Ai cũng biết chất nổ, bom đạn có thể gây ra thảm họa, vậy mà có không ít người vẫn liều mạng thu mua bom đạn phế liệu để lấy thuốc nổ cung cấp cho nhu cầu làm pháo lậu, làm thuốc nổ để đánh cá và khai thác mỏ, đồng thời tận dụng vỏ bom đạn để tái chế kim loại. Họ liều mạng vì lợi nhuận cao và chủ quan nghĩ rằng mình biết cách xử lý an toàn. Đã có nhiều người chết oan vì những kẻ giỡn mặt tử thần bằng cách như vậy.
Nhiều việc phải làm để khắc phục hậu quả vụ nổ đầu đạn phế liệu ở xã Văn Môn. Từ việc cứu chữa các nạn nhân, khắc phục hậu quả, dựng lại nhà để ổn định cuộc sống các cư dân bị liên lụy, đến việc điều tra, xử lý pháp luật đối với những người gây ra thảm họa. Qua vụ việc này, một vấn đề rất quan trọng cần xem xét là sự quản lý các loại vật liệu nổ vẫn còn quá lỏng lẻo. Đơn vị nào đã bán ra đến 7 tấn đầu đạn phế liệu cho chủ cơ sở phế liệu này? Vì sao một cơ sở phế liệu tàng trữ và tái chế vật liệu nổ lại được cấp phép hoạt động ngay trong khu dân cư? Lẽ nào đơn vị bán ra đầu đạn phế liệu và chính quyền địa phương đều không dự liệu tình huống xảy ra cháy nổ, thậm chí lọt vào tay kẻ phá hoại, khủng bố, sát hại rất nhiều người dân?
Hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các loại vật liệu nổ nhằm mục đích kinh doanh là phạm pháp, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy mà vẫn chưa đủ răn đe. Lẽ ra, nếu biết nghĩ đến những hệ lụy cháy nổ gây chết oan nhiều người, tàn phá, thiêu rụi cả khu dân cư, thì người ta đã không dám làm; huống chi chính họ có thể bị tù tội, thậm chí phải bỏ mạng nếu rủi ro xảy ra cháy nổ. Việc tuyên truyền, giáo dục nhận thức về hiểm họa cháy nổ đã quá nhiều, nhưng nhiều người vẫn phớt lờ, vẫn mưu lợi bằng hành vi phạm pháp và rất nguy hiểm này. Do vậy, hiểm họa cháy nổ sẽ còn rình rập các khu dân cư khi chính quyền và công an phường - xã lơ là việc kiểm tra an toàn phòng chống cháy nổ tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh, kho vựa trên địa bàn có tàng trữ nhiều vật liệu dễ cháy nổ.
Để không tái diễn những vụ nổ do cưa bom, nung đầu đạn, có nhiều việc cần làm ngay. Trước hết là buộc dừng hoạt động ngay các cơ sở phế liệu thu mua, tận dụng bom đạn phế liệu. Chắc chắn trên thế giới chỉ có ở Việt Nam mới có nghề lao động phổ thông liều mạng là cưa bom, nung vỏ đạn. Hoạt động tận dụng bom đạn phế liệu phải tập trung về các đơn vị của công binh. Nên nghiêm túc truy cứu trách nhiệm lãnh đạo địa phương nào để xảy ra tiếp thảm họa cháy nổ do cưa bom, nung đầu đạn.
Có một loại vật liệu cháy nổ khác cũng đáng lo ngại là pháo lậu. Chỉ trong nửa tháng qua, các đơn vị biên phòng, hải quan, công an các địa phương liên tục phát hiện nhiều vụ vận chuyển pháo lậu qua biên giới và đưa đi tiêu thụ ở các địa phương trong nước. Có vụ 64kg, có vụ 85kg, có vụ 160kg, thậm chí có vụ vận chuyển đến 2,4 tấn pháo lậu. Trong thời điểm cận tết, hoạt động kinh doanh, vận chuyển pháo lậu đang nóng lên, nên cũng cần kiểm tra chặt chẽ hơn từ biên giới và ở các khâu sản xuất, tiêu thụ; xử lý nghiêm minh những người vi phạm. Hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nguy cơ cháy nổ tại các khu dân cư càng tăng cao hơn, do các hoạt động liều lĩnh buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo lậu.
Ngoài ra, mùa tết, hiểm họa cháy nổ cũng tăng thêm do việc sang chiết gas, bất cẩn nhang đèn, tích trữ hàng hóa mất an toàn cháy nổ. Trong vài tháng gần đây, tại TPHCM đã xảy ra những vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng như cháy 6 căn nhà ở đường Nguyễn Duy (quận 8); cháy nhà ở đường Lạc Long Quân (quận 11) khiến 3 người tử vong; cháy nhà ở hẻm 82 đường Số 138 (phường Tân Phú) khiến 2 người tử vong… Vì vậy, các hộ dân cần nâng cao ý thức cảnh giác phòng chống cháy nổ, tự trang bị bình chữa cháy, thiết bị cảnh báo rò rỉ khí gas tại nhà và có kiến thức phòng cháy chữa cháy, kiến thức xử lý tình huống thoát hiểm. Các địa phương nên khẩn trương rà soát, quy hoạch, rút giấy phép hoạt động, di dời những cơ sở sản xuất - kinh doanh vật liệu dễ cháy nổ, hóa chất độc hại ra khỏi khu dân cư.
Nhiều việc phải làm để khắc phục hậu quả vụ nổ đầu đạn phế liệu ở xã Văn Môn. Từ việc cứu chữa các nạn nhân, khắc phục hậu quả, dựng lại nhà để ổn định cuộc sống các cư dân bị liên lụy, đến việc điều tra, xử lý pháp luật đối với những người gây ra thảm họa. Qua vụ việc này, một vấn đề rất quan trọng cần xem xét là sự quản lý các loại vật liệu nổ vẫn còn quá lỏng lẻo. Đơn vị nào đã bán ra đến 7 tấn đầu đạn phế liệu cho chủ cơ sở phế liệu này? Vì sao một cơ sở phế liệu tàng trữ và tái chế vật liệu nổ lại được cấp phép hoạt động ngay trong khu dân cư? Lẽ nào đơn vị bán ra đầu đạn phế liệu và chính quyền địa phương đều không dự liệu tình huống xảy ra cháy nổ, thậm chí lọt vào tay kẻ phá hoại, khủng bố, sát hại rất nhiều người dân?
Hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các loại vật liệu nổ nhằm mục đích kinh doanh là phạm pháp, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy mà vẫn chưa đủ răn đe. Lẽ ra, nếu biết nghĩ đến những hệ lụy cháy nổ gây chết oan nhiều người, tàn phá, thiêu rụi cả khu dân cư, thì người ta đã không dám làm; huống chi chính họ có thể bị tù tội, thậm chí phải bỏ mạng nếu rủi ro xảy ra cháy nổ. Việc tuyên truyền, giáo dục nhận thức về hiểm họa cháy nổ đã quá nhiều, nhưng nhiều người vẫn phớt lờ, vẫn mưu lợi bằng hành vi phạm pháp và rất nguy hiểm này. Do vậy, hiểm họa cháy nổ sẽ còn rình rập các khu dân cư khi chính quyền và công an phường - xã lơ là việc kiểm tra an toàn phòng chống cháy nổ tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh, kho vựa trên địa bàn có tàng trữ nhiều vật liệu dễ cháy nổ.
Để không tái diễn những vụ nổ do cưa bom, nung đầu đạn, có nhiều việc cần làm ngay. Trước hết là buộc dừng hoạt động ngay các cơ sở phế liệu thu mua, tận dụng bom đạn phế liệu. Chắc chắn trên thế giới chỉ có ở Việt Nam mới có nghề lao động phổ thông liều mạng là cưa bom, nung vỏ đạn. Hoạt động tận dụng bom đạn phế liệu phải tập trung về các đơn vị của công binh. Nên nghiêm túc truy cứu trách nhiệm lãnh đạo địa phương nào để xảy ra tiếp thảm họa cháy nổ do cưa bom, nung đầu đạn.
Có một loại vật liệu cháy nổ khác cũng đáng lo ngại là pháo lậu. Chỉ trong nửa tháng qua, các đơn vị biên phòng, hải quan, công an các địa phương liên tục phát hiện nhiều vụ vận chuyển pháo lậu qua biên giới và đưa đi tiêu thụ ở các địa phương trong nước. Có vụ 64kg, có vụ 85kg, có vụ 160kg, thậm chí có vụ vận chuyển đến 2,4 tấn pháo lậu. Trong thời điểm cận tết, hoạt động kinh doanh, vận chuyển pháo lậu đang nóng lên, nên cũng cần kiểm tra chặt chẽ hơn từ biên giới và ở các khâu sản xuất, tiêu thụ; xử lý nghiêm minh những người vi phạm. Hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nguy cơ cháy nổ tại các khu dân cư càng tăng cao hơn, do các hoạt động liều lĩnh buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo lậu.
Ngoài ra, mùa tết, hiểm họa cháy nổ cũng tăng thêm do việc sang chiết gas, bất cẩn nhang đèn, tích trữ hàng hóa mất an toàn cháy nổ. Trong vài tháng gần đây, tại TPHCM đã xảy ra những vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng như cháy 6 căn nhà ở đường Nguyễn Duy (quận 8); cháy nhà ở đường Lạc Long Quân (quận 11) khiến 3 người tử vong; cháy nhà ở hẻm 82 đường Số 138 (phường Tân Phú) khiến 2 người tử vong… Vì vậy, các hộ dân cần nâng cao ý thức cảnh giác phòng chống cháy nổ, tự trang bị bình chữa cháy, thiết bị cảnh báo rò rỉ khí gas tại nhà và có kiến thức phòng cháy chữa cháy, kiến thức xử lý tình huống thoát hiểm. Các địa phương nên khẩn trương rà soát, quy hoạch, rút giấy phép hoạt động, di dời những cơ sở sản xuất - kinh doanh vật liệu dễ cháy nổ, hóa chất độc hại ra khỏi khu dân cư.