Kiên Giang xuất hiện dịch cúm gia cầm

  • 41 xã, phường, 17 huyện thuộc 4 tỉnh có dịch
  • 20,2 triệu USD phòng chống dịch cúm gia cầm
  • Có thể gia hạn cấm ấp nở thủy cầm sau ngày 28-2

Ngày 9-1, Cục Thú y đã chính thức xác nhận, thêm tỉnh Kiên Giang có dịch cúm gia cầm (DCGC). Dịch phát ra tại ấp Vĩnh Hùng, xã Vĩnh Tuy huyện Gò Quao, gây chết 40 con vịt trên tổng đàn 1.240 con (2 tháng tuổi). Kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm H5N1. Như vậy, hiện nay DCGC xảy ra ở 41 xã, phường, 17 huyện thuộc 4 tỉnh chưa qua 21 ngày là Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang và Kiên Giang. 

Trong cuộc họp chỉ đạo triển khai công tác chống DCGC tại Hà Nội, hôm 9-1, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho biết, Bộ NN-PTNT đang nghiên cứu xem xét gia hạn việc cấm ấp nở thủy cầm sau ngày 28-2-2007.  Hiện nay, nguy cơ lây lan dịch trên diện rộng ở đồng bằng sông Cửu Long là rất cao.

Trong khi đó, các địa phương khác, nguy cơ tái phát DCGC có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương từ nay đến Tết Đinh Hợi phải thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm. Đẩy nhanh công tác tiêm phòng để hoàn tất diện phải tiêm phòng trước Tết; siết chặt công tác vận chuyển, tiêu thụ và giết mổ gia cầm giữa các địa phương; tiến hành tiêu độc khử trùng nơi chăn nuôi và giết mổ theo đúng quy định.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, trong 3 ngày qua, Cà Mau có thêm gần 1.000 gia cầm chết và nhiễm bệnh. Như vậy đến hết ngày 8-1, Cà Mau có tất cả 24 xã, phường và 3 thị trấn có gia cầm nhiễm cúm H5. Số gia cầm chết và mắc bệnh cúm H5 bị tiêu hủy đã gần 17.000 con.

Tại Bạc Liêu, trong ngày 8-1, Chi cục Thú y đã tiêu hủy 1.057 vịt mắc bệnh tại 3 huyện Phước Long, Đông Hải và Giá Rai và 44 vịt nuôi mới tại phường 8, thị xã Bạc Liêu.

Được triển khai từ ngày 2-1, đến nay toàn TP Cần Thơ đã tiêm phòng hơn 141.000 lượt con gia cầm. Dự kiến, đến cuối tuần này ngành thú y sẽ dứt điểm tiêm mũi thứ 1, sau đó tiếp tục tiêm mũi thứ 2 cho đối tượng gia cầm tiêm phòng bổ sung.

Ban chỉ đạo phòng chống DCGC tỉnh Long An đã yêu cầu các tiểu ban phải báo cáo gấp trang thiết bị, dụng cụ bảo hộ, thuốc để có thể bổ sung đầy đủ khi có dịch xảy ra; Tổ chức tập huấn cho các bác sĩ hệ điều trị sử dụng máy thở trong tháng giêng.

Ngoài ra, tiểu ban dự phòng cần phải có giải pháp hữu hiệu nhất về việc trực và xử lý khi có dịch ở cửa khẩu biên giới Bình Hiệp- Mộc Hóa. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Long An cũng đã thiết lập đường dây nóng để báo dịch: 072.826497 - 072.825011- 0913.656008.

* Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện 1 điểm nhập gia cầm trái phép tại cầu Bàu Giang - nơi UBND tỉnh đã nghiêm cấm tập trung mua cầm bán gia cầm. Đàn vịt này trên 1.000 con, có nguồn gốc từ xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp – được bán cho Nguyễn Văn Đông ở tổ 16, phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi - nhưng chưa kiểm dịch. Được biết, ông Đông vừa bị Chi cục Thú y tỉnh phạt 1 triệu đồng vì  kinh doanh gia cầm trái phép.

* Sáng 9-1, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với đoàn công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ 1.050kg gà Trung Quốc nhập lậu, do khoảng 20 người gánh thuê. Đây là hình thức vận chuyển gà lậu khá phổ biến hiện nay tại Lạng Sơn. Toàn bộ số gà trên đã được giao cho chi cục thú y thiêu huỷ ngay trong ngày.

NHÓM PV

Ngày 9-1, tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, Bộ Y tế phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã phát động chiến dịch tuyên truyền phòng chống dịch cúm gia cầm (DCGC) và đại dịch cúm ở người trên phạm vi toàn quốc.

Tại lễ phát động, Bộ Y tế đã yêu cầu, từ nay đến Tết Nguyên đán, các địa phương cần coi công tác phòng chống DCGC là nhiệm vụ hàng đầu, vì nếu lơ là, hoàn toàn có thể làm bùng phát đại dịch cúm A H5N1 ở người.

Các địa phương cần tập trung vào công tác tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức của người dân trong việc vận chuyển, giết mổ gia cầm, vệ sinh chuồng trại... Người dân không được chủ quan, cần thực hiện nghiêm túc các quy định về vệ sinh và an toàn vệ sinh thực phẩm như không ăn các thực phẩm gia cầm chưa được nấu chín, chưa rõ nguồn gốc, rửa tay thường xuyên.


- Mỗi ngày có khoảng 450 con gia cầm vào TPHCM qua “ngõ” Long An

Tin cùng chuyên mục