Kiểm soát khí thải theo khuôn khổ pháp lý

Nhân dịp Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 17 (COP 17) tại Durban, Nam Phi vừa kết thúc ngày 11-12, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã có cuộc trao đổi nhanh với phóng viên Báo SGGP.

Nhân dịp Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 17 (COP 17) tại Durban, Nam Phi vừa kết thúc ngày 11-12, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã có cuộc trao đổi nhanh với phóng viên Báo SGGP.

Bộ trưởng cho biết: Nghị định thư Kyoto hiện tại được thông qua tháng 12 -1997, theo đó, các nước phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi phải thực hiện các cam kết mang tính pháp lý để cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính định lượng xuống thấp hơn mức năm 1990, với tỷ lệ trung bình là 5,2% trong thời kỳ cam kết đầu tiên (2008-2012); các nước nghèo, các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam), chưa có nghĩa vụ phải cắt giảm phát thải khí nhà kính định lượng, tức không có hạn ngạch cắt giảm phát thải khí nhà kính.

Theo nguyên tắc “Trách nhiệm chung nhưng có phân biệt” của Công ước khí hậu, các nước phát triển có trách nhiệm hỗ trợ về tài chính, chuyển giao công nghệ mới và tăng cường năng lực để giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Chỉ còn khoảng 1 năm nữa, thời kỳ cam kết đầu tiên của Nghị định thư Kyoto sẽ kết thúc.

Vừa qua, tại Durban, 194 nước tham gia hội nghị đã thông qua quyết định gia hạn Nghị định thư Kyoto thêm 5 năm nữa, thành lập Quỹ Khí hậu xanh và một số bước đi mới nhằm thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sau năm 2020. Theo thỏa thuận mới đạt được, tất cả các nước đều phải thực hiện cam kết kiểm soát khí thải theo cùng một khuôn khổ pháp lý. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực muộn nhất vào năm 2020. Mặc dù được đánh giá là không “hoàn hảo như mong đợi” nhưng kết quả này được cho là thành công hơn nhiều so với các hội nghị trước đó và làm hài lòng nhiều nước tham gia hội nghị, cả các nước phát triển và các nước đang phát triển mạnh mẽ nhất.

Việt Nam đã, đang và sẽ chủ động, tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua việc đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia Biến đổi khí hậu, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với Biến đổi khí hậu. Việt Nam sẽ tích cực thực hiện các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với hoàn cảnh quốc gia; đồng thời tranh thủ nguồn hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và chuyên giao công nghệ từ các nước phát triển, các tổ chức quốc tế phục vụ phát triển bền vững. 

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục