Không thể cứ cung cấp dịch vụ chứa đầy rác

Suốt nhiều tháng nay, người dùng điện thoại di động (ĐTDĐ) rất khốn khổ vì bị làm phiền bởi tin nhắn rác. Những người do nhu cầu giao tiếp, giao dịch rộng rãi thường công khai số ĐTDĐ để liên lạc đang phải dồn dập tiếp nhận tin nhắn rác trong suốt cả ngày đêm, đến mức như bị khủng bố tinh thần.

Suốt nhiều tháng nay, người dùng điện thoại di động (ĐTDĐ) rất khốn khổ vì bị làm phiền bởi tin nhắn rác. Những người do nhu cầu giao tiếp, giao dịch rộng rãi thường công khai số ĐTDĐ để liên lạc đang phải dồn dập tiếp nhận tin nhắn rác trong suốt cả ngày đêm, đến mức như bị khủng bố tinh thần.

Đang chạy xe ngoài đường, đang bận túi bụi với công việc, thậm chí nửa đêm đang ngủ cũng liên tục nghe ĐTDĐ báo có tin nhắn. Mở đọc thì chỉ là tin quảng cáo chào mời bán nhà đất, bán hàng điện máy, bán sim ĐTDĐ. Và nhiều tin nhắn lừa trúng thưởng hoặc dụ người dùng ĐTDĐ gọi lại, nhắn tin lại để qua đó chiếm đoạt tiền cước hoặc tiền nạp vào tài khoản. Thực ra đến giờ đa số người dùng ĐTDĐ đã biết và rất cảnh giác, nên không để bị lừa vì những tin nhắn rác này. Nhưng sự bực mình, khó chịu và mệt mỏi vì tin nhắn rác đã đến mức quá sức chịu đựng. Nhiều bạn đọc gọi đến đường dây nóng Báo SGGP bày tỏ nỗi bức xúc, tức tối, khổ sở vì bị khủng bố tinh thần bởi tin nhắn rác. Một câu hỏi được nhiều người đặt ra: Tại sao không truy cứu trách nhiệm của các nhà mạng viễn thông khi cung cấp dịch vụ tệ hại, đầy rác như vậy?

Cần phân tích vấn nạn này ở các góc độ: Các nhà mạng có giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn phát tán tin nhắn rác hay không, và thực tế họ có nỗ lực ngăn chặn hay không? Các nhà mạng có được hưởng lợi gì khi dung túng cho tin nhắn rác? Kẽ hở nào khiến nhiều người vẫn ngang nhiên phát tán tin nhắn rác, và có thể xử lý pháp luật hành vi này hay không? Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đã mạnh tay chấn chỉnh tình trạng này chưa?

Thực tế tin nhắn rác đều được gửi từ các đầu số sim rác, không thể truy được danh tính người sử dụng. Trong khi Bộ TT-TT đã có quy định về việc các thuê bao trả trước cũng phải đăng ký để quản lý, thế nhưng thực tế các nhà mạng vẫn xé rào, mọi người đều có thể dễ dàng mua sim mà không phải đăng ký thông tin cá nhân. Kẻ muốn phát tán tin nhắn rác chỉ cần một phần mềm cài trên máy tính kết nối mạng và vài sim rác là tha hồ xả rác vào các thuê bao điện thoại. Dù vậy, cũng không đến mức phải bó tay không thể truy ra kẻ phát tán tin nhắn rác, bởi trên nội dung các tin nhắn quảng cáo luôn có thông tin, số ĐT để liên lạc. Lâu nay, việc bôi bẩn TP bằng các quảng cáo rút hầm cầu sơn và dán khắp các vách tường, cột điện, cũng đã bị xử lý bằng cách cắt các số ĐT rao quảng cáo. Với tin nhắn rác, đơn giản hơn, chỉ cần một phần mềm bộ lọc đơn giản là có thể theo dõi, ghi nhận và tổng hợp các số ĐT rao quảng cáo qua tin nhắn rác.

Thực tế các nhà mạng đều có giải pháp kỹ thuật để lọc, phát hiện, theo dõi và chặn việc phát tán tin nhắn rác, thế nhưng vì sao lại không chặn được? Đó chính là vì các nhà mạng được hưởng lợi nhuận khủng nhờ tin nhắn rác và các dịch vụ liên quan. Do số lượng tin nhắn rác gửi đi rất lớn, nên ước doanh thu từ tin rác chiếm đến khoảng 50% tổng doanh thu tin nhắn, tương đương 15% tổng doanh thu của các nhà mạng. Gần đây, Bộ TT-TT đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế tin nhắn rác, xử phạt nhiều đơn vị và nhà mạng vi phạm với mức phạt lên đến bạc tỷ. Nhưng thực tế với việc thu lợi nhuận khủng nhờ tin nhắn rác, nên mức phạt hành chính không đủ để các đơn vị phát tán tin nhắn rác và nhà mạng phải chùn tay.

Còn nhớ, từ đầu năm 2012, Bộ TT-TT đã từng yêu cầu Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) tăng cường rà soát, phát hiện các dấu hiệu phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và cung cấp cho cơ quan chức năng để xử lý. Đồng thời Bộ cũng chỉ đạo thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm có liên quan tới hành vi phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo; đình chỉ cung cấp dịch vụ đối với các trường hợp phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan công an nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự. Tiếc rằng qua kết quả rà soát, kiểm tra, thanh tra chưa đưa được vụ nào nổi cộm để chuyển sang cơ quan điều tra xử lý hình sự đối với nhà mạng nhằm mạnh tay chặn có hiệu quả nạn tin nhắn rác.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác, tiếp đến là Nghị định 77/2012/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 90 về chống thư rác với các chế tài xử lý mạnh tay hơn đối với vấn nạn này. Trong khi chờ hoàn thiện hành lang pháp lý để có thể xử lý hình sự hành vi phát tán tin nhắn rác, thiết nghĩ việc các nhà mạng cung cấp sản phẩm chất lượng tệ hại gây thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người dùng ĐTDĐ đã là hành vi có thể khởi kiện. Không thể cứ nhẹ tay cho điều tệ hại và vô trách nhiệm này.

HUỲNH THANH LUÂN

Tin cùng chuyên mục