Báo SGGP số ra ngày 28-2 có bài “Xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè - Cần cuộc “ra quân” trường kỳ”, phản ánh sự quyết liệt của TPHCM trong việc xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè cũng như sự đồng tình ủng hộ của người dân. Nhưng liệu cơ quan chức năng có “đánh trống bỏ dùi”, làm theo kiểu phong trào, rồi đâu lại vào đấy? Trả lời câu hỏi này, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông (ATGT) TPHCM Nguyễn Ngọc Tường khẳng định: Sẽ “đòi” vỉa hè cho người đi bộ ở tất cả các tuyến đường.
* PHÓNG VIÊN: Với tư cách là cơ quan tham mưu, giúp việc UBND TPHCM về trật tự ATGT, ông thấy việc giữ gìn trật tự vỉa hè ở các địa phương như thế nào?
- Ông Nguyễn Ngọc Tường: Thời gian qua, Ban ATGT TP thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, nhắc nhở các sở ngành, quận huyện thông qua các kế hoạch hàng năm, kế hoạch chuyên đề báo cáo hàng tháng, hàng quý về công tác giữ gìn trật tự lòng đường, vỉa hè. Các quận huyện đều có chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đối với các tuyến đường trên địa bàn. Nhiều quận huyện đã kẻ vạch sơn trên vỉa hè để giới hạn phạm vi được buôn bán cho các hộ kinh doanh. Hiện nay, các quận huyện đều đã có tổ chức đội Quản lý trật tự đô thị, đội Cảnh sát trật tự, cùng các lực lượng thuộc phường, xã, để thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.
Tháo dỡ diện tích lấn chiếm vỉa hè ở quận 1, TPHCM
* Theo kế hoạch, tuần này UBND TP sẽ họp bàn về việc lập lại trật tự vỉa hè trên toàn địa bàn TP. Trên cơ sở nhân sự để thực thi nhiệm vụ của các địa phương đã đảm bảo, Ban ATGT sẽ tham mưu gì cho UBND TP?
- Ban ATGT đã kiểm tra, khảo sát 4.869 tuyến đường trên địa bàn TP. Trong số này có đến 2.598 tuyến đường không có vỉa hè. Còn lại 2.271 tuyến đường có vỉa hè. Đặc biệt, Ban ATGT đã lập các đoàn đi kiểm tra công tác đảm bảo trật tự vỉa hè ở 159 tuyến đường mà các quận huyện đã ký cam kết đảm bảo giữ thông thoáng. Có thể thấy thế này, vỉa hè là không gian công cộng dành cho người đi bộ. Luật Giao thông đường bộ cũng như các bộ luật khác liên quan đã quy định rõ ràng. Do vậy, ai lấn chiếm thì sẽ bị xử lý theo luật định. TPHCM đã quy định cụ thể những tuyến đường người dân được phép sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh nhằm phục vụ nhu cầu mưu sinh và tuyến đường nào do vỉa hè quá nhỏ, tuyệt đối không được lấn chiếm. TPHCM cũng đã chỉ đạo các quận huyện phải quy hoạch, sắp xếp lại chỗ buôn bán cho người dân. Tình, lý đều đã có đủ thì việc lập lại trật tự vỉa hè phải được thực hiện nghiêm.
Để làm được như vậy, trách nhiệm của địa phương rất quan trọng, nhất là người đứng đầu các quận huyện phải chịu trách nhiệm chính trong việc này. Lãnh đạo các quận huyện phải phân công người cụ thể xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Ban ATGT sẽ kiến nghị UBND TP, nếu cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì phải xử lý trách nhiệm lãnh đạo quận huyện. Xử lý bằng nhiều hình thức như phê bình, nhắc nhở nếu tiếp tục không hoàn thành có thể cách chức. Phải xử lý nghiêm lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ thì mọi việc mới chuyển biến được. Ban ATGT cũng sẽ kiến nghị triển khai “đòi” lại vỉa hè ở tất cả các tuyến đường.
* Phát biểu trước một số cơ quan báo chí, Ban ATGT cho biết sẽ đề nghị UBND TP cho các quận huyện (khác) lùi thời gian lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường mà không nối tiếp quận 1 triển khai làm luôn. Luật đã có, tinh thần ủng hộ của người dân đối với hành động này đang rất mạnh. Tại sao không làm luôn?
- Mục đích để bà con có nhà ở mặt tiền đường bố trí, sắp xếp lại hàng hóa từ mí cửa nhà trở vào trong, còn từ mí cửa nhà trở ra tuyệt đối phải dành cho người đi bộ. Ngoài ra, cũng để cho địa phương có thể rà soát những tuyến đường có vỉa hè rộng trên 3m. Nếu được, có thể kẻ vạch, cho phép người dân sử dụng tạm một phần để xe cho khách đến giao dịch.
Tất nhiên, phải ưu tiên mọi sự thuận lợi cho người đi bộ. Vì vậy, Ban ATGT kiến nghị TP cho thời gian 1-2 tháng để các quận huyện tuyên truyền nhắc nhở, làm cam kết không lấn chiếm vỉa hè đối với những hộ thường xuyên lấn chiếm. Cũng là để cho các hộ kinh doanh có thời gian sắp xếp lại việc buôn bán. Sau thời gian này, các địa phương phải tăng cường xử lý, xử phạt và cương quyết xử lý nghiêm tất cả các trường hợp cố tình lấn chiếm.
* Lãnh đạo TP đã từng yêu cầu các quận huyện cam kết giữ trật tự vỉa hè nhưng vỉa hè vẫn bị lấn chiếm. Ông có tin tưởng lần này TP sẽ “đòi” lại được vỉa hè cho người đi bộ?
- Tôi nghĩ, giao Chủ tịch UBND các quận huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP về việc đảm bảo trật tự lòng, lề đường, vỉa hè trên địa bàn; xem xét giải quyết, xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch phường, xã, thị trấn không hoàn thành trách nhiệm. Các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ, thường xuyên xử phạt thì vỉa hè TPHCM sẽ thông thoáng.
QUỐC HÙNG