Mới đây trong buổi làm việc với Bộ Xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ các hạn chế trong quy hoạch: chất lượng một số đồ án còn thấp; tầm nhìn, công tác dự báo chưa hợp lý; còn tình trạng chưa thống nhất, chưa ăn khớp giữa các cấp độ quy hoạch. Ở một số địa phương, việc điều chỉnh quy hoạch đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ; dồn quá nhiều nhà cao tầng vào khu trung tâm, làm tắc nghẽn giao thông!
Nhận xét của Thủ tướng đã khái quát toàn bộ bức tranh về quy hoạch: Đây là căn bệnh mãn tính, gần như chưa có giải pháp đặc trị. Đối với người dân đô thị, nỗi lo chung lớn nhất hiện nay là quy hoạch treo. Giá trị nhà - đất hoàn toàn phụ thuộc vào việc công bố các đồ án quy hoạch, nếu như nằm trong lộ giới, công viên, dự án nhà ở…, coi như thua thiệt!
Về phát triển đô thị, chỉ cần một sự điều chỉnh quy hoạch, có thể làm khu vực nào đó trở nên xấu xí vì bỗng nhiên có dự án mọc lên, chỏi với cảnh quan xung quanh, hoặc khiến không gian bức bí vì bị nhồi nhét nhà cao tầng! Thực tế thời gian qua cho thấy, việc điều chỉnh nhiều lần đồ án quy hoạch sẽ biến một đồ án đẹp đẽ lúc đầu không còn bao nhiêu giá trị. Gần đây, Chính phủ đã xử lý cương quyết tình trạng tham nhũng đất công, nhưng việc điều chỉnh quy hoạch để lại hậu quả còn lớn hơn khi đem lại lợi ích khổng lồ (cho ai đó) và làm “biến dạng” bộ mặt đô thị thì không hoặc chưa bị xử lý.
Rõ ràng, thực hiện nghiêm quy hoạch, phải là một mệnh lệnh buộc các cơ quan công quyền tuân thủ. Nếu còn thiếu chế tài, dứt khoát chúng ta phải bổ sung kịp thời, chặn đứng vấn nạn “tham nhũng quy hoạch” để đô thị phát triển văn minh hiện đại, đúng như khát vọng của người dân!
Cũng là quy hoạch, nếu thực hiện tốt từ khâu lập đồ án đến xây dựng kế hoạch thực hiện một cách khoa học, sẽ tạo nguồn lực lớn cho phát triển đô thị. Trong một lần trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, đã đưa ra các ví dụ về việc nếu tận dụng khai thác quỹ đất nhờ quy hoạch mang lại, có thể giúp xây dựng các đại dự án mà không cần dùng ngân sách. Như với dự án sân bay Long Thành, quy hoạch thành lập hẳn một TP Long Thành, trong đó có sân bay; dùng giá trị đất đai tăng lên tại TP Long Thành (mà Nhà nước thu được) để đầu tư sân bay. Làm như vậy, Nhà nước sẽ không tốn đồng nào làm sân bay. Đối với 5 tuyến metro tại TPHCM cũng vậy, tổng vốn đầu tư 25 tỷ USD. Nếu TPHCM khai thác hợp lý quỹ đất dọc tuyến metro có thể mang lại nguồn lợi đủ lớn để xây dựng chính các tuyến metro đó. Làm quy hoạch đô thị như hiện nay, chúng ta đã “nhường” chênh lệch địa tô vào tay doanh nghiệp. Chẳng hạn, phát triển bất động sản, trung tâm thương mại… dọc theo tuyến metro số 1, hệ thống đường hầm qua khu đô thị mới Thủ Thiêm… đã mang lại lợi nhuận khủng cho doanh nghiệp; trong khi Nhà nước chỉ thu được khoản thuế ít ỏi. Chưa kể, với khoản thu không đáng kể này, việc đầu tư trở lại cho phát triển hạ tầng luôn “thiếu trước hụt sau” khiến thành phố vẫn quá tải về hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
Tín hiệu đáng mừng là Đề án Xây dựng chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2030 vừa được UBND TPHCM phê duyệt, có dành một phần nói về việc “tạo quỹ đất sạch”. Đó là, ưu tiên bố trí vốn ngân sách, tạo quỹ đất sạch tại các khu vực ngoại thành dọc các trục giao thông công cộng, nhất là các tuyến metro, tuyến vành đai để thực hiện dự án nhà ở xã hội; thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để sử dụng xây dựng nhà ở xã hội. Quan điểm này được dư luận đánh giá hết sức tích cực, bởi vì quỹ đất sau khi làm hạ tầng sẽ nằm trong tay Nhà nước, chênh lệch địa tô chảy vào ngân sách bù cho số tiền mà trước đó ngân sách chi ra đầu tư làm hạ tầng giao thông!
Hy vọng cách làm mới sẽ được triển khai thực hiện rộng rãi. Chúng ta vừa kiểm soát, vừa khai thác tốt nhất từ quy hoạch. Và điều đó sẽ đem lại nguồn lực cho phát triển bền vững không chỉ của TPHCM mà còn cho cả đất nước.