Khuyến khích hạn chế sử dụng túi ni lông

Sử dụng túi ni lông từ lâu đã được khuyến cáo là không có lợi cho môi trường. Thậm chí, về lâu dài, đây là một trong những tác nhân dẫn đến môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng. Thế nhưng, giải pháp nào để hạn chế sử dụng túi ni lông thì cho đến nay vẫn là bài toán khó, chưa có lời giải. Đó là lý do Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa tổ chức họp góp ý giải pháp hạn chế sử dụng túi ni lông trên địa bàn thành phố.
Khuyến khích hạn chế sử dụng túi ni lông

Sử dụng túi ni lông từ lâu đã được khuyến cáo là không có lợi cho môi trường. Thậm chí, về lâu dài, đây là một trong những tác nhân dẫn đến môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng. Thế nhưng, giải pháp nào để hạn chế sử dụng túi ni lông thì cho đến nay vẫn là bài toán khó, chưa có lời giải. Đó là lý do Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa tổ chức họp góp ý giải pháp hạn chế sử dụng túi ni lông trên địa bàn thành phố.

Mỗi ngày sử dụng 9 triệu túi ni lông

Theo khảo sát của Quỹ tái chế chất thải TPHCM, hiện phần lớn các trung tâm thương mại, siêu thị và chợ truyền thống vẫn đang sử dụng phổ biến túi ni lông khó phân hủy. Khu vực sử dụng lượng túi này nhiều nhất, lên đến 98% là ở các chợ truyền thống. Còn tại trung tâm thương mại và siêu thị là khoảng 71%. Ghi nhận thực tế của chúng tôi tại các khu vực bán lẻ cho thấy, rất ít người dân sử dụng những loại túi thân thiện với môi trường hoặc túi sử dụng nhiều lần khi đi mua hàng. Phần lớn trong số họ đều lựa chọn giải pháp mua hàng và được chủ cửa hàng gói hàng trong các túi ni lông. Trung bình, trong quá trình mua sắm mỗi người được phát ít nhất từ 1-3 túi ni lông, nhiều nhất lên đến 10 túi ni lông. Và nếu dựa trên mức này để tính ra con số bình quân thì trung bình mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 9 triệu túi ni lông, tương đương 45 tấn.

Các loại trái cây, sả, thịt... của người đi chợ đều được đựng trong túi ni lông. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Các loại trái cây, sả, thịt... của người đi chợ đều được đựng trong túi ni lông. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Tác hại do hành vi sử dụng quá mức túi ni lông là điều không còn bàn cãi. Và trên thực tế, tình trạng tắc nghẽn hệ thống thoát nước, gia tăng mức độ ngập sâu, ngập lâu do túi ni lông gây ra đã diễn ra khá phổ biến tại các đô thị lớn trong đó có TPHCM và Hà Nội. Đại diện Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố nhấn mạnh, các kênh rạch tại TP đang bị “xâm lấn” bởi rác ni lông như rạch Bà Tiếng, Bà Lựu, Liên Xã (quận Bình Tân); rạch Bình Thái, Nhỏ, Cầu Miếu (quận Thủ Đức)… Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị TPHCM cho biết thêm, lượng ni lông lẫn trong khối lượng rác thải đô thị còn làm cho các giải pháp xử lý rác thải kém hiệu quả, kéo dài thời gian xử lý gây tiêu tốn lớn cho ngân sách nhà nước…

Triệt để áp thuế để bảo vệ môi trường

Tác hại thì nhiều nhưng theo bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Quỹ tái chế chất thải TPHCM, đây vẫn là loại sản phẩm rất khó hạn chế sử dụng. Tính cho đến nay, vẫn chưa có loại sản phẩm nào có khả năng cạnh tranh về mức độ tiện dụng bằng túi ni lông. Hơn nữa, về giá thành của loại sản phẩm này cũng rất tiết kiệm, đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng. Không chỉ thế, đang có rất nhiều cơ sở sản xuất túi ni lông mà không hề đăng ký kinh doanh. Hay nói đúng hơn là trốn thuế nên giá thành họ bán cho các tiểu thương, người buôn bán lẻ rất hấp dẫn.

Trên thực tế, để hạn chế những tác hại với môi trường, đồng thời không làm ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng của người dân, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực để sản xuất và tung ra thị trường sản phẩm túi ni lông thân thiện với môi trường. Loại túi này nếu so sánh về mức độ tiện dụng thì không kém túi ni lông vốn không thân thiện với môi trường. Nhưng sức hấp dẫn về giá thành thì không thể cạnh tranh với túi ni lông không thân thiện môi trường.

Ông Hoàng Văn Điều, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Văn hóa Tân Bình cho biết, từ năm 2003, công ty đã bắt đầu sản xuất túi ni lông thân thiện môi trường nhưng phần lớn số lượng sản xuất ra đều xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Rào cản lớn nhất để sản phẩm thân thiện môi trường như túi ni lông tự hủy có thể tồn tại và phát triển trong nước không chỉ là giá thành mà là tâm lý từ chối sử dụng của đa số người tiêu dùng. Một khó khăn khác, nguồn kinh phí hạn hẹp không cho phép các doanh nghiệp có điều kiện triển khai được nhiều dự án, chương trình để tuyên truyền thông tin cho người dân hiểu lợi ích từ việc sử dụng loại túi này.

Trước thực trạng này, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường đã và đang triển khai nhiều chương trình nhằm thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc giảm sử dụng túi ni lông. Cụ thể, khuyến khích người dân sử dụng các loại túi thân thiện môi trường; đẩy mạnh thông tin về lợi ích việc thay đổi thói quen của người dân trong việc giảm sử dụng túi ni lông không thân thiện môi trường; phối hợp với cơ quan chức năng thống kê, rà soát đầy đủ số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bao bì. Trong đó, áp dụng thu đúng, thu đủ thuế môi trường đối với loại ni lông không thân thiện với môi trường. Từ đó, tạo cơ sở để phát triển thị phần tiêu thụ túi thân thiện môi trường.

Điều đáng nói, chỉ riêng nỗ lực của các tổ chức, cơ quan chức năng sẽ không đủ sức mạnh để giảm thiểu mức tiêu thụ túi ni lông. Cần thiết phải có sự chung tay hành động của cả cộng đồng đối với việc giảm sử dụng túi ni lông. Có như vậy mới mong hạn chế đến mức thấp nhất tác hại do túi ni lông gây ra cho sức khỏe và môi trường sống.

MINH XUÂN - MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục