TP Hồ Chí Minh

Khuyến khích sử dụng sản phẩm “xanh”

Khuyến khích sử dụng sản phẩm “xanh”
Khuyến khích sử dụng sản phẩm “xanh” ảnh 1

Sau khi Báo SGGP đăng bài viết “Rút giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp vi phạm môi trường – Có khả thi?” ngày 26-9, nhiều chuyên gia môi trường và độc giả bày tỏ ý kiến xung quanh vấn đề này.

Trong đó, các ý kiến khá tập trung vào việc làm thế nào để phát huy và nâng cao vai trò của cộng đồng trong việc buộc doanh nghiệp tự giác chấp hành công tác bảo vệ môi trường. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Phước (ảnh) Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM.

*  PV:
Ông có ý kiến như thế nào để phát huy vai trò người dân trong việc quản lý, bảo vệ môi trường?

*  Ông NGUYỄN VĂN PHƯỚC: Đúng là tại nhiều nước trên thế giới, bên cạnh công cụ quản lý nhằm buộc doanh nghiệp phải giữ gìn môi trường thì cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc buộc doanh nghiệp phải tự giác chấp hành tốt Luật Bảo vệ môi trường. Vai trò cộng đồng được thể hiện qua việc giám sát, phát hiện và báo cho các cơ quan chức năng xử lý những doanh nghiệp có hành vi gian dối trong việc bảo vệ môi trường. Mặt khác, cộng đồng tích cực sử dụng những sản phẩm “xanh”, bài trừ và tẩy chay sản phẩm “đen” hoặc những sản phẩm của doanh nghiệp “đen” doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, được xem là giải pháp hiệu quả nhất để góp phần cải thiện chất lượng môi trường hiện nay.

Khuyến khích sử dụng sản phẩm “xanh” ảnh 2

Sản xuất ruột xe ôtô tại Xí nghiệp cao su Hốc Môn, đơn vị đạt DN xanh. Ảnh: ĐỨC TRÍ.

*  Làm thế nào để người dân có thể phân biệt sản phẩm “xanh” hoặc “đen”?

*  Cho đến nay, TPHCM đã tổ chức giải thưởng “Doanh nghiệp xanh”. Để đạt được giải thưởng này, doanh nghiệp phải trải qua quy trình xét duyệt rất khắt khe về vấn đề chấp hành Luật Bảo vệ môi trường. Cụ thể phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải; công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chất thải; đóng góp tích cực trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng…

Sau khi đạt giải, các doanh nghiệp sẽ được UBND TPHCM cấp chứng nhận “Doanh nghiệp xanh” và được sử dụng nhãn xanh (logo) giải thưởng để in ấn lên các sản phẩm của mình. Vì vậy, về cơ bản người dân có thể phân biệt sản phẩm “xanh” bằng cách xem ký hiệu nhãn xanh trên sản phẩm. Việc cộng đồng tích cực sử dụng sản phẩm xanh cũng chính là đã góp phần tự bảo vệ môi trường sống, sức khỏe của chính mình.

*  Hiện có bao nhiêu doanh nghiệp được UBND TPHCM chứng nhận là Doanh nghiệp xanh?

Nhiều chuyên gia cho rằng, thông qua việc người dân lựa chọn, sử dụng những sản phẩm “xanh” hoặc gián tiếp là những sản phẩm của những doanh nghiệp chấp hành tốt công tác bảo vệ môi trường, xã hội đã buộc doanh nghiệp phải tự giác chấp hành Luật Bảo vệ môi trường nếu muốn tồn tại. Phần còn lại là cơ quan chức năng phải xem xét và cấp chứng nhận “xanh” cho các doanh nghiệp.

*  Cho đến nay, chúng tôi đã chứng nhận Doanh nghiệp xanh cho 11 doanh nghiệp.

*  Vậy liệu sản phẩm của các doanh nghiệp này có đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân?

*  Với số lượng 11 doanh nghiệp được chứng nhận là Doanh nghiệp xanh là quá ít đối với nhu cầu sử dụng sản phẩm “xanh” của người dân TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng hiện đây là một giải thưởng mang tính chất tự nguyện, không bắt buộc doanh nghiệp tham gia.

Hơn nữa, giải thưởng mới được tổ chức từ năm 2006 nên đối với nhiều doanh nghiệp vẫn còn rất mới, bản thân doanh nghiệp cũng bỡ ngỡ khi tham gia. Hiện nay chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền sâu rộng giải thưởng đến từng doanh nghiệp; cố gắng xem xét và chứng nhận Doanh nghiệp xanh cho nhiều doanh nghiệp; công bố danh sách doanh nghiệp xanh rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.

Mặt khác, chúng tôi cũng khuyến khích, kêu gọi sự đồng thuận từ phía người dân bằng cách tích cực sử dụng sản phẩm “xanh” của những doanh nghiệp đã thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và được chứng nhận là doanh nghiệp xanh.

11 đơn vị đoạt giải thưởng Doanh nghiệp xanh lần thứ 1-2006

1.Công ty Liên doanh Unilever Việt Nam.

2.Công ty SONY Việt Nam.

3.Công ty Liên doanh Xây dựng và kinh doanh KCX Tân Thuận.

4.Công ty Liên doanh Khai thác kinh doanh khu chế xuất Sài Gòn Linh Trung.

5.Công ty cổ phần KIDO (sản xuất kem ăn và các loại sữa chua).

6.Công ty Liên doanh TNHH Crown Sài Gòn (sản xuất lon nhôm).

7.Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 25 (sản xuất dược phẩm).

8.Công ty cổ phần Văn hóa Tân Bình (sản xuất bao bì tự hủy).

9.Công ty cổ phần Sản xuất thương mại Thiên Long (sản xuất bút viết).

10. Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang.

11. Công ty cổ phần Công nghiệp cao su Miền Nam – Xí nghiệp Cao su Hóc Môn.

ÁI VÂN thực hiện

Tin cùng chuyên mục