Kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật lậu: Vẫn kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”

Tại cuộc họp về tình hình thuốc bảo vệ thực vật lậu và không nguồn gốc rõ ràng, bán trôi nổi trên thị trường vừa tổ chức ở Hà Nội, Bộ NN-PTNT khẳng định, đây là vấn đề rất nhức nhối, đáng báo động. Tuy nhiên việc kiểm tra chưa đến đâu, gây lãng phí, tốn kém và thậm chí có nhiều nơi còn thả nổi.
Kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật lậu: Vẫn kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”

Tại cuộc họp về tình hình thuốc bảo vệ thực vật lậu và không nguồn gốc rõ ràng, bán trôi nổi trên thị trường vừa tổ chức ở Hà Nội, Bộ NN-PTNT khẳng định, đây là vấn đề rất nhức nhối, đáng báo động. Tuy nhiên việc kiểm tra chưa đến đâu, gây lãng phí, tốn kém và thậm chí có nhiều nơi còn thả nổi.

        Người kiểm tra cũng không nắm được chủng loại thuốc

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là một trong những vật tư nông nghiệp quan trọng nhất, không chỉ gắn liền với hoạt động sản xuất mà còn liên quan tới vấn đề đảm bảo ATVSTP. Theo thống kê của Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), trong danh mục thuốc BVTV của nước ta có 1.800 hoạt chất được phép sử dụng. Từ số hoạt chất này, các doanh nghiệp sản xuất sẽ tạo ra hàng chục, thậm chí là hàng trăm ngàn loại thuốc BVTV với các tên thương mại khác nhau. Trong đó, phần lớn là thuốc nhập khẩu.

Phun thuốc trừ sâu cho cây giống. Ảnh: CAO THANH

Phun thuốc trừ sâu cho cây giống. Ảnh: CAO THANH

Hiện cả nước có 97 cơ sở sản xuất và 29.000 cửa hàng, đại lý được đăng ký, cấp chứng chỉ kinh doanh thuốc BVTV, số còn lại buôn bán nhỏ lẻ trong khu dân cư. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV, cho biết, mỗi năm cả nước có khoảng 70.000 tấn thuốc BVTV lưu thông trên thị trường. Qua kiểm tra, lượng thuốc BVTV kém chất lượng chiếm khoảng 10%. Đáng chú ý, còn có cả thuốc giả, ngoài danh mục vẫn lưu hành. Nhưng đây lại là mặt hàng mà lực lượng chức năng “ngại” bắt nhất. Một phần vì độc hại, nguyên nhân lớn nhất vẫn là do khâu lưu giữ, bảo quản hàng. Nhiều tỉnh, thành hiện không có nơi chứa, kinh phí để tiêu hủy loại sản phẩm độc hại này.

Trong lĩnh vực phân bón, Bộ NN-PTNT cho biết, hiện cả nước có trên 7.000 cơ sở sản xuất với khoảng 60.000 đại lý, cung cấp hơn 10,5 triệu tấn phân bón mỗi năm. Trong quá trình thanh, kiểm tra, số lượng phân bón giả, kém chất lượng vẫn được tiêu thụ khá nhiều ở khắp cả nước. Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết, hiện nay có rất nhiều loại sản phẩm phân bón, thuốc BVTV, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi… đang lưu hành trên thị trường. “Cấp phép nhiều khiến công tác quản lý gặp khó khăn. Bản thân người đi kiểm tra cũng không nắm được hết các loại trong danh mục thì biết kiểm tra như thế nào?”.

Cơ quan quản lý đã lúng túng như vậy, đến nông dân, người sử dụng trực tiếp tất nhiên cũng… bó tay về các loại thuốc BVTV cũng như phân bón đang được lưu thông trên thị trường hiện nay. Nhiều nông dân tâm sự, mỗi lần có nhu cầu mua thuốc BVTV thường đến cửa hàng kinh doanh thuốc để mua, tại đây người bán tư vấn luôn cho người mua loại gì, dùng như thế nào thì mua như thế, cũng chẳng biết thực chất nó có tác dụng ra sao, có độc hại, nguy hiểm không?

        Văn bản nhiều nhưng không quản nổi

Ông Nguyễn Xuân Hồng chia sẻ: “Nguyên tắc quản lý nhà nước là phải làm cho đến nơi đến chốn để doanh nghiệp “dè chừng” chứ không thể cứ làm nhiều lần, phạt vài triệu đồng rồi thôi thì không có hiệu quả”. Việc thanh, kiểm tra hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập. Có địa phương kiểm tra, lấy mẫu phân tích phải mất 10 ngày mới có kết quả. Khi phát hiện vi phạm, quay trở lại thì người dân hoặc cơ sở vi phạm đã bán hoặc tẩu tán hết số hàng đó. Nhưng nếu giữ lại ngay mà thiếu biện pháp xử lý nghiệp vụ, dẫn đến hư hỏng hàng hóa thì cũng “ngại” người dân bắt đền.

Theo Thanh tra Bộ NN-PTNT, hoạt động thanh, kiểm tra vật tư nông nghiệp hiện đang bị chồng chéo. Có những cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tiếp nhiều đoàn thanh, kiểm tra của sở công thương, sở NN-PTNT, sở KH-ĐT rồi các đoàn công tác của Bộ NN-PTNT nên cảm thấy phiền hà. Mặt khác, lực lượng thanh tra chuyên ngành cũng còn mỏng. Cả nước hiện có 61/63 tỉnh, TP đã thành lập chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản. Tuy nhiên, trung bình mỗi tỉnh, TP chỉ có 15 thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực này.

Lô thuốc bảo vệ thực vật lậu bị lực lượng thanh tra nông nghiệp TP Hà Nội bắt giữ hồi tháng 10-2013 tại huyện Ba Vì.

Lô thuốc bảo vệ thực vật lậu bị lực lượng thanh tra nông nghiệp TP Hà Nội bắt giữ hồi tháng 10-2013 tại huyện Ba Vì.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cũng nhận định, lúc thanh tra thì các cơ sở vi phạm làm ít hoặc rút vào hoạt động “bí mật”, thậm chí nằm im chờ qua đợt thanh tra lại làm tiếp. Do đó, hiệu quả của công tác này không cao, cần phải xem lại cách làm, nếu không vừa tốn tiền, vừa mất thời gian. Bằng chứng là hàng tháng, từ Bộ NN-PTNT đến các địa phương cũng tổ chức thanh, kiểm tra xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nhưng số cơ sở yếu kém, không đạt vẫn chiếm quá nửa.

Thời gian qua, để siết chặt lĩnh vực này, Bộ NN-PTNT đã tích cực ban hành các văn bản, quy phạm pháp luật xử lý hành vi vi phạm. Nhưng hiệu quả chưa rõ nét. “Chúng ta có cả “rừng” văn bản pháp luật nhưng không áp dụng được nhiều”- Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu thừa nhận. Để hạn chế chồng chéo, thanh tra bộ cũng như các cấp cục, vụ nên phân cấp và cấp kinh phí cho các địa phương chịu trách nhiệm chính trong thanh, kiểm tra, còn cấp bộ chỉ tập trung vào hậu kiểm. Có như vậy mới thực sự tạo ra hiệu quả.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục