Theo nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/2.000 khu trung tâm hiện hữu mở rộng thành phố đã được UBND TPHCM chấp thuận và đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000 đang được lãnh đạo thành phố xem xét, “lõi” của khu trung tâm bao gồm khu vực dọc sông Sài Gòn, dọc đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ kéo dài tới khu vực chợ Bến Thành sẽ được nghiên cứu xây dựng thành một khu phố đi bộ rộng lớn. Khu phố này sẽ cùng với quảng trường trung tâm của đô thị mới Thủ Thiêm phía bên kia sông Sài Gòn hợp thành một không gian công cộng, một trung tâm mua sắm, vui chơi, giải trí, một điểm nhấn kiến trúc bậc nhất không chỉ cho thành phố mà còn cho cả khu vực Nam bộ.
Tăng vỉa hè, ưu tiên xe buýt, giảm xe cơ giới cá nhân
Đưa ra ý tưởng nhưng đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000 nêu trên không đi sâu nghiên cứu về khu phố đi bộ. Do vậy, theo ông Lý Khánh Tâm Thảo, Phó phòng Quản lý khu trung tâm thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM để hình dung đầy đủ về khu phố này phải đề cập đến một nghiên cứu về thiết kế cảnh quan và bố trí không gian khu phố đi bộ tại khu vực trung tâm thành phố đang được sở và tư vấn Tây Ban Nha phối hợp thực hiện. Nghiên cứu đã đến giai đoạn báo cáo cuối kỳ và đang được tập hợp lại để trình UBND TPHCM. Theo nghiên cứu này, khu phố đi bộ sẽ trải dài từ đường Tôn Đức Thắng, giáp sông Sài Gòn qua đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ tới Công viên 23-9, chợ Bến Thành tới đường Bùi Viện và hướng tới một phần của Đại lộ Võ Văn Kiệt nằm dọc kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Phạm vi của nghiên cứu có thể không khác nhiều so với một số ý tưởng xây dựng khu phố đi bộ ở trung tâm thành phố do các sở, ngành đề xuất trong những năm trước song điều khác biệt, đó chính là giải pháp thực hiện.
Ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin triển lãm thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, đơn vị trực tiếp làm nghiên cứu này cho biết, nguyên tắc cơ bản là thực hiện từng bước và khu phố đi bộ không có nghĩa chỉ dành riêng cho đi bộ. Vẫn có các phương tiện cơ giới được lưu thông nhưng với tần suất ít hơn và diện tích đi lại cũng sẽ bị thu hẹp lại. Phương tiện cơ giới được ưu tiên trong khu vực chính là các phương tiện vận tải hành khách công cộng. Tính chất “đi bộ” thể hiện ở chỗ những vỉa hè sẽ được mở rộng ra và cây xanh được trồng nhiều hơn cùng với những tiện ích hấp dẫn người đi bộ như ghế đá nghỉ chân, một số tác phẩm nghệ thuật đặt trên vỉa hè để người đi bộ thưởng ngoạn… Các ki-ốt bán hàng lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ, các quán cà phê được sắp đặt gọn gàng trên vỉa hè cũng sẽ được tính toán như là một trong những điều lý thú cho khu phố đi bộ, ông Huỳnh Xuân Thụ nói.
Đơn cử như đường Lê Lợi với hiện trạng chỉ có 20% diện tích dành cho đi bộ, phần còn lại dành cho xe cơ giới đã được đề nghị điều chỉnh dần lên theo từng bước. Bước 1, tăng diện tích dành cho đi bộ lên 27%, dành khoảng 12% diện tích đường cho riêng xe buýt, 18% cho cây xanh và phần dành cho xe cơ giới chỉ còn 43%. Bước 2, dành diện tích cho đi bộ lên gấp đôi so với bước 1, diện tích dành cho cây xanh và xe buýt không đổi, kéo giảm diện tích xe cơ giới xuống… Bước 3, tăng diện tích dành cho đi bộ lên gần 50% so với diện tích mặt đường…
Đưa thành phố về với sông nước
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, tư vấn Tây Ban Nha và sở đã cùng thống nhất được với nhau một điểm rất lớn, đó là chọn chủ đề “đưa thành phố về với sông nước” cho khu phố đi bộ. Sông Sài Gòn và kênh Bến Nghé không những là một trong những cảnh quan đặc sắc của khu trung tâm mà còn là nơi ghi nhiều dấu ấn lịch sử của một Sài Gòn-TPHCM hàng trăm năm trước. Bằng những thiết kế đô thị theo những nguyên tắc nhất định thành phố có thể giúp người dân tiếp cận cảnh quan đồng thời là mảng lịch sử quan trọng này của thành phố.
Tư vấn Tây Ban Nha gợi ý, tất cả các thiết kế dành cho vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng, việc sử dụng vật liệu đều phải được tính toán thật kỹ để làm bật lên đặc trưng cũng như lịch sử của thành phố. Đơn cử, việc chiếu sáng sẽ được cân nhắc về màu sắc để khơi gợi lại không gian cổ kính xưa của Sài Gòn. Việc xây dựng các mái hiên nhà cũng cần phải được xem xét để vừa mang tính thẩm mỹ, tính tiện ích (giúp người đi bộ có thể tạm thời trú chân khi gặp những cơn mưa bất chợt của Sài Gòn) vừa giúp “nhắc nhở” lại kiến trúc của Sài Gòn xưa.
Khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng của thành phố rộng khoảng 930 ha bao gồm quận 1, quận 3 và một phần quận 4, quận Bình Thạnh. Cả khu vực trung tâm mới của thành phố trong tương lai sẽ bao gồm phần trung tâm hiện hữu mở rộng và một phần của đô thị mới Thủ Thiêm. |
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Xuân Thụ, điều này cũng không có nghĩa chỉ có không khí của Sài Gòn xưa trong khu phố đi bộ. Tính hiện đại sẽ được đưa vào một cách hài hòa với tính cổ xưa. Với vỉa hè chẳng hạn, vẫn là những mẫu gạch lát vỉa hè được thiết kế theo kiểu cổ nhưng vật liệu làm gạch và cả màu sắc của gạch sẽ được chọn lựa kỹ càng để tránh làm gia tăng hiện tượng đảo nhiệt-hiện tượng gây ra mưa lớn cho các thành phố.
Ngoài ra, thiết kế của vỉa hè cũng phải được tính toán hài hòa với các kiến trúc xung quanh trong đó bao gồm cả các kiến trúc hiện đại. Chiếu sáng cũng tương tự, ngoài những khu vực chiếu sáng mạnh để tạo nên hình ảnh sống động, mạnh mẽ hiện đại của thành phố sẽ có những khu vực ánh sáng sẽ được điều chỉnh với mức độ vừa phải để tạo một không gian trầm, lắng đọng, đưa hồn người (đi dạo) về với những cảnh sắc của một thời xa xưa…
Cây xanh, một phần tối quan trọng của khu phố đi bộ được đề nghị phát triển theo hướng phải đảm bảo hiệu quả kinh tế với chi phí trồng và bảo dưỡng thấp. Trong đó các loại cây bản địa, hài hòa với cảnh quan đường phố sẽ được ưu tiên để tạo ra bản sắc đặc trưng cho TPHCM. Bên cạnh đó, những loại cây trồng có tác dụng làm giảm tác hại của ô nhiễm môi trường cũng sẽ được lưu ý.
Quảng cáo ở khu vực trung tâm là một bài toán phải giải quyết thấu đáo. Không thể không có quảng cáo ở khu vực trung tâm bởi nó là một phần của thành phố hiện đại, năng động, song bố trí quảng cáo như thế nào để không làm khuất lấp nét xưa là một vấn đề không đơn giản. Tư vấn Tây Ban Nha đề nghị: phải điều chỉnh kích cỡ các bảng quảng cáo hài hòa với cảnh quan xung quanh, đặc biệt tương thích với mặt đứng của các công trình lân cận. Nội dung và màu sắc của bảng quảng cáo phù hợp với pháp luật và thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Riêng với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, nguồn thu của quảng cáo có thể là một nguồn kinh phí quan trọng cho việc chỉnh trang, bảo dưỡng khu phố đi bộ của thành phố.
AN NHIÊN
Thông tin liên quan |