Khu dân cư nghĩa tình

Khu dân cư nghĩa tình

Những hình ảnh đẹp tại các khu dân cư trên địa bàn TPHCM giúp nhau vượt nghèo, chỉ cách làm ăn, giữ gìn cảnh quan môi trường, vì cuộc sống bình yên thông qua các mô hình “Tổ tự quản giảm nghèo”, “Nhóm chung sức”, “Vì cộng đồng”, gia đình “5 không, 3 sạch”… đang định hình một lối sống đẹp, hướng tới mục tiêu “Xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X đã đề ra.

Tình làng nghĩa xóm

“Bà Đóa có ở nhà không?”. Nghe có tiếng người gọi cửa, bà Đóa dò từng bước, vịn tay vào cánh cửa sắt nói vọng ra “Chị Nhân sang chơi”. “Nay ngày rằm tháng Bảy báo hiếu, vợ chồng con biếu bà ít quà lấy thảo”… Là gia đình họ đạo trong xóm đạo Vườn Xoài (khu phố 1, phường 12, quận 3), dù chưa hiểu hết ý nghĩa của ngày báo hiếu Vu Lan hàng năm, nhưng thấy việc làm của chị Nhân - một gia đình phật tử sống giữa khu xóm có đến hơn 90% hộ theo đạo Công giáo, bà Đóa thường lấy đó để giảng dạy con cháu. Cứ vào dịp mùa báo hiếu Vu Lan và Tết Nguyên đán, gia đình chị Nhân lại góp nhặt, gói ghém được hơn 50 suất quà, một phần mang ra UBND phường nhờ gửi các hộ nghèo xóm ven kênh Nhiêu Lộc, phần để lại biếu bà con khó khăn trong xóm. Mỗi phần quà đầy đủ gạo, mì tôm, dầu ăn, nước tương, bột ngọt; quà tết thì có thêm lạp xưởng, bánh ngọt, trà… Chưa kể, lâu lâu người dân trong xóm đạo còn thấy vợ chồng anh Nhân khệ nệ chở bao gạo vào cho thầy Bình nuôi mấy chục đứa nhỏ tật nguyền và bếp từ thiện ngoài nhà thờ Vườn Xoài. “Quà của gia đình chị Nhân là quà tình, quà nghĩa, lớn lắm…”, bà Đóa cảm động nói với chúng tôi.

Khu phố 6, phường 11 (quận 3) có gần 1.500 hộ với hơn 7.000 nhân khẩu, đa phần là dân lao động. Những năm trước có đến hơn 10% hộ dân trong khu phố thuộc diện nghèo. Nhưng giờ, như Trưởng khu phố Ngô Bích Phượng nói: “Hiện khu phố chỉ còn 54 hộ cận nghèo. Hộ nghèo coi như hết”. Để có được kết quả trên là nhờ vào 5 “Tổ tự quản giảm nghèo”, mỗi tổ nhận một việc làm giúp người nghèo. Tổ thì lo vận động nguồn kinh phí xây, sửa nhà; tổ lo thủ tục vay vốn Quỹ “Xóa đói giảm nghèo”; tổ lo tập sách, học bổng cho các em đến trường… Tổng kết lại, chỉ riêng năm 2015, khu phố đã chạy lo được nguồn kinh phí gần 3 tỷ đồng giúp 146 hộ làm ăn và 49 em học sinh đến trường. Ngoài ra còn có 2 hộ diện chính sách được sửa chữa nhà với giá trị hơn 80 triệu đồng…

Đồng chí Tất Thành Cang gặp gỡ các đại biểu tại Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc khu phố 6, phường 11 (quận 3)

Ở các huyện ngoại thành cũng có nhiều khu dân cư nghĩa tình với những việc làm gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phổ biến là góp công, góp của làm đường giao thông, sửa nhà, góp vốn làm ăn, giúp cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để hộ nghèo nâng cao mức sống… Như trường hợp ở Tổ nhân dân 3, ấp Trung Bình, xã Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi), hơn 20 hộ tộc Trần hiến đất mở đường, cho hộ nghèo mượn đất sản xuất, chăn nuôi. Trưởng ấp Nguyễn Văn Chinh nói: “Văn hóa tình làng nghĩa xóm thấm sâu vào mỗi hộ dân, hễ có chuyện gì là cùng nhau xắn tay vào giúp, không tính toán thiệt hơn. Từ chuyện làm đường trong ấp, làm các công trình phúc lợi… đều được đưa ra tổ nhân dân hoặc ấp bàn bạc, quyết định. Cứ vậy thành thói quen, chuyện chung hay chuyện riêng gì của người dân trong ấp mọi người đều biết và cùng chung sức giúp nhau thực hiện”.

Hình thành nếp sống nghĩa tình

Tham dự các hoạt động của Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu phố 6, phường 11 (quận 3), đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, vui mừng khi thấy mọi người đều vui vẻ, đoàn kết, cùng cất vang lời ca, tiếng hát, cùng gắn bó bên nhau trong cuộc thi nấu ăn và các trò chơi dân gian. Hình ảnh này là minh chứng rõ nét nhất của tinh thần và sức sống cộng đồng, vì cuộc sống hạnh phúc, phát triển của mỗi người, mỗi gia đình. Đồng chí Tất Thành Cang nói: “Mỗi khu dân cư khi xây dựng các nội dung, hoạt động thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” hãy bắt đầu từ những việc làm nghĩa tình giúp đỡ nhau trong cuộc sống, chia sẻ, hỗ trợ và chung tay gánh vác những lúc gặp khó khăn. Đây chính là sự phát huy những giá trị tốt đẹp của nếp sống văn hóa tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, thương người như thể thương thân mà cha ông đã truyền dạy”.

Theo Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Hoàng Năng, hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, các khu dân cư trên địa bàn thành phố đều tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia. Tại ngày hội, đã có hàng ngàn việc làm nghĩa tình được giới thiệu, tôn vinh và nhân lên thành những điển hình của nếp sống nghĩa tình đang được hình thành tại mỗi khu dân cư và phát triển thành phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, cùng chung tay góp sức xây dựng TPHCM ngày càng phát triển.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục