(SGGP).- Ngày 9-5, trả lời PV Báo SGGP về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) trước diễn biến của tình hình ô nhiễm môi trường trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, sẽ yêu cầu các tỉnh, thành phố rà soát lại tất cả các dự án có nguồn chất thải lớn và lượng xả nước thải lớn, đặc biệt là các nguồn thải có liên quan đến nguồn nước (sông và biển).
Cụ thể, phải lập trạm quan trắc chất lượng nước thải, chất thải một cách thường xuyên đối với các nhà máy đang xả thải lớn ra môi trường biển, môi trường sông cho đến khi những tồn tại liên quan đến sự cố môi trường được xác định; đảm bảo các nguồn thải của các doanh nghiệp đóng trên khu vực này trước khi xả ra môi trường phải được kiểm soát, công khai, thuận tiện cho hoạt động giám sát thường xuyên. Song song đó, Bộ TN-MT sẽ có kế hoạch thanh tra trên diện rộng chuyên đề về môi trường để chủ động phòng tránh các sự cố về ô nhiễm môi trường nguồn nước, ô nhiễm môi trường biển, ô nhiễm môi trường không khí, môi trường đô thị và môi trường nông thôn, có biện pháp hữu hiệu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại…
“Việc thanh tra, kiểm tra phải tiến hành toàn diện, bài bản từ việc thực hiện theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, đến việc xây dựng các trạm xử lý nước thải, rác thải ra sao và công tác vận hành, giám sát môi trường đối với các trạm này như thế nào… Kết quả kiểm tra cần phải được thông tin đến các cơ quan quản lý nhà nước, các phương tiện thông tin đại chúng và nhân dân được biết. Sau khi có kết quả kiểm tra, thanh tra phải kiên quyết xử lý nghiêm bất cứ tổ chức, cá nhân nào gây ô nhiễm môi trường. Nếu cố tình vi phạm, bộ sẽ đề nghị truy tố theo những quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Về các giải pháp lâu dài, bộ sẽ phải giải quyết “tận gốc rễ” các vấn đề về môi trường nhằm đảm bảo cho người dân có một cuộc sống trong lành, an toàn. Cụ thể, khẩn trương nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, điều chỉnh bổ sung các chính sách về quản lý môi trường như: tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường tiếp cận với các tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc tế; xã hội hóa tài chính trong công tác quản lý môi trường như hình thành ngành dịch vụ về môi trường, công cụ kinh tế môi trường (người gây ô nhiễm phải chi trả phí môi trường thật cao để khuyến cáo các doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ hiện đại, tiên tiến, sản xuất không gây ô nhiễm...).
ĐỨC TRUNG