Bắt đầu xuất hiện ở đồng bằng Bắc bộ vào đầu tháng 2-2019, chỉ sau 1 tháng, tình trạng heo chết đột ngột vì dịch tả heo châu Phi lần lượt xuất hiện ở nhiều nơi khác tại miền Bắc và Bắc Trung bộ. Rồi dịch tiếp tục lây lan nhanh vào các tỉnh ở Trung bộ hồi cuối tháng 3 và tháng 4. Đến giữa tháng 4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), lãnh đạo Cục Thú y trấn an dư luận bằng thông tin dịch tả heo đã được khống chế, một số nơi không còn tái phát ổ dịch sau 21 ngày. Điều này khiến dư luận nhầm tưởng rằng, dịch tả heo đã được lực lượng thú y kiểm soát, ngăn chặn.
Thế nhưng, từ đầu tháng 5 đến nay, dịch bệnh này lại bùng nổ mạnh tại nhiều địa phương, những ổ dịch mới tiếp tục xuất hiện. Ngay tại thủ đô Hà Nội, nhiều nơi heo chết cả đàn, chôn lấp không kịp. Đáng báo động hơn là nguồn virus gây dịch tả heo châu Phi đã tràn vào miền Đông Nam bộ, sau đó là đồng bằng sông Cửu Long. Tới thời điểm này, cả 3 miền Bắc - Trung - Nam đều đang có dịch tả heo châu Phi hoành hành, những “thủ phủ” chăn nuôi heo như: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Đồng Nai, Bình Dương… điêu đứng, thiệt hại lớn.
Theo Bộ NN-PTNT, tính đến ngày 20-5, đã có tới 34 tỉnh, thành phố có dịch tả heo khiến 1,5 triệu con heo bị chết. Cứ tính giá trung bình 1 con heo khoảng 3-4 triệu đồng thì có nghĩa khoảng 5.000 tỷ đồng đã bị chôn vùi - còn nặng nề hơn cả những cơn “siêu bão” đổ bộ, càn quét đất liền. Nhưng đây chỉ là con số thống kê từ Cục Thú y, trên thực tế, mức độ thiệt hại chắc chắn còn lớn hơn nhiều.
Mổ xẻ thực trạng - nguyên nhân khiến dịch tả heo lây lan, càn quét, tàn phá dữ dội, xem ra có phần nào đó do chúng ta chưa thật quyết liệt ngăn chặn ngay từ đầu. Bởi không phải khi dịch lần đầu được phát hiện tại Việt Nam, mà suốt trong năm 2018, khi mầm mống virus vẫn còn ở bên Trung Quốc, báo chí cũng đã cảnh báo nguy cơ dịch sẽ lây lan vào nước ta, đề nghị các cơ quan chức năng tập trung thiết lập hệ thống kiểm soát toàn diện, từ nguồn heo vận chuyển, buôn bán đến chăn nuôi, giết mổ gia súc; nhất là ngăn chặn “vấn nạn” buôn lậu; đề nghị người dân, các chủ trại cập nhật thông tin, chủ động điều tiết, cách ly đàn gia súc.
Đến nay, Bộ NN-PTNT đã 3 lần tổ chức hội nghị trực tuyến kêu gọi các địa phương chung sức ngăn chặn, kiểm soát đại dịch có sức tàn phá khốc liệt này. Thế nhưng, dường như chỉ có riêng ngành nông nghiệp vào cuộc nên hiệu quả chưa cao. Nhiều nơi, chính quyền địa phương cho rằng, vai trò chính để khống chế dịch tả heo là của lực lượng thú y. Trong khi do lực lượng mỏng, thú y ở nhiều địa phương cũng chưa làm tròn nhiệm vụ. Thậm chí, website của Cục Thú y không hề cập nhật diễn biến cũng như hướng dẫn để các địa phương chủ động ngăn ngừa, khiến dư luận rất bức xúc. Nhiều nơi heo chết, người dân loay hoay không biết xử lý, chôn lấp thế nào. Tại các tỉnh như Thái Nguyên, Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Phòng… khi heo lăn ra chết, vì thiếu đất chôn lấp, người dân còn vứt xác tràn ra sông ngòi, kênh rạch.
Rõ ràng, để dịch tả heo châu Phi tái phát rồi bùng nổ lây lan ra khắp 3 miền như hiện nay là hậu quả của sự chủ quan trong quản lý chăn nuôi, phòng ngừa dịch bệnh; thể hiện sự thiếu trách nhiệm của chính quyền một số địa phương. Trước thực trạng đáng lo ngại này, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã đích thân đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả heo tại TP Hà Nội, chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp ngăn chặn dịch, khẩn trương tái đàn, phục hồi chăn nuôi, không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Và để khẳng định tầm mức quan trọng của việc ngăn chặn đại dịch tả heo châu Phi, không thể lơ là, ngày 20-5, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 34-CT/TW yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị quyết tâm khống chế dịch tả heo châu Phi trong thời gian nhanh nhất; kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, lực lượng vũ trang tích cực tham gia vào công tác phòng chống dịch, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Còn rất nhiều việc để làm, nhưng thiệt hại là không thể cứu vãn. Nhiệm vụ cấp bách là phải bằng mọi giải pháp nhanh chóng dập dịch, hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, phải tổ chức nhìn nhận trách nhiệm, rút kinh nghiệm, xem đây là “bài học xương máu”, để không lặp lại những hậu quả lần sau cũng như với những loại dịch bệnh khác.