(SGGPO).- Ngày 24-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường sáng 24-8. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng, môi trường nước ta đang chịu nhiều áp lực lớn từ phát triển kinh tế - xã hội. Hàng năm, cả nước có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Khu vực FDI có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực; không thân thiện với môi trường như luyện kim, sửa chữa tàu biển, khai thác và tận thu khoáng sản...
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, còn quá nhiều tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý và các vấn đề môi trường. Thiếu cơ chế, tiêu chí về môi trường để sàng lọc hiệu quả các loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất, các dự án đầu tư vào khu vực nhạy cảm về môi trường. Thiếu cơ chế thúc đẩy khu vực kinh tế xanh, đầu tư vào các loại hình sản xuất thân thiện với môi trường. Năng lực quan trắc, cảnh báo, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về môi trường, các sự cố môi trường còn nhiều hạn chế…Đó là các nguyên nhân dẫn đến hệ quả vẫn còn một số lượng lớn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn biến phức tạp. Đã xảy ra sự cố môi trường lớn, tác động trên diện rộng, đặc biệt là sự cố môi trường biển ở miền Trung vừa qua; bùng phát các điểm nóng gây ô nhiễm môi trường. Tình trạng xả thải, đổ thải, chôn lấp chất thải gây ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều địa phương. Nước thải sinh hoạt ở hầu hết các đô thị, khu dân cư chưa được xử lý. Rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp chưa được quản lý tốt gây ô nhiễm môi trường. Hiện chỉ có 40/786 đô thị trên cả nước có công trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý mới chỉ đạt 10-11%, còn lại thải trực tiếp ra môi trường. Khoảng 80% lượng thuốc bảo vệ thực vật đang được sử dụng không đúng quy định. Nguồn nước mặt, nước dưới đất trong các khu đô thị, khu dân cư ở một số địa phương bị ô nhiễm nặng.
Trong số các nguyên nhân được Bộ trưởng Bộ TN-MT chỉ ra, một nguyên nhân được chỉ rõ là tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn khá phổ biến, nhất là trong quá trình thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án đầu tư. Cơ chế thu hút dự án FDI bằng mọi giá, đánh đổi với chi phí cơ hội về môi trường. Trong khi đó, Việt Nam có xu hướng nới lỏng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nhằm cạnh tranh với các nước khác trong quá trình thu hút nguồn vốn này. Chính vì vậy, FDI đã gây nên những tác hại rất lớn về môi trường. Một số dự án FDI vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường như công ty Vedan, Miwon, Formosa, khói bụi ô nhiễm của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Công ty Lee&Men.. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng những hạn chế của Việt Nam về các quy chuẩn kỹ thuật để tuồn những công nghệ lạc hậu, thâm dụng tài nguyên, thâm dụng năng lượng và lao động nhằm tối đa hóa lợi nhuận..
Hệ thống xử lý nước thải của Dự án Formosa Hà Tĩnh còn nhiều hạn chế đã gây ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung. Ảnh: T.L
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng trầm trọng. Đã xảy ra nhiều sự cố môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Nhiều điểm nóng môi trường xảy ra, gây lo lắng trong nhân dân, gây hậu quả trầm trọng. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất đai ngày càng nghiêm trọng, diễn ra trên diện rộng.. Nhiều vụ khiếu kiện đông người về môi trường đã diễn ra gay gắt ở nhiều nơi, nhưng tại nhiều điểm nóng đó, cơ quan có thẩm quyền không chủ động giải quyết, gây tác động lớn về an ninh, chính trị của chúng ta. “Thực trạng trên làm chúng ta phải thay đổi tư duy về vấn đề môi trường. Phát triển kinh tế với gắn với bảo vệ môi trường, kiên quyết không vì kinh tế mà đánh đổi môi trường, không đánh đổi cuộc sống bình yên của nhân dân”, Thủ tướng nêu rõ.
Theo Thủ tướng, thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo trong lĩnh vực này, nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà những yếu kém trong lĩnh vực này chưa được giải quyết, nhất là trách nhiệm ở các cấp ngành, địa phương đang trực tiếp quản lý việc cấp phép liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường. Trước tình hình này, Chính phủ tổ chức hội nghị toàn quốc về bảo vệ môi trường để làm rõ hơn thực trạng, đề ra giải pháp, từ đó góp phần chuyển biến tình hình.
Thủ tướng yêu cầu cần làm rõ thực trạng hiện nay, làm rõ những yếu kém về quản lý Nhà nước dẫn đến thực trạng ô nhiễm môi trường, nhất là những yếu kém trong hệ thống, của Bộ TN-MT, Sở TN-MT các địa phương. Thủ tướng yêu cầu phân công trách nhiệm phải rõ, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, rõ địa chỉ, không được “cha chung không ai khóc”. “Đất nước đang phát triển, áp lực về môi trường rất lớn nên chúng ta phải làm rõ quan điểm, giải pháp cả trước mắt và lâu dài về xử lý vấn đề môi trường. Tinh thần là tuân thủ đúng luật bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân”, Thủ tướng yêu cầu và chỉ đạo, phải nói rõ sự thật, thẳng thắn về thực trạng về môi trường hiện nay.
Sau hội nghị này, Thủ tướng sẽ có chỉ thị về công tác bảo vệ môi trường, trong đó nêu rõ những giải pháp, chế tài thực hiện.
Hàng năm, cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp; hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại; hiện có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh; có hơn 100 lò đốt rác sinh hoạt công suất nhỏ có nguy cơ phát sinh khí dioxin, furan.. Nước thải đô thị hầu hết chưa được xử lý... |
PHAN THẢO