấm” quan trọng để kích hoạt sự kết nối, minh bạch và niềm tin trong hệ sinh thái giáo dục hiện đại.

U1e.jpg
Sinh viên ngành Công nghệ ô tô Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM trong giờ học thực hành. Ảnh: THANH HÙNG

Theo TS Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn, số hóa văn bằng, chứng chỉ giúp chống lại tình trạng làm giả văn bằng, một vấn nạn tồn tại từ lâu trong xã hội.

Khi các văn bằng được mã hóa, gắn mã QR, tích hợp trên hệ thống, có thể xác thực trực tuyến, thì việc giả mạo, sửa chữa nội dung hay sử dụng bằng cấp không hợp pháp sẽ khó thực hiện hơn. Các cơ quan tuyển dụng, đơn vị đào tạo, hay bất kỳ tổ chức nào đều có thể dễ dàng tra cứu và xác thực thông tin của ứng viên chỉ trong vài phút, thay vì phải yêu cầu bản sao công chứng như trước đây.

Trong khi đó, ThS Phùng Quán, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, để thực hiện đồng bộ số hóa công tác quản lý, kiểm tra, xác minh văn bằng, chứng chỉ cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật đủ mạnh, bao gồm hệ thống máy chủ, trung tâm dữ liệu, phần mềm quản lý chuyên dụng, cùng với các giải pháp bảo mật như chữ ký số và mã xác thực điện tử. Do đó, cần tiến hành rà soát, chuẩn hóa toàn bộ dữ liệu văn bằng, xác lập quy trình số hóa.

“Hiện nay, trường số hóa dữ liệu văn bằng đã cấp từ năm 2004 trở về trước với hệ đại học và hệ sau đại học từ năm 2017 trở về trước. Điều này đã góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính, tối ưu vận hành và tăng cường khả năng kết nối dữ liệu với các bên liên quan. Người học, đơn vị sử dụng lao động chỉ cần vào website, nhập họ tên, số hiệu văn bằng, mã số sinh viên sẽ nhận được ngay kết quả cần tìm kiếm”, ThS Phùng Quán cho biết.

PGS-TS NGUYỄN VŨ QUỲNH - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng:

Chuẩn bị đồng bộ các điều kiện cần thiết

Chính phủ đã ban hành Quyết định 131/QĐ-TTg về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, thúc đẩy các trường đầu tư hạ tầng, đảm bảo an toàn dữ liệu và nâng cao năng lực đội ngũ. Điều này cho thấy quyết tâm chuyển đổi số là chiến lược tầm quốc gia.

Do đó, để công tác số hóa văn bằng, chứng chỉ thuận lợi, các cơ sở đào tạo cần thống nhất về mặt quan điểm để chuẩn bị đồng bộ các điều kiện như: tăng đầu tư cho hạ tầng công nghệ, xây dựng hệ thống phần mềm và nền tảng số bao gồm phần mềm chuyên dụng để quản lý, lưu trữ, tra cứu văn bằng, chứng chỉ; tổ chức đào tạo nâng cao năng lực số cho cán bộ quản lý và kỹ thuật viên để đảm bảo vận hành hệ thống hiệu quả.

Cuối cùng, cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, ban hành chính sách và quy định cụ thể liên quan đến số hóa, quản lý và xác minh văn bằng, chứng chỉ.

PGS-TS BÙI HOÀI THẮNG - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM):

Văn bằng, chứng chỉ số là xu hướng tất yếu

Việc số hóa văn bằng, chứng chỉ là một bước đi tất yếu trong thời đại số, giúp minh bạch hóa việc quản lý, cấp phát và tăng tốc công tác sưu tra. Các nền tảng công nghệ hiện nay đủ để thực hiện công tác này một cách dễ dàng.

Bước đầu, hệ thống hạ tầng có thể để phục vụ tra cứu nên không cần hạ tầng quá cao. Các bước sau, hạ tầng có thể nâng cấp phục vụ sâu rộng công tác quản lý và chia sẻ công tác quản lý đến các đơn vị cấp phát văn bằng, chứng chỉ.

Trường đã thực hiện công tác số hóa này từ rất sớm (từ năm 2001 với hệ đại học). Thời gian tới, trường sẽ tiếp tục số hóa các thông tin văn bằng chứng chỉ giai đoạn trước để công tác sưu tra thuận tiện nhất.

Văn bằng, chứng chỉ số là xu hướng tất yếu, nên cần hành lang pháp lý và hệ thống quản lý, tra cứu. Các đơn vị cấp bằng cần chuẩn bị hệ thống quản lý, cấp văn bằng chứng chỉ số. Hẳn nhiên, văn bằng bản cứng (bản giấy) có ý nghĩa biểu tượng, không nhất thiết phải bỏ. Tuy vậy, khi nộp hồ sơ, phải cho phép dùng văn bản số.

TS NGUYỄN QUANG TIỆP - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt:

Góp phần xây dựng một môi trường giáo dục minh bạch

Không dừng lại ở lợi ích quản lý và chống giả mạo, số hóa văn bằng, chứng chỉ còn đem đến sự tiện lợi vượt trội cho chính người sở hữu văn bằng. Họ có thể dễ dàng truy cập, sử dụng và chia sẻ bản sao điện tử của văn bằng mọi lúc, mọi nơi mà không còn lo lắng về việc mất hay làm hỏng bản gốc.

Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, khi nhu cầu xác minh bằng cấp xuyên biên giới ngày càng tăng cao. Hơn nữa, việc chủ động áp dụng công nghệ số hóa hiện đại cũng góp phần định vị hình ảnh tiên tiến, chuyên nghiệp cho hệ thống giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế.

Một vấn đề cũng cần quan tâm đó là công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, đảm bảo an ninh mạng để bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng là yếu tố sống còn. Tựu trung, số hóa văn bằng, chứng chỉ không chỉ đơn thuần là một xu thế tất yếu của thời đại số mà còn là một giải pháp chiến lược mang tính đột phá, kiến tạo một hệ thống quản lý hiệu quả hơn, góp phần xây dựng một môi trường giáo dục minh bạch, công bằng và đáng tin cậy.

Tin cùng chuyên mục