TPHCM cũng đề xuất bổ sung một chức năng quan trọng của biển là phục vụ sinh hoạt cộng đồng dân cư phù hợp với tình hình phát triển của từng địa phương; bổ sung các thông tin, dữ liệu điều kiện tự nhiên trên các vùng đất ven biển, nội thủy, vùng trời, vùng biển và hải đảo của Việt Nam, bao gồm về địa hình, địa mạo, cấu trúc địa chất, độ sâu đáy biển, khí tượng, chế độ thủy hải văn, sóng, dòng triều, hải lưu... và đặc điểm đặc trưng của mỗi vùng; đánh giá những mâu thuẫn trong thực trạng khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển giữa các ngành; xác định mức độ ảnh hưởng, tác động của sự gia tăng xâm nhập mặn đến các nguồn tài nguyên; xác định mức độ ảnh hưởng, tác động của ngập lụt và xói lở bờ biển đến các nguồn tài nguyên.
Ngoài ra, thành phố cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét thêm các tác động khác của biến đổi khí hậu đối với tài nguyên và môi trường trên vùng đất ven biển, vùng biển, vùng trời của Việt Nam; đánh giá những cơ hội và thách thức của Việt Nam trong việc bảo tồn, bảo vệ các hệ sinh thái, tài nguyên sinh vật và các giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử của đất nước trước những thách thức, diễn biến mới và phức tạp trên biển Đông…
Theo UBND TPHCM, Cần Giờ là huyện ven biển duy nhất của thành phố có rừng ngập mặn, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, đan xen với hệ thống sông rạch dày đặc chứa đựng các hệ sinh thái mang tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động thực vật đặc hữu của miền duyên hải Việt Nam, phù hợp trong việc phát triển về kinh tế biển như du lịch, thủy sản, hàng hải, đô thị sinh thái và an ninh quốc phòng.