Trao đổi với báo chí ngày 2-11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Nguyễn Minh Quang cho biết, Bộ TN-MT đã kiểm tra và thấy dự án được Đồng Nai duyệt trên cơ sở mới có nghiên cứu đánh giá tác động môi trường sơ bộ là chưa được. Bộ TN-MT đã thành lập hội đồng để theo dõi, đánh giá việc xử lý, khắc phục của địa phương, do Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, giải pháp xử lý phải dựa trên căn cứ đầy đủ, có tính đến tác động kinh tế - xã hội toàn diện chứ không thể chỉ dựa vào một số ý kiến của các nhà khoa học.
* Phóng viên: Dù chưa có kết luận cuối cùng, nhưng đã có thể nói ngắn gọn nhất về hướng xử lý chưa, thưa Bộ trưởng?
- Bộ trưởng NGUYỄN MINH QUANG: Mọi việc còn tùy thuộc vào kết quả nghiên cứu, kiến nghị của hội đồng tư vấn. Các phương án, giải pháp xử lý thì có nhiều ý kiến. Có người nói là nếu thực sự có tác động lớn đến dòng chảy của sông Đồng Nai thì buộc phải đào lên. Còn nó có thể tác động không lớn lắm thì mình phải xem xét để xem phần đã lấp ra 100m có thể để lại đến đâu, để lại bao nhiêu thì chấp nhận được. Rồi còn căn cứ vào hướng tác động đến cảnh quan bên bờ sông ra sao, có thể làm vườn hoa, chỗ vui chơi cho trẻ nhỏ được không… Nhưng chắc chắn là không xây dựng đô thị kiên cố ở đây rồi, quan điểm thống nhất với nhau như thế.
* Đã trực tiếp đi khảo sát thực tế, Bộ trưởng có thể cho biết nhận xét của cá nhân mình?
- Cảm nhận của tôi là dự án đã làm cảnh quan ở đoạn sông này khá tốt. Đoạn sông làm dự án là chỗ lòng sông rộng nhất, rộng đến 800m. Tác động đến dòng chảy sông Đồng Nai chắc chắn là có, nhưng có đến mức độ quá lớn hay không thì cần chờ nghiên cứu đầy đủ. Trên thực tế, dự án đã có đánh giá tác động môi trường, nhưng theo Hội đồng thẩm định của Bộ TN-MT thì chưa đảm bảo yêu cầu, vì đó mới là nghiên cứu sơ bộ. Quan điểm chung thì chúng ta muốn diện tích đã thi công đó sau này sẽ được sử dụng cho những công trình công cộng. Nhưng tôi xin nói lại là cần có đủ căn cứ khoa học.
* Liệu hội đồng tư vấn đó có đảm bảo sự độc lập trong nghiên cứu, đánh giá của mình?
- Tôi cho là đảm bảo. Đơn vị đó là của Trường Đại học Thủy lợi, công việc hiện đang được triển khai. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã nói, nếu thực sự cần phải đào lên thì sẽ đào, cần xử lý trách nhiệm cũng sẽ kiên quyết xử lý.
* Bộ có chỉ đạo cụ thể gì với cơ quan quản lý theo ngành dọc là Sở TN-MT Đồng Nai về việc xem xét trách nhiệm khi để dự án triển khai mà báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa tuân thủ quy trình?
- Việc này thì chưa. Sau khi có kết luận cuối cùng thì những cán bộ, công chức nào làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm.
* Phát biểu tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về chất lượng môi trường cùng tình trạng hạn hán gay gắt tại nhiều địa phương ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân. Bộ TN-MT đã có giải pháp đáp ứng yêu cầu mà đại biểu đặt ra?
- Muốn kinh tế phát triển nhanh mà không hoàn toàn chấp nhận ảnh hưởng đến môi trường thì không thực tiễn. Nhưng trong điều kiện cụ thể về trình độ phát triển và nguồn lực của chúng ta thì Bộ TN-MT chú trọng giám sát những cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm, nguy hại như hóa chất, xi măng, thuốc bảo vệ thực vật, phân đạm; các làng nghề... Bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường là cả một quá trình. Các nước khác cũng phải trải qua giai đoạn nan giải như thế.
Còn để giải quyết hạn hán thì có nhiều việc liên quan nhiều đến Bộ NN-PTNT, dù Bộ TN-MT chủ trì tham mưu cho Chính phủ về biến đổi khí hậu. Việc liên quan đến Bộ TN-MT ở đây là quy trình vận hành liên hồ thủy điện, phải làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa sản xuất điện và đảm bảo nguồn nước phục vụ đời sống của người dân và sản xuất nông nghiệp, nhất là trong mùa khô hạn. Quy trình vận hành liên hồ chứa đã có, điều quan trọng là phải điều hành nó thế nào. Chúng tôi đang xây dựng quy chế cập nhật lượng nước xả hàng ngày và sự phối hợp thông tin giữa nhà đầu tư với địa phương để địa phương tham gia kiểm soát.
Mặt khác, để chống hạn, sẽ phải xây dựng thêm một số hồ chứa; đòi hỏi nguồn đầu tư lớn và một số điều kiện khác nữa. Nhưng trước mắt phải vận hành hợp lý các hồ chứa để vừa có nước cho điện, vừa đảm bảo nước cho sinh hoạt, sản xuất.
* Xin cảm ơn Bộ trưởng!
ANH THƯ (thực hiện)