Giáo dục môi trường cho bậc tiểu học

Không thể chỉ từ nhà trường

Không thể chỉ từ nhà trường

Một cách tổng thể, hoạt động giáo dục môi trường (GDMT) cho học sinh tiểu học trên địa bàn TPHCM đến nay đã được ngành giáo dục thực hiện khá tốt.

  • Những buổi học thú vị

Không thể chỉ từ nhà trường ảnh 1

Chia nhóm học, một hình thức học giúp học sinh năng động hơn.

Đi chơi công viên các em thấy gì? Các em thấy nước ở đâu? Trong công viên có cây; nước ở trong bể nước ở nhà em, ở các con sông, kênh của thành phố. Các em có biết, cây xanh giúp gì cho chúng ta không? Nước ở sông, kênh thành phố như thế nào? Cây xanh nhả khí oxy cho ta thở; nước ở sông, kênh dơ lắm ạ. Để có không khí để thở, chúng ta phải trồng thêm cây xanh và bảo vệ chúng. Để nước sông, kênh không dơ chúng ta không được xả rác xuống đấy….

Bắt đầu bằng những câu hỏi và trả lời đơn giản giúp học sinh nhận biết về môi trường, tiếp đó là những trò chơi sôi nổi, năng động như ghép hình, vẽ tranh về cây cối, sông , kênh, ao hồ, đất đai…. Đó là những gì chúng tôi thấy được trong tiết học thực tập về môi trường tại Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái, một trong những trường được chọn thực tập trong đợt tập huấn về môi trường cho giáo viên, do Sở Giáo dục – Đào tạo phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố thực hiện.

“Những tiết học như thế này giúp học sinh tiếp thu kiến thức nhanh hơn và không cảm thấy mệt mỏi khi học”, đó là nhận xét của cô Lê Mộng Hoa, Hiệu phó Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái. Còn với học sinh? Em Đặng Thanh Nguyên, học sinh lớp 3 cho biết, em rất thích những tiết học như thế vì những trò chơi thú vị làm em không thấy buồn ngủ. Qua mỗi buổi học, các em còn có thể chứng tỏ khả năng hiểu biết của mình thông qua việc phát biểu cảm nghĩ, đưa ra những nhận xét bày tỏ thái độ khi chứng kiến thực trạng ô nhiễm môi trường của nhiều khu phố nơi các em sinh sống. “Em thấy rác ở chợ nhiều lắm. Có hôm theo mẹ đi chợ em thấy các bác bán hàng không vứt rác vào thùng”- đó là ý kiến của em Diệp Uyển Nghinh, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Lạc Long Quân.

Từ nhận biết được những hành vi chưa tốt, các em được giáo dục phải bỏ rác đúng nơi quy định, phải biết quý cây xanh… Không dừng lại đấy, các cô còn khuyên các em thấy người khác xả rác bừa bãi thì các em phải nhắc họ bỏ rác đúng nơi quy định; thấy có người phá cây xanh thì các em phải ngăn cản… Đã có rất nhiều em học sinh thực hiện rất tốt lời dạy này của các cô.

Em Bùi Minh Huệ Nhi, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái đã mạnh dạn góp ý với người nhà không nên để tràn nước ra ngoài vì nước rất cần thiết cho cuộc sống con người và động thực vật. Ngoài giáo dục học sinh ý thức giữ gìn môi trường trên lớp, Trường Tiểu học Phù Đổng (quận 6) còn kết hợp với địa phương tổ chức các ngày “chủ nhật xanh”, làm sạch - đẹp khu phố, xung quanh trường,… giúp các em ý thức hơn về bảo vệ môi trường.

  • Sự giúp sức của gia đình và xã hội

Tuy nhiên, không phải các bài học về môi trường đều được các em tiếp thu và thực hành tốt. Theo nhận định của bà Lê Thị Hồng Liên, Phó giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM, thì lứa tuổi tiểu học còn nằm trong giai đoạn trí óc khi nhớ, khi quên, nên khi tan học, ra khỏi trường có thể các em sẽ quên ngay bài học vừa được thầy cô dạy. Như vậy, việc giáo dục về môi trường cho các em giờ đây không thể chỉ giao phó cho riêng nhà trường, mà cần sự giúp sức của gia đình cũng như của cộng đồng.

Theo cô Phạm Thị Ngọc Anh, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lạc Long Quân, một vài cách không quá khó có thể áp dụng cho trẻ tại nhà như việc cha, mẹ hoặc người lớn làm gương cho trẻ trong những việc đơn giản, dễ nhìn thấy nhất: bỏ rác vào thùng thay vì tiện đâu vứt đấy; rót nước vừa đủ khi uống thay vì rót thoải mái, sau đó chỉ uống một phần rồi đổ đi… Khi thấy trẻ bỏ rác sai qui định hay rót nước dư thừa hãy chỉ dạy cho trẻ cách để trẻ có thói quen vệ sinh và tiết kiệm, thay vì la mắng và làm thay trẻ.

Như vậy, giáo dục môi trường cho học sinh tiểu học không còn là của riêng nhà trường. Một môi trường giáo dục với sự mở rộng và phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội sẽ là điều kiện tốt cho việc giáo dục học sinh về bảo vệ môi trường. 

PHƯƠNG-NHÂN-VÂN

 

Tin cùng chuyên mục