Khoảng 3 năm trở lại đây thuật ngữ “beauty blogger” (tạm dịch: người viết nhật ký làm đẹp) đã không còn xa lạ. Không giới hạn thời gian lẫn không gian làm việc, nghề beauty blogger thu hút không chỉ phái nữ mà còn không ít bạn nam trong lĩnh vực chia sẻ bí quyết làm đẹp.
Công việc chủ yếu của các beauty blogger là chia sẻ những bài viết, video… hướng dẫn làm đẹp, hoặc giới thiệu mỹ phẩm mới lên mạng xã hội. Thông qua lượng tương tác từ người dùng như lượt like (thích), lượt share (chia sẻ), lượt view (xem), comment (bình luận)… để nhận lại tài trợ từ các nhãn hàng.
Nhìn vào số lượng tài trợ và quà tặng của những nhãn hàng mỹ phẩm mà các beauty blogger sở hữu, không ít người trầm trồ. Tuy nhiên, để nhận được sự hợp tác của nhãn hàng, các beauty blogger cũng chịu không ít rủi ro, nhất là dị ứng mỹ phẩm.
Một nguồn thu nhập đáng kể nữa của các beauty blogger chính là làm đại diện độc quyền cho các thương hiệu mỹ phẩm. Để có được những hợp đồng hấp dẫn đó, ngoài việc sở hữu ngoại hình ưa nhìn, giao tiếp duyên dáng, đòi hỏi các beauty blogger phải thực sự có kiến thức về làm đẹp, nhất là kiến thức về chăm sóc da.
Beauty blogger Trương Đại Dũng (22 tuổi, nickname “Dũng ơi Dũng à”) cho biết: “Để được các nhãn hàng tin tưởng, mình thường tham gia những khóa học ngắn về chăm sóc da và tìm hiểu về những dưỡng chất trong mỹ phẩm làm đẹp. Những bài viết hay video chia sẻ phải đúng kiến thức chuyên nghiệp mới mang lại hiệu quả thực sự. Chăm sóc da thì phải hiểu rõ từng vấn đề về da mới có thể gợi ý sản phẩm phù hợp cho khách hàng được”.
Chủ yếu dựa vào mạng xã hội, các beauty blogger phải chăm chút trang cá nhân thường xuyên để tạo được sự tương tác cũng như đầu tư trong từng hình ảnh, video để hấp dẫn người xem. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người ví đây là “nghề của con nhà giàu”, bởi số tiền bỏ ra cho mỗi video không hề ít.
“Nếu chỉ là bài viết rồi video đơn thuần cứ lặp đi lặp lại sẽ rất nhàm chán, mình phải thường xuyên thay đổi nội dung và mỗi clip quay cũng đầu tư hơn, với máy quay chuyên nghiệp, rồi ê kíp hỗ trợ… như vậy mới thu hút được khán giả theo dõi và tạo hình ảnh chuyên nghiệp. Nếu thực sự chịu đầu tư thì mỗi video chuyên nghiệp có thể lên đến gần cả chục triệu lượt xem”, beauty blogger Trinh Phạm (27 tuổi, sở hữu hơn 400.000 lượt theo dõi trên YouTube) cho hay.
Không chỉ chi tiền cho việc làm video, các beauty blogger còn phải chi khá nhiều tiền cho các loại mỹ phẩm trước khi có được tài trợ. Nhận được tài trợ từ các nhãn hàng là mong muốn của blogger, tuy nhiên đi kèm sự tài trợ hấp dẫn cũng có không ít ràng buộc: tên hoặc logo của nhãn hiệu phải xuất hiện trong các bài viết, video của blogger và khi nhận lời làm gương mặt đại diện độc quyền cho thương hiệu thì mọi hình ảnh, hoạt động của các blogger không được liên quan đến những công ty cùng mặt hàng khác.
Trinh Phạm kể: “Nếu công ty mỹ phẩm nào đó sử dụng nguyên liệu gây hại cho khách hàng, hoặc vi phạm quy định này kia rồi bị kiện cáo thì mình làm đại diện cũng sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, trước khi nhận lời một nhãn hàng mới, mình phải tìm hiểu kỹ và tốt nhất là phải trải nghiệm sản phẩm trước. Có lần mình được một công ty mời làm đại diện, vì công ty khá lạ và bận nhiều việc nên mình chần chừ chưa nhận lời, tháng sau nghe tin công ty bị phạt”. Đình Trọng cho biết thêm: “Mình review giày cũng không quá rườm rà như các bạn làm đẹp hay công nghệ. Tuy nhiên, mình cũng phải học cách nói chuyện hài hước, dí dỏm để tạo hứng thú nơi người xem...”.