Ngày 10-7, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2014 với niên độ ngân sách năm 2013. Vấn đề thu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hơn 408 tỷ đồng là điểm nóng nhất tại cuộc họp. Những tồn tại, lỗ hổng từ cơ chế chính sách đã được đưa ra mổ xẻ.
Kiểm toán Nhà nước bảo đúng, Sabeco nói không hợp lý
Theo KTNN, Công ty TNHH một thành viên thương mại Sabeco (công ty con 100% vốn của Sabeco) và các công ty cổ phần thương mại khu vực là những đơn vị thuộc hệ thống sản xuất, kinh doanh của cơ sở sản xuất là công ty mẹ, không phải là cơ sở thương mại độc lập (Công ty TNHH một thành viên thương mại Sabeco và công ty này bán cho 10 công ty cổ phần thương mại khu vực có vốn góp 90% - 95%). Do đó, Sabeco là đơn vị quyết định giá bán ra của các công ty thương mại khu vực, không phải là giá bán ra tại Công ty TNHH một thành viên thương mại Sabeco như Sabeco đang thực hiện. Với mô hình tổ chức như vậy, giá tính thuế TTĐB phải là giá bán ra của các công ty cổ phần thương mại khu vực và thuế TTĐB Sabeco phải nộp tăng thêm 408 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Sabeco, từ năm 2008 đến nay, Sebaco thực hiện việc kê khai, nộp thuế TTĐB với mặt hàng bia các loại theo Luật Thuế TTĐB và hướng dẫn tại Thông tư 05/2012/TT-BTC. Giá tính thuế được Sabeco ấn định cho từng loại sản phẩm căn cứ vào giá bán ra của Công ty TNHH một thành viên thương mại Sabeco - là đơn vị thu gom và trung gian phân phối sản phẩm bia tuân theo quy định không thấp hơn 10% giá bán của các công ty thương mại khu vực (đơn vị trực tiếp phân phối ra thị trường). Việc kê khai, nộp thuế cũng tuân theo các hướng dẫn Cục Thuế TPHCM, Tổng cục Thuế. Đáng chú ý trong đó là hướng dẫn của Tổng cục Thuế: “Sản phẩm bia được sản xuất dưới hình thức hợp tác kinh doanh giữa cơ sở sản xuất và và đơn vị sở hữu thương hiệu là Sabeco. Sau đó các cơ sở bán sản phẩm bia cho Công ty TNHH một thành viên thương mại Sabeco để bán cho các cơ sở kinh doanh thương mại thì giá tính thuế TTĐB là giá chưa có thuế TTĐB và chưa có thuế giá trị gia tăng mà Sabeco quy định cho Công ty TNHH một thành viên thương mại Sabeco bán ra nhưng không thấp hơn 10% so với giá bình quân do cơ sở kinh doanh thương mại bán ra. Các cơ sở sản xuất bia phải kê khai nộp thuế TTĐB”. Từ đó, Sabeco cho rằng đã thực hiện đúng luật và hướng dẫn.
Tại cuộc họp báo, vấn đề của Sabeco tiếp tục được các đại diện cơ quan thông tấn, báo chí đặt ra với KTNN. Trước câu hỏi của phóng viên Báo SGGP và một số cơ quan báo chí khác về việc có hợp lý trong việc truy thu thêm 408 tỷ đồng; có phải đang có sự hiểu khác nhau về cùng một luật, hướng dẫn; bà Trương Thị Nguyệt Hương, Kiểm toán trưởng Khu vực 4 cho rằng, mô hình như trên của Sabeco là một mô hình khép kín. Với mô hình này, Sabeco quyết định từ khâu nhập nguyên liệu đầu vào, giá mua tới giá bán ra và kể cả phần quyết định bán cho đại lý cấp 1.
Lợi nhuận cuối cùng của các công ty chuyển về cho Sabeco. Do đó KTNN xác định khâu cuối cùng tính thuế TTĐB là các công ty cổ phần thương mại. Cũng theo bà Hương, cơ sở tính thuế tương đối rõ và theo Thông tư 05 của Bộ Tài chính. KTNN cũng đã có ý kiến Bộ Tài chính sửa đổi cách tính thuế TTĐB cho phù hợp, trong đó nói rõ các công ty thương mại công ty con, độc lập để tính thuế. “Còn cách nhận thức về văn bản khi Sabeco hỏi thì Tổng cục Thuế trả lời cũng không khác Thông tư 05. Chúng tôi căn cứ vào cơ sở sản xuất, cơ cấu điều hành của Sabeco và Thông tư 05 mới đưa ra con số về truy thu thuế TTĐB với đơn vị này”, bà Hương nói. Đại diện KTNN cũng cho rằng, Sabeco có quyền có ý kiến khiếu nại và giải trình nhưng trước tiên phải thực hiện các kiến nghị của KTNN.
Theo ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, trước việc cùng một văn bản, người bảo đúng, người bảo không đúng về việc các công ty thương mại là độc lập hay phụ thuộc thì KTNN cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước để làm rõ vấn đề này vì còn nhiều doanh nghiệp có hoạt động tương đồng như Sabeco.
Sai phạm về tài chính liên tục, hết thuốc chữa?
Đánh giá về việc sử dụng ngân sách, KTNN cho rằng tình hình sử dụng ngân sách còn nhiều bất cập, lãng phí. Trả lời câu hỏi về việc tại sao tình trạng này vẫn diễn ra liên tục nhiều năm, ông Đinh Văn Nhã cũng băn khoăn, tại sao tình trạng như vậy không giảm song cũng cho rằng, các sai phạm vẫn xảy ra nhưng mức độ nghiêm trọng đã giảm nhiều theo như giám sát của ủy ban. Tuy nhiên, điều đáng lo là các sai phạm đó vẫn lặp đi lặp lại. Điều đó có thể xuất phát từ cơ chế chính sách của chúng ta dù đã có nhưng rất khó để xử lý. Chẳng hạn như chưa có cơ chế quy định cụ thể người sử dụng sai ngân sách thì xử lý như thế nào, trong khi đó luật lại không cho phép cắt dự toán của các cơ quan sử dụng sai cho năm sau. “Chúng tôi đang kỳ vọng các luật Quốc hội thông qua như Luật Đầu tư công sẽ giúp quản lý ngân sách của chúng ta sẽ chặt chẽ hơn, đảm bảo kỷ cương kỷ luật ngân sách tốt hơn”, ông Nhã nói.
Ở khía cạnh khác, kết quả kiểm toán năm 2014 cũng đưa ra kết luận liên quan đến cách điều hành giá xăng, với một số bất cập được đề nghị xử lý. Cụ thể, giai đoạn 2011-2013, một số doanh nghiệp đầu mối nhập xăng dầu không chấp hành đầy đủ quy định về hạn mức nhập khẩu xăng dầu và dự trữ lưu thông theo quy định. Do đó, KTNN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương kiểm tra và xử lý các đơn vị này cũng như những doanh nghiệp mua xăng không phải từ doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu để kinh doanh.
NGỌC QUANG