Khu Đông TPHCM chưa kịp hiện đại đã quá tải

Tốc độ phát triển nóng ở khu Đông thành phố đang dần bộc lộ những mặt trái mà quá trình đô thị hóa tại các khu đô thị hiện hữu đã mắc phải.
Khu Đông TPHCM chưa kịp hiện đại đã quá tải

Tốc độ phát triển nóng ở khu Đông thành phố đang dần bộc lộ những mặt trái mà quá trình đô thị hóa tại các khu đô thị hiện hữu đã mắc phải.

Một góc khu Đông TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ

Ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm thông tin quy hoạch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, cho biết, khu Đông TPHCM gồm quận 2, 9 và Thủ Đức chiếm khoảng 1/10 diện tích thành phố. Tiềm năng đất đai rộng lớn cùng với vị trí cửa ngõ liên kết vùng nên đây là hướng phát triển chủ đạo của thành phố với định hướng là vùng kinh tế đô thị hiện đại quy tụ các ngành công nghệ - kỹ thuật cao, thương mại - dịch vụ - vận tải… Đặc biệt, khu vực này còn là đầu mối nhiều công trình giao thông trọng điểm như tuyến metro, đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, đường Vành đai 2, vòng xoay Mỹ Thủy… Chính đầu mối hạ tầng này là ưu điểm lớn để thu hút các nhà đầu tư cũng như dân cư đổ về đây đón đầu các tiện ích.

Áp lực hạ tầng

Thế nhưng, thực tế hiện nay dân số tăng quá nhanh tại một số khu vực hiện hữu trong khi các dự án hạ tầng nhích từng bước một dẫn đến tình trạng quá tải về hạ tầng kỹ thuật cũng như xã hội.

Chị Nguyễn Thị Hằng (ngụ phường Phước Long B, quận 9), cho biết, vấn nạn ngập nước, ùn tắc giao thông xuất hiện chỉ trong vòng hai năm nay, nhưng mức độ thì ngày càng khủng khiếp. “Xe máy chạy chen bên cạnh bánh xe tải, bụi bay mờ mịt. Vào giờ cao điểm, các nút giao như Đỗ Xuân Hợp - Tây Hòa, Đỗ Xuân Hợp - Dương Đình Hội, Đình Phong Phú - Lê Văn Việt… kẹt cứng, va quẹt xảy ra thường xuyên. Mấy đợt mưa vừa rồi, đường ngập cả bánh xe. Tôi không thể ngờ được rằng khu vực này lại có lúc căng thẳng đến thế!”, chị Hằng cho biết.

Những cảnh báo về nguy cơ quá tải hạ tầng ở khu đông đang dần trở thành hiện thực khi hàng loạt dự án bất động sản hình thành, đưa vào sử dụng, dân số không ngừng gia tăng nhưng hạ tầng chỉ nhích từng chút một. Đơn cử như đường Đỗ Xuân Hợp có lẽ là trục đường có nhiều dự án bất động sản đang hoạt động nhất quận 9, số lượng phương tiện giao thông ngày càng gia tăng gồm xe cá nhân, xe chở vật liệu ra vào công trình…, thế nhưng việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường này lên 30m vẫn chưa được triển khai, hệ thống thoát nước của tuyến đường này cũng chưa được đầu tư đồng bộ.

Theo ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND quận 9, các tuyến đường chính đã hoàn thành đưa vào sử dụng như cao tốc Long Thành - Dầu Giây, tuyến đường Vành đai 2 đã được đấu nối với tuyến đường D2 khu công nghệ cao ra Xa lộ Hà Nội đã phần nào giảm bớt áp lực lưu lượng xe của khu vực, đồng thời việc triển khai khép kín Vành đai 2 từ cầu Phú Hữu ra ngã tư Bình Thái cũng được thành phố quan tâm đẩy nhanh việc triển khai thực hiện, còn tuyến đường Vành đai 3 trên địa bàn quận hiện đã được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt dự án đầu tư và dự kiến triển khai trong năm 2017. Riêng về phía quận 9 cũng đang thực hiện một số công trình giao thông trọng điểm: nâng cấp mở rộng đường Lê Văn Việt (quy mô 30m từ ngã ba Mỹ Thành đến Lã Xuân Oai), đường Hoàng Hữu Nam - đường 13 - đường 400 (quy mô 30m), cầu Tăng Long, cầu Long Đại. Song song đó, nâng cấp các tuyến đường Lê Văn Việt (đoạn từ Xa lộ Hà Nội đến Lã Xuân Oai), đường Long Phước, đường Tăng Nhơn Phú, đường Bưng Ông Thoàn, đường Lã Xuân Oai. Kế hoạch chỉnh trang đô thị trên địa bàn quận giai đoạn 2016-2020 cũng có hạng mục nâng cấp, mở rộng các tuyến hẻm trong khu dân cư, đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng xã hội trên địa bàn quận. “Tôi hi vọng, các công trình nêu trên khi triển khai thực hiện sẽ cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển của quận”, ông Tuấn Anh cho biết.

Ba giải pháp chính

TS - KTS Lê Văn Năm, cho rằng, TPHCM đã được kế thừa kinh nghiệm phát triển đô thị từ thế giới nên đã có những chuẩn bị về mặt quy hoạch hạ tầng khá đầy đủ, thậm chí là đủ cho tương lai khá xa. Thế nhưng thực tế thì các khu đô thị mới đang thiếu hạ tầng kỹ thuật - xã hội, bởi lẽ đa phần các quy hoạch vẫn… ở trên giấy! “Thành phố đang bị động về mặt hạ tầng, nước đến chân mới nhảy. Vốn là khó khăn lớn nhất: hiện nay mới chỉ kêu gọi được một phần nhỏ xã hội hóa, còn lại chi phí đầu tư cho hạ tầng vẫn đến từ ngân sách, trong khi ngân sách thành phố cũng không dư dả gì.

Bên cạnh đó, việc đầu tư vào quận 2, quận 9 hiện nay còn mang tính tự phát, “nước chảy chỗ trũng”: chỗ nào còn đất trống, đất rẻ thì đổ vào nhưng doanh nghiệp, tất nhiên, chỉ đầu tư hạ tầng trong dự án, thậm chí nhiều dự án còn chưa hoàn thành tốt hạ tầng nữa kia, thì nói gì đến việc kết nối hạ tầng bên ngoài?”, KTS Lê Văn Năm nhận xét và cho rằng, cần thực hiện 3 giải pháp chính để khắc phục tình trạng bị động như hiện nay.

Thứ nhất là thành phố phải đi trước một bước đầu tư các trục đường chính để làm cơ sở cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án bất động sản đấu nối vào, tạo sự đồng bộ.

Thứ hai, cần triển khai các loại hình phương tiện công cộng, nhất là xe bus, kết nối từ khu hiện hữu đến các khu mới. Và thứ ba là cần có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng vào khu vực này chẳng hạn giảm thuế, giãn thuế…

Ngoài khu Đông, thành phố cũng đang kêu gọi đầu tư và giãn dân ra hướng Củ Chi, Nhà Bè - Cần Giờ… để “chia lửa” bớt cho khu trung tâm. Do đó, nếu thực hiện tốt việc chuẩn bị và đầu tư vào khu đông sẽ mang lại kinh nghiệm và tạo thuận lợi cho việc phát triển các khu đô thị mới khác.

KHÁNH LÊ

Tin cùng chuyên mục