Ngày 14-5, trao đổi với PV Báo SGGP về những căn nhà “3 chung” được phản ánh trong bài viết “Biến tướng nhà xây không phép” đăng trên trang 4 số báo ra ngày 14-5, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM và chính quyền địa phương đều cho rằng, đây là sự biến tướng của hành vi xây dựng trái phép cần được kiểm tra, làm rõ và chấn chỉnh để tránh thiệt hại cho người dân. Mặt khác, người dân cũng cung cấp cho chúng tôi thông tin một số vụ việc liên quan đến hành vi tiêu cực của một số cán bộ chính quyền địa phương, đã làm ngơ cho những căn nhà “3 chung” xây dựng ồ ạt…
Sai từ cấp phép xây dựng
Trong trường hợp của ông Trần Văn Đông và bà Trần Thị Tốc thực hiện giao dịch mua nhà và đất của ông Quách Đình Dũng bằng giấy tay như trong bài viết phản ánh được Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Quách Hồng Tuyến khẳng định là trái phép. Xem qua các giấy tờ liên quan, ông Tuyến chỉ ra hàng loạt sai sót về pháp lý của thủ tục cấp phép. Cụ thể, Giấy phép xây dựng số 230/GPXD ngày 23-1-2012 do Trưởng phòng QLĐT, thừa ủy quyền Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn ký là không đúng thẩm quyền, vì cấp phép xây dựng là thẩm quyền chung, không phải thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND huyện, nên không thể ủy quyền được. Mặt khác, việc cấp phép xây dựng trong khu tập trung dân cư nông thôn phải theo quy hoạch hoặc quy chế quản lý kiến trúc do UBND huyện ban hành. Việc cấp phép xây dựng theo kiến trúc phân lô là sai, vì ở khu vực nông thôn không thể cấp phép xây dựng cho những căn nhà chỉ vài chục mét vuông. Chưa kể, giấy phép xây dựng thể hiện lô đất có diện tích 892m² thuộc thửa 578 chỉ được phép xây 375,80m², trong khi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do UBND huyện Hóc Môn cấp ngày 7-1-2013 cho ông Bùi Duy Nghĩa và Lương Duy Kiên (đúng thửa 578) chỉ thể hiện 250m² đã được chuyển mục đích sử dụng. Như vậy, giấy phép xây dựng đã cho phép xây dựng nhiều hơn diện tích được chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở.
Một sự khó hiểu khác nữa là, giấy phép xây dựng do Phòng QLĐT cấp ngày 23-1-2012, sau đó ngày 2-7-2012 UBND huyện Hóc Môn ra quyết định chuyển mục đích sử dụng đất (Quyết định 4345/QĐ-UBND), trong khi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mãi đến ngày 7-1-2013 mới được cấp (!?). Tuy nhiên, theo ông Tuyến, các giấy tờ pháp lý mà người dân cung cấp chỉ là bản photocopy, để làm rõ việc này cần phải được kiểm tra, đối chiếu với bản chính tại UBND huyện Hóc Môn. Trước mắt, lãnh đạo sở sẽ chỉ đạo Thanh tra xây dựng kiểm tra, xử lý vụ việc mà báo phản ánh. Qua vụ việc này, ông Tuyến khuyên người dân không nên mua bán, giao dịch những căn nhà “3 chung” kiểu này, chắc chắn sẽ “tiền mất tật mang”.
Có hay không sự bao che của chính quyền?
Ông Phan Văn Sáu, ngụ ấp Tam Đông 2, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn khẳng định có sự bao che, tiêu cực của cán bộ ấp, cán bộ xã cho hàng trăm căn nhà “3 chung” ồ ạt mọc lên trong một thời gian ngắn. Trong khi gia đình ông và nhiều hộ dân trong ấp làm đơn xin cất căn chòi lá để người trồng rau trú nắng, trú mưa, UBND xã nhất định không cho. Thế nhưng, chỉ cần “chung chi” vài ba triệu đồng là cất thoải mái. Hiện trên địa bàn ấp Tam Đông 1, Tam Đông 2 có nhiều “cò” đất đến mua bán đất nông nghiệp bằng giấy tay rồi phân lô, chia nền bán qua nhiều người khác nhưng không thấy chính quyền xử phạt (?). Người dân rất bức xúc về tình trạng này và không biết kêu ai.
Chúng tôi tìm gặp lãnh đạo UBND xã Thới Tam Thôn để đề nghị trả lời về những vấn đề liên quan đến công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn thì được một cán bộ cho biết, ông Lê Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND xã mới được điều về huyện nhận công tác mới. Hiện xã chưa có chủ tịch, trong khi Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách quản lý đô thị Nguyễn Xuân Nam thì từ chối trả lời.
Ông Lê Tuấn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, sau khi bài báo đăng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện tiến hành kiểm tra làm rõ toàn bộ vụ việc trên địa bàn xã Thới Tam Thôn và sẽ trả lời cho cơ quan báo chí biết kết quả xử lý.
| |
Hoài Nam