Ngày 17-6, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài đã chủ trì cuộc họp nghe Sở Quy hoạch Kiến trúc báo cáo đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000 khu bờ Tây sông Sài Gòn thuộc trung tâm hiện hữu TPHCM mở rộng. Khu vực này có một vị trí rất quan trọng trong phát triển đô thị và cảnh quan của thành phố.
Dân số: 31.200 người
Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM cho biết, đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000 khu bờ Tây sông Sài Gòn tuân thủ nghiêm ngặt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/2.000 đã được lãnh đạo TPHCM xem xét và thống nhất. Chỉ có một vài điều chỉnh nhỏ nhưng là để làm rõ hơn ý đồ quy hoạch của thành phố.
Cũng theo sở này, khu bờ Tây sông Sài Gòn, nằm dọc sông Sài Gòn trải dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận thuộc một phần quận 1, quận 4 và quận Bình Thạnh với phía Bắc giáp cầu Sài Gòn, phía Tây giáp đường Nguyễn Hữu Cảnh và Tôn Đức Thắng, phía Nam giáp đường Nguyễn Tất Thành và Kênh Tẻ, phía Đông giáp sông Sài Gòn.
Bố cục khu bờ Tây dự kiến sẽ được chia thành các khu vực nhỏ như sau: Khu Tân Cảng, diện tích khoảng 80ha nằm gọn trong quận Bình Thạnh. Khu Nam Thị Nghè, giới hạn bởi đường Nguyễn Hữu Cảnh, rạch Thị Nghè và sông Sài Gòn, rộng khoảng 24ha cũng nằm gọn trong quận Bình Thạnh. Khu Ba Son rộng 43ha và khu Công viên Bến Bạch Đằng rộng 25ha nằm trên địa bàn quận 1. Cuối cùng là khu cảng quận 4, diện tích 79ha và tất nhiên nằm gọn trong quận 4. Đây là một khu đô thị phức hợp với các khu vực phát triển mới đa chức năng, tập trung nhiều cao ốc có tính chất điểm nhấn với các kiến trúc mang đậm nét của một thành phố nhiệt đới sông nước. Quy mô dân số toàn khu 31.200 người, trong đó khu Tân Cảng: 15.000 người, khu Nam Thị Nghè: 5.000 người, khu Ba Son: 4.700 người và khu cảng quận 4: 6.500 người.
Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết, khống chế quy mô dân số ở mức này là một trong những điểm quan trọng nhằm thể hiện ý chí và mong muốn của lãnh đạo cùng nhân dân thành phố: dành phần lớn khu bờ Tây, khu vực có cảnh quan sông nước tuyệt đẹp cho các không gian công cộng - nơi tất cả người dân thành phố có thể đến vui chơi, thưởng ngoạn.
Theo sát với quan điểm này, phần lớn dải đất gần sông sẽ được dành cho công viên cây xanh và đường đi bộ. Không gian kiến trúc của khu bờ Tây là phát triển cao tầng với mật độ xây dựng thấp, theo nguyên tắc chiều cao công trình thấp dần từ trong ra phía bờ sông nhằm đảm bảo thông thoáng cho toàn khu vực. Chỉ hình thành các điểm nhấn cao tầng tại các đầu mối giao thông kết nối giữa trung tâm hiện hữu và Thủ Thiêm. Về lâu dài đường Tôn Đức Thắng sẽ được ngầm hóa và mặt đường hiện hữu sẽ biến thành công viên cây xanh và khu phố đi bộ.
Công trình xây dựng cao tối đa 230m
| |
Cũng trên tinh thần đảm bảo cảnh quan thông thoáng cho khu bờ Tây sông Sài Gòn, Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết, chiều cao xây dựng tối đa ở đây là 230m, tối thiểu là 4m, hệ số sử dụng đất tính trên diện tích đất xây dựng 5,6, tính trên diện tích toàn khu 2,5, mật độ xây dựng 3%-80% tùy nơi.
Mô hình tổ chức các khu dân cư ở đây là theo mô hình sử dụng đất hỗn hợp, các khu chức năng được tổ chức xen cài trong từng ô phố nhằm đa dạng hóa các hoạt động đô thị, giảm khoảng cách đi lại, tăng cường dân số vào các khu vực mới phát triển nhằm tăng khả năng đầu tư và giảm ảnh hưởng về mặt giao thông.
Cụ thể, khu Tân Cảng sẽ sử dụng đất hỗn hợp với các loại hình nhà ở, trung tâm thương mại, dịch vụ… kết hợp tổ chức thành các không gian công cộng dành cho người dân thành phố với hình thức công viên tập trung. Khu dân cư hiện hữu trong khu vực Tân Cảng sẽ giải tỏa. Không gian đô thị ở đây sẽ được tổ chức theo hướng mở một trục “xanh” lộ giới trên 24m đi xuyên khu đất, tạo luồng lưu thông từ đường Nguyễn Hữu Cảnh vào lõi khu đất và kết thúc bằng một khu phức hợp thấp tầng, mở tầm nhìn ra sông Sài Gòn. Công trình xây dựng sẽ cao từ phía đường Nguyễn Hữu Cảnh và thấp dần về phía bờ sông. Đề nghị giữ lại cầu cảng làm công viên và đường giao thông.
Khu Nam Thị Nghè, có các công trình với chức năng thương mại, dịch vụ, ở, giải trí, giáo dục… đặc biệt sẽ chuyển đổi khu tập sân golft thành văn phòng, nhà ở. Các công trình nhà ở sẽ nằm dọc sông để khai thác tối đa diện tích mặt nước, chiều cao công trình thấp dần về phía quận 1.
Khu Ba Son cũng có công trình có chức năng thương mại, dịch vụ, ở, giải trí... nhưng các công trình này được phân chia thành hai khu vực có bố cục khác nhau. Khu vực phía Tây Nam là khu điểm nhấn cao tầng. Khu Đông Bắc xây dựng thấp dần về phía bờ sông. Ngoài ra ở đây sẽ giữ lại hai vũng đậu tàu là hai địa điểm gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của thương cảng Sài Gòn xa xưa. Trong đó vũng lớn do chính những con người lao động ở Ba Son đề nghị giữ lại, vũng nhỏ do Công ty Nikken Sekkei đề nghị.
Khu cảng quận 4 sẽ tạo tầm nhìn tối đa ra bờ sông cho khu đô thị hiện hữu bằng các không gian mở tại các vị trí giao nhau giữa đường Nguyễn Tất Thành và các đường hiện hữu. Công trình cũng thấp dần ra phía bờ sông. Ngoài ra ở đây còn có dải cây xanh lớn, liên tục dọc bờ sông. Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết, về cơ bản đồ án quy hoạch này đã có thể cung cấp đầy đủ các thông tin về kiến trúc và giao thông cho người dân.
Sau cuộc họp với Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài, đồ án sẽ được báo cáo với Thường trực Thành ủy, HĐND TP, MTTQ TP và UBND TP xem xét và quyết định. Đồng chí Nguyễn Thành Tài cho biết, quan điểm của lãnh đạo thành phố, tôn trọng ý kiến, nguyện vọng của người dân để phát triển khu bờ Tây nói riêng và cả khu trung tâm hiện hữu mở rộng nói chung không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cho thế hệ mai sau.
|