Khu tứ giác Eden nằm ngay trung tâm TPHCM, có diện tích 8.800m², gồm 200 hộ dân sinh sống và 21 cơ quan thuê mướn mặt bằng kinh doanh. Eden có “tuổi thọ” gần 80 năm, hiện đang xuống cấp trầm trọng và có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào. Vì vậy UBND TP đã có chủ trương phá dỡ, xây dựng trung tâm thương mại- văn phòng văn minh hiện đại. Đến nay công tác đền bù giải tỏa đã vào giai đoạn cuối cùng.
“Khúc xương” đối với nhà đầu tư
Được xem là khu “đất vàng” vì Eden có khuôn viên được giới hạn bởi các con đường Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Huệ - Lê Lợi (quận 1), dự án nằm ngay “trung tâm của trung tâm” TPHCM. Vị trí đắc địa như vậy nhưng khi bàn về việc đầu tư vào khu đất này, nhiều nhà đầu tư đều “lắc đầu” và xem đây là “khúc xương” khó nuốt.
Theo nhiều chủ đầu tư, ô phố này chỉ có khoảng 8.800m² nhưng có đến hơn 200 hộ dân và 21 cơ quan cần phải đền bù giải tỏa, di dời và phải áp dụng khung giá đất vào diện cao nhất trên địa bàn TPHCM. Trong khi đó theo quy hoạch, khu vực này chỉ được xây dựng tối đa 6 tầng nên xét về mặt kinh doanh sẽ không đạt lợi nhuận cao. Chính vì vậy, từ năm 1998, khi TPHCM có chủ trưởng cải tạo khu vực này, đã có rất nhiều chủ đầu tư đăng ký thực hiện dự án nhưng rồi xin rút lui vì hệ số sử dụng đất thấp mà giá trị đền bù quá lớn.
Sau khi UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Công trình Trung tâm thương mại – dịch vụ – khách sạn – văn phòng – căn hộ cao cấp và bãi đậu xe ngầm Vincom và giao cho chủ đầu tư là Công ty CP Vincom thực hiện, dự án mới được triển khai một cách rốt ráo. Việc nhà nước đứng ra tổ chức bồi thường, hỗ trợ để thu hồi đất rồi giao lại mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án là phù hợp với quy định của pháp luật.
Đến nay đơn giá bồi thường và hỗ trợ từ chủ đầu tư cho các cá nhân, tổ chức sở hữu mặt bằng tại đây được xem là có tính đột phá. Được biết, chỉ với việc đền bù 8.806m² của khu tứ giác Eden cho 21 đơn vị và 200 hộ dân, tổng số tiền dự kiến bồi thường, hỗ trợ trực tiếp cho người dân và các đơn vị, theo quy định của Nhà nước, đã lên tới hơn 1.493 tỷ đồng. Đơn giá đền bù cho mỗi mét vuông tùy thuộc vào từng vị trí, cụ thể: Đơn giá cao nhất cho mặt tiền đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ: 370 triệu đồng/m²; thấp nhất là ở tầng 7 và tầng thượng chung cư 104-106 Nguyễn Huệ và 181 Đồng Khởi: 40,6 triệu đồng/m² (nhà sở hữu tư nhân).
Thực tế, đây là lần đầu tiên trên cả nước có một đơn giá bồi thường cao đến vậy. Nhằm thúc đẩy nhanh chóng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư cũng nỗ lực hết mình hỗ trợ công tác bồi thường tái định cư bằng nguồn kinh phí riêng của mình. Theo đó, chủ đầu tư đã ủng hộ thêm cho các hộ dân di dời sớm 100 triệu đồng/hộ (với nhà sở hữu tư nhân); đối với nhà thuộc sở hữu nhà nước, hỗ trợ thêm 40%; những trường hợp không được bồi thường theo quy định của Nhà nước, hỗ trợ 60% (tính theo đơn giá bồi thường được quy định). Các hộ thuộc diện chính sách (thương binh, liệt sĩ) còn được hỗ trợ thêm 100 triệu đồng/hộ. Quỹ nhà tái định cư cũng đã được chuẩn bị sẵn theo đúng quy định để phục vụ công tác này.
Kiên quyết gấp rút di dời
>> Ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vincom, cho rằng khi đầu tư dự án phải đền bù với giá cao và hệ số sử dụng đất thấp như vậy, xét về mặt kinh doanh là không hiệu quả. Tuy nhiên chủ đầu tư muốn thực hiện dự án để khẳng định thương hiệu và thực hiện nghiêm chỉnh cam kết đầu tư với lãnh đạo TPHCM. Khi Vincom đầu tư vào dự án 70 Lê Thánh Tôn, UBND TP đã ràng buộc chủ đầu tư phải tiếp tục đầu tư, chỉnh trang khu tứ giác Eden. Nếu chỉ đơn thuần đầu tư vào đây để kinh doanh với đơn giá bồi thường và hệ số sử dụng đất như vậy, chắc không có chủ đầu tư nào dám thực hiện. |
Chiều 10-5, trao đổi với PV báo SGGP ông Lê Quốc Cường, Trưởng ban Đền bù giải phóng mặt bằng quận 1, cho biết đến thời điểm này tất cả các cơ quan thuê mặt bằng tại đây đã chấp nhận phương án đền bù và tự nguyện di dời.
Riêng đối với 200 hộ dân đến nay đã có 68 hộ đồng ý đơn giá đền bù và tự nguyện di dời. Theo ông Cường, trong những ngày qua có nhiều hộ tiếp tục đồng ý đơn giá bồi thường và sẽ di dời trong những ngày tới. Để gấp rút di dời, giao mặt bằng cho chủ đầu tư, thời gian qua UBND quận 1 phối hợp với các ban ngành đoàn thể trong quận và UBND phường Bến Nghé đã vận động, giải thích và giải quyết những vướng mắc của người dân.
Đối với các hộ là đảng viên, cựu chiến binh, CB-CNV đang làm việc tại các cơ quan nhà nước, quận 1 đã phối hợp với đoàn thể, cơ quan nơi hộ đó đang sinh hoạt, làm việc để tiếp tục vận động. Được biết, hiện nay chủ đầu tư đã chuyển hơn 340 tỷ đồng tiền bồi thường cho Hội đồng Bồi thường dự án quận 1 để mở tài khoản tạm giữ cho các hộ dân chưa chịu di dời theo quy định của pháp luật. Được biết, hôm nay 11-5, UBND quận 1 sẽ chủ trì cuộc họp để nghe các cơ quan chức năng báo cáo tình hình di dời, giải tỏa của dự án Eden để có những quyết định tiếp theo.
Sau 3 năm triển khai thực hiện dự án trung tâm thương mại tại khu vực này, công việc vẫn còn ì ạch, dang dở mà hóc búa nhất là việc di dời dân cư, bàn giao mặt bằng. Vì vậy có thể nói, sự quyết liệt, vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền để sớm thu hồi và bàn giao “đất sạch” cho chủ đầu tư là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy hoàn thành dự án. Đây cũng là quyết tâm của chính quyền và nhân dân TP nhằm biến một khu phố xuống cấp, nhếch nhác ngay trung tâm trở thành một khu phức hợp thương mại, văn phòng hiện đại, góp phần làm bộ mặt đô thị TPHCM ngày càng văn minh hơn. Việc này cũng góp phần tạo cuộc sống mới, ổn định, an toàn hơn cho người dân tại nơi ở cũ.
Đỗ Trà Giang
- Thông tin liên quan:
- Dự án Trung tâm thương mại Eden: Khẩn trương giải phóng mặt bằng
- Khu thương mại Eden: Tiểu thương tự nguyện di dời