Kích hoạt vùng Đông Nam bộ

TPHCM sẽ là trung tâm công nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo, cung cấp các dịch vụ thương mại - tài chính, y tế - giáo dục và là trung tâm công nghiệp phụ trợ cho các cụm ngành của vùng. Còn các địa phương bạn sẽ là các đô thị vệ tinh và là trọng tâm của các cụm ngành công nghiệp có ưu thế.

Tại Hội thảo quốc gia “Động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ: Tiềm năng và thách thức” do Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) tổ chức ngày 10-3, chương trình “UEH Đông Nam bộ 2030” được ra mắt với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực dành riêng cho 6 tỉnh, thành Đông Nam bộ ở các ngành lĩnh vực trọng yếu như quản lý công, quản lý đô thị thông minh và sáng tạo, quản lý môi trường, quản lý công nghệ - kỹ thuật, logistics và quản lý chuỗi cung ứng (ở cả chương trình cử nhân và thạc sĩ).

Đây có thể xem là một trong những bước đi đầu tiên của địa phương nhằm thực hiện chương trình hành động của Chính phủ sau khi triển khai Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Con người là nguồn lực khởi đầu và cũng là mục tiêu. Kết nối vùng chính là kết nối con người với tri thức, kinh nghiệm và khát vọng cùng đi tới; chọn giáo dục - đào tạo thông qua Hội đồng Hiệu trưởng trên địa bàn TPHCM là điểm xuất phát để liên kết nội lực đồng bằng, cụ thể là vùng Đông Nam bộ.

Thứ đến là sự phân vai: TPHCM sẽ là trung tâm công nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo, cung cấp các dịch vụ thương mại - tài chính, y tế - giáo dục và là trung tâm công nghiệp phụ trợ cho các cụm ngành của vùng. Còn các địa phương bạn sẽ là các đô thị vệ tinh và là trọng tâm của các cụm ngành công nghiệp có ưu thế. Định hướng phát triển này vừa tận dụng thế mạnh của các các tỉnh, giúp nâng cao vai trò của TPHCM trong chuỗi giá trị, hỗ trợ sự phát triển của các đô thị liên kết; vừa nâng tầm sự phát triển của toàn vùng, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững, bứt phá phù hợp với định hướng phát triển vùng của Trung ương.

Trước mắt là những dự án hạ tầng giao thông mở ra các trọng điểm nút thắt xung quanh TPHCM như Vành đai 3, nhà ga T3, cao tốc Mộc Bài - TPHCM, TPHCM - Chơn Thành… Việc triển khai nhanh những dự án giao thông liên vùng là một bài học thực tiễn ý nghĩa để thành phố cùng các tỉnh Đông Nam bộ thử nghiệm và vận hành những cơ chế phối hợp từng có “kêu gọi” nhưng thiếu tính thực thi hiệu quả. Điều quan trọng là mối quan hệ giữa TPHCM với Đông Nam bộ vừa mang tính chia sẻ về không gian lại vừa gắn kết về kinh tế, nhất là nền tảng văn hóa thúc đẩy những đổi mới sáng tạo và cải cách, tổng hòa thành một khối nội lực mạnh mẽ, tiềm năng.

Riêng TPHCM, một trong những bước chuyển mạnh mẽ nhất hiện nay chính là tập trung tháo gỡ và hoàn thiện thể chế để đảm bảo hiệu quả của “hoa tiêu” dẫn dắt. Trong đó, dù là cơ chế mang tính đặc thù, vẫn chú trọng yếu tố liên kết vùng cả về dự án lẫn mô hình. Như cơ chế TOD (phát triển đô thị gắn với các trục giao thông) nhắm đến khai thác quỹ đất hai bên đường tạo thành các khu thương mại dịch vụ mới với mục tiêu khai thác hai tuyến metro và các tuyến cao tốc liên vùng.

Thành phố cũng xác lập rõ các lợi thế phát triển của mình để xây dựng hàng loạt chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược tập trung vào công nghệ, nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ có vốn từ 3.000 tỷ đồng trở lên; đầu tư dự án trong lĩnh vực sản xuất chip, bán dẫn, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên; đầu tư dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch có quy mô vốn đầu tư từ 60.000 tỷ đồng trở lên. Nhà đầu tư chiến lược phải cam kết về thời gian giải ngân vốn, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và các điều kiện về quốc phòng an ninh, được hưởng ưu đãi, hỗ trợ (có thời hạn) như áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu tiên về chế độ, thủ tục hải quan, được hỗ trợ một phần chi phí từ ngân sách thành phố, miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước, được tính chi phí trừ thuế để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Phải tìm cách tận dụng, khởi thông các nguồn lực xã hội, từ hợp tác công tư trong lĩnh vực giao thông hạ tầng, văn hóa - thể thao - bảo tàng cho đến những mô hình vốn phát sinh từ nhu cầu của một đô thị hơn 10 triệu dân. Trong đó, hướng đến việc đề xuất cho phép sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện dự án, công trình quan trọng có tính chất vùng, liên vùng; hỗ trợ các địa phương khác trong các trường hợp cần thiết.

Tin cùng chuyên mục