Kiên Giang: Dân vùng lõm “khát” điện sinh hoạt

Hiện nay, tỷ lệ hộ sử dụng điện của tỉnh Kiên Giang khá ấn tượng khi đạt gần 98%. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ dân nói có điện nhưng thực tế họ sử dụng bằng hình thức “câu đuôi” (chia hơi) rất không an toàn, vừa trả phí khá cao.
Kiên Giang: Dân vùng lõm “khát” điện sinh hoạt

Hiện nay, tỷ lệ hộ sử dụng điện của tỉnh Kiên Giang khá ấn tượng khi đạt gần 98%. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ dân nói có điện nhưng thực tế họ sử dụng bằng hình thức “câu đuôi” (chia hơi) rất không an toàn, vừa trả phí khá cao.

Tuy không xa đường điện lưới quốc gia bao nhiêu nhưng trên đường đến ấp Hai Tỷ (có hơn 300 hộ dân sinh sống), xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng vẫn thấy nhiều dây điện chia hơi kéo chằng chịt đầy nguy hiểm. Bà con nơi đây cho biết, thực trạng này đã tồn tại hơn 10 năm vì lưới điện an toàn chưa được đầu tư đến ấp. Theo ông Nguyễn Danh Hiền, ngụ ấp Hai Tỷ, để có được đường điện chia hơi phải tốn hơn 1 triệu đồng mua cột điện và đường dây. Tuy chỉ thắp sáng và xem tivi cũng phải trả gần 200.000 đồng/tháng. Đặc biệt, việc sử dụng nguồn điện này luôn không an toàn, nhất là vào mùa mưa.

Ông Nguyễn Thanh Vân, Phó Trưởng ấp Hai Tỷ, xã Ngọc Hòa, than thở: “Biết sử dụng không an toàn, vào ban đêm nếu đứt dây phải tự đi nối; hay những cây tràm nhỏ được dựng làm trụ cũng rất dễ ngã nhưng đành chịu chứ không còn cách nào khác hơn để có điện thắp sáng và các cháu học bài. Ngoài ra, bà con còn trả phí rất cao, do chủ đồng hồ tính thêm tiền hao hụt…”.

Kéo dây trên những “trụ điện” thế này không an toàn

Không chỉ thiếu điện ở vùng lõm, vùng sâu, vùng xa, thực trạng này còn diễn ra ngay ở vùng đô thị, như thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành hiện cũng có cả trăm hộ gia đình chưa điện lưới quốc gia sử dụng nên buộc phải góp tiền để kéo điện vượt sông, tốn chi phí rất nhiều. Một số hộ khác phải mua lại điện với giá cao hơn gấp chục lần hoặc sử dụng đèn dầu.

Theo ông Phạm Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Kiên Giang, những giải pháp kéo điện lưới rộng khắp trong tỉnh cũng được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn chế nên chưa thực hiện được một sớm một chiều. Hiện nay, chỉ ở những trục đường chính về tận trung tâm các xã, thị trấn trong đất liền, cơ bản điện lưới quốc gia đã phủ kín.

Hy vọng trong thời gian sớm nhất, tình trạng thiếu điện lưới quốc gia ở các vùng lõm sẽ được giải quyết triệt để.

VĨNH THUẬN

Tin cùng chuyên mục