° Chỉ còn 26 lô đất để kêu gọi đầu tư
(SGGP).- Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, tại buổi làm việc với Ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) về triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2017 vào ngày 16-2.
Báo cáo của ông Nguyễn Thế Minh, Phó trưởng Ban Quản lý KĐTMTT, việc giải phóng mặt bằng hiện nay còn 84 hồ sơ bị vướng, trong đó có 3 cơ sở tôn giáo. Việc đền bù gặp khó khăn, vì đầu năm 2016 Thanh tra thành phố có văn bản yêu cầu phải giải quyết tình trạng khiếu nại đông người. Do đó, suốt năm qua chỉ vận động thu hồi đất được 6 trường hợp… Công tác giải phóng mặt bằng chậm đã ảnh hưởng đến đời sống người dân, làm chậm thi công xây dựng và mời gọi đầu tư, làm phát sinh lãi vay, phát sinh chi phí quản lý nhà tái định cư. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 bị chậm, lý do đền bù đầu cầu phía quận 1 chưa xong; phần cọc ở giữa sông Sài Gòn chưa làm được, vì bị vướng cầu tàu cảng Ba Son chưa kéo đi.
Mô hình khu đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai. Ảnh: CAO THĂNG
Về tình hình đầu tư, các lô đất đã có chủ trương đầu tư là 150 lô, có diện tích khoảng 185ha. Trong đó, dành 101 lô đất để thanh toán cho các dự án BT, giá trị ước tính khoảng 32.000 tỷ đồng; 24 lô đất đầu tư các công trình công cộng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, không thu tiền sử dụng đất; 25 lô đất đầu tư theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, dự kiến thu khoảng 8.061 tỷ đồng. Quỹ đất còn lại 26 lô, tương đương diện tích 36ha, dự kiến sẽ thu gần 11.000 tỷ đồng. Hiện tại, các dự án và công trình đã có chủ trương đầu tư và đang triển khai thực hiện gồm: dự án hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư 38,4ha thuộc phường Bình Khánh; dự án 4 tuyến đường chính; dự án quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông; dự án khu lâm viên sinh thái thuộc vùng châu thổ phía Nam; công trình kè bờ dọc sông Sài Gòn đoạn bao quanh Thủ Thiêm; dự án cầu Thủ Thiêm 2; dự án nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới. Đặc biệt, toàn bộ các công trình công viên cây xanh chưa thu hút được nhà đầu tư tham gia… Lãnh đạo Ban Quản lý KĐTMTT đã đề xuất đưa ra đấu giá chọn nhà đầu tư tại khu đất ký hiệu 7-1, quy hoạch khách sạn nghỉ dưỡng đô thị, hiện nay đang thu hút 8 doanh nghiệp lớn đăng ký đầu tư.
Một vấn đề nóng mà Ban Quản lý KĐTMTT xin ý kiến lãnh đạo TP, đó là xử lý quỹ nhà tái định cư bị tồn đọng. Theo đó, nợ vay của KĐTMTT hiện nay trên 16.000 tỷ đồng, nhưng nguồn đất còn lại (26 lô) trị giá gần 11.000 tỷ đồng không đủ để cân đối. Trong khi đó, quỹ nhà tái định cư hoàn thành nhiều nhưng nhu cầu không còn nhiều. Tổng số căn hộ đã và đang xây, mua nhằm mục đích tái định cư trong việc giải phóng mặt bằng của KĐTMTT là 10.529 căn, đã bàn giao cho quận 2 là 4.903 căn, sẽ tiếp tục nhận bàn giao từ các chủ đầu tư khi xây dựng hoàn thành, nhưng hiện nay chỉ bố trí được 3.296 căn hộ, phần còn lại đang bị dôi dư. Điều này đã gây ra gánh nặng quản lý và liên quan đến nợ vay…
Thống nhất một số đề xuất của Ban Quản lý KĐTMTT, đồng chí Nguyễn Thành Phong lưu ý, trong số 26 lô đất còn lại phải lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy hoạch, theo đúng chỉ đạo của Thường vụ Thành ủy. Yêu cầu các đơn vị liên quan phải quản lý thống nhất về hạ tầng, kết nối hạ tầng của Thủ Thiêm với quận 2; phải định hướng ngay từ bây giờ về mô hình quản lý hành chánh, trung tâm điều hành đô thị thông minh. Quỹ nhà tái định cư tồn đọng, chôn rất nhiều vốn, ảnh hưởng đến nợ của TP đồng thời tốn chi phí duy tu vì không đưa vào sử dụng sẽ bị xuống cấp; vì thuộc thẩm quyền của Chính phủ nên TP sẽ tiếp tục kiến nghị giải pháp xử lý…
Lương Thiện