
Nằm hiền hòa bên dòng Hậu Giang, xã cù lao Mỹ Hòa (huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) từ lâu nay được mệnh danh là chiếc nôi của bưởi Năm Roi - loại trái cây đặc sản ngon nhất nhì ĐBSCL. Cảnh vật yên bình đó sẽ đẹp biết bao nhiêu, nếu như gần đây ở xã không rộ lên các dự án công nghiệp khiến hàng ngàn gốc bưởi đã bị đốn hạ, san bằng...
Đổi đặc sản lấy công nghiệp

Bưởi Năm Roi được bán đấu giá trong các kỳ hội chợ.
Cái tên bưởi Năm Roi hình thành gần trăm năm nay, có nhiều giai thoại. Ông Mười Tước (lão nông Bùi Văn Tước) – người được mệnh danh là vua bưởi Năm Roi, hiện đang sống ở xã Thuận An (Bình Minh- Vĩnh Long), kể lại: “Chính ông Hội đồng địa hạt Bùi Quang Huy là người đã mang trái bưởi ngon trên về nhà, sau một hôm đi ăn giỗ ở Long Tuyền- Cần Thơ. Gieo những hạt bưởi đầu tiên, ông rào lại và dặn đám nhỏ: đứa nào phá thì bị đánh 5 roi. Cái tên Năm Roi bắt nguồn từ đó”. Một thời gian sau, ông Mười Tước mới xin được 5 nhánh bưởi trên đem về trồng trên đất Bình Minh.
Cũng cần phải nói thêm rằng lão nông Mười Tước là người có nhiều công trạng đối với ngành nông nghiệp. Tháng 7-1966, ông từng đem bưởi Năm Roi đi đấu xảo và được chế độ cũ tặng “Nông nghiệp bội tinh đệ nhị hạng”, công nhận trái bưởi ngon nhất trong kỳ đấu xảo trái ngon đó.
Trong cuộc đấu xảo trái ngon đó, bưởi Năm Roi Bình Minh đã từng “đụng hàng” loại bưởi da xanh ngon có tiếng của thầy giáo Bảo (Trần Văn Bảo) ở Sơn Định, Chợ Lách, Bến Tre. Năm 1996 ông lại đem bưởi Năm Roi đi đấu xảo, được Bộ NN&PTNT tặng bằng khen và Huy chương Vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn, với thành tích nhân giống lúa Thần nông, khoai lang Tân Quới và bưởi Năm Roi.
Nhắc lại chuyện xưa, để nói chuyện bây giờ. Hiện tại, Mỹ Hòa có diện tích đất sản xuất 1.400ha, trong đó có đến 1.200ha chuyên canh bưởi Năm Roi. Sau 1975, bưởi khu vực này bắt đầu chuyển mình và phát triển rất mạnh, nhiều vườn bưởi có 15-20 năm tuổi, đang cho trái tốt. Chính phủ và tỉnh Vĩnh Long khuyến khích riêng Mỹ Hòa chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ các giống cây trồng, vật nuôi khác sang chuyên trồng bưởi Năm Roi.

"Siêu thị" bưởi năm Roi.
Hiện nay, bưởi Năm Roi đã là một thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước, có hẳn một trang web (www.5roi.com), được các nhà khoa học đánh giá không chỉ là giống bưởi ngon của Việt Nam mà còn là giống bưởi ngon của thế giới (chỉ sau Israel). Công đầu thuộc về cô Lưu Nguyễn Trà Giang – Chủ doanh nghiệp Hoàng Gia – đơn vị xây dựng thương hiệu Năm Roi.
Ngoài ra, theo Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, chất lượng của bưởi Năm Roi tại khu vực Mỹ Hòa là khá ngon bởi đất đai, thổ nhưỡng và khí hậu ở đây phù hợp cho giống cây này phát triển. Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa cũng từng đạt nhiều danh hiệu cao trong các cuộc đấu xảo, thi trái ngon cấp vùng.
Thế nhưng, hơn một tháng nay, người dân ở huyện Bình Minh - trong đó nhiều nhất là ở xã Mỹ Hòa - đã bấm bụng đốn hạ những cây bưởi Năm Roi của mình để giao đất lại cho các chủ dự án đầu tư xây dựng san lấp mặt bằng.
Gánh trên mình dự án khu công nghiệp Bình Minh, khu du lịch và cảng Bình Minh (không kể đường dẫn cầu Cần Thơ đi ngang qua đây), vùng chuyên canh này phải hy sinh một diện tích gần 200ha bưởi Năm Roi.
Ông Trần Văn Danh – người có 10 công bưởi nằm trong vùng giải tỏa của dự án buồn bã: “Khu vực này chuyên canh bưởi Năm Roi, lại là vùng cho trái chất lượng nhất, vì thế trông hàng trăm hécta bưởi bị xóa sổ mà tiếc đứt ruột”. Bưởi nhà ông Danh là loại cao sản, mỗi năm thu về cả trăm triệu đồng. Nhưng dự án đang triển khai, người dân phải chấp hành chủ trương đền bù giải tỏa của chính quyền địa phương, nên họ chỉ còn biết đứng nhìn xe ủi, xáng thổi đang ngày đêm bứng từng gốc bưởi lên…
Không có chuyện xóa sổ, nhưng nỗi lo còn đó
Trước sự việc trên, dư luận ở ĐBSCL hiện nay hết sức quan tâm, bởi có thông tin cho rằng sẽ xóa sổ vùng chuyên canh bưởi Năm Roi. Về vấn đề này, đồng chí Mười Phú - Bí thư Huyện ủy Bình Minh cho biết: “Diện tích bưởi bị thu hẹp không quá nhiều so với diện tích 4.600ha của toàn huyện. Ngoài ra, huyện đang có chủ trương mở rộng diện tích lên 5.000ha vào năm 2005 để bù cho số diện tích bị mất”. Thêm vào đó, việc đổi một diện tích đặc sản để lấy một khu công nghiệp – theo lãnh đạo địa phương – là việc làm cần thiết, nhằm tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân và từng bước công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Hòa Nguyễn Hoàng Chiêm còn cho biết thêm, địa phương đang nghiên cứu làm đê bao cặp theo sông Đông Thành chạy ra sông Hậu để tận dụng thêm một ít diện tích để phát triển cây bưởi.
Thế nhưng, lại có một luồng ý kiến khác xung quanh việc hình thành khu công nghiệp này (đã khởi công ngày 18 –9 –2004, với diện tích 160ha do Công ty Hoàng Quân Mêkông làm chủ đầu tư). Điều đáng nói là KCN này nằm sát bên chân cầu Cần Thơ. Có thể hình dung một hình ảnh sau: Mai này qua cầu Cần Thơ, mọi người sẽ thấy khói nhà máy bốc lên…

Duyên dáng trái bưởi Năm Roi.
Hiện nay, chưa có ý kiến khoa học nào thẩm định việc khu công nghiệp sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tuổi thọ cây cầu. Nhưng, cách nay chưa lâu, khi khởi công cầu Mỹ Thuận, tỉnh Vĩnh Long cũng có kế hoạch xây dựng KCN ở bờ Nam cầu Mỹ Thuận.
Thời điểm đó, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Hugh Bishop (Giám đốc dự án cầu Mỹ Thuận - Công ty Bauldestone Hornibrook) cho rằng: “Đối với cây cầu vĩnh cửu dây văng, cách tốt nhất là không xây dựng KCN ở gần. Vì khí thải công nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Khí thải tiềm ẩn trong không khí một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự bền vững của cây cầu”.
Ông Hugh Bishop còn khuyến cáo thêm, hai bên cầu vĩnh cửu nên xây dựng khu du lịch, khu phố là hay nhất, đẹp nhất. Một thời gian sau, không biết vì lý do gì, UBND tỉnh Vĩnh Long lúc đó đã thay đổi vị trí, không xây dựng KCN ở gần cầu Mỹ Thuận. Thay vào đó là khu du lịch và có kế hoạch mở rộng thị xã về hướng Bắc Vĩnh Long.
Điều đó cho thấy, việc hình thành khu công nghiệp Bình Minh ở xã cù lao Mỹ Hòa là vội vã. Càng tiếc nuối hơn khi nơi đó là vùng chuyên canh đặc sản bưởi Năm Roi. Người dân ở đây tự hỏi: sao tỉnh không xây dựng Mỹ Hòa là một làng du lịch, để khỏi quất thêm vào bưởi Năm Roi một “ngọn roi” đau nhói?
TRẦN MINH TRƯỜNG