Kiến nghị giữ lại các hạng mục bảo tồn Thương xá Tax

(SGGP). - Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM vừa báo cáo một số vấn đề liên quan đến định hướng bảo tồn cảnh quan và kiến trúc công trình của Thương xá Tax, đồng thời trình UBND TPHCM về phương án quy hoạch kiến trúc và bảo tồn một số hạng mục của công trình này.

(SGGP). - Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM vừa báo cáo một số vấn đề liên quan đến định hướng bảo tồn cảnh quan và kiến trúc công trình của Thương xá Tax, đồng thời trình UBND TPHCM về phương án quy hoạch kiến trúc và bảo tồn một số hạng mục của công trình này.

Cụ thể, về định hướng bảo tồn cảnh quan khu vực, theo Sở QH-KT, với định hướng của TP là các công trình tại khu trung tâm (quanh ngã tư Lê Lợi - Nguyễn Huệ như Thương xá Tax, tòa nhà Eden, khách sạn Rex…) được khống chế chiều cao nhằm bảo tồn không gian thấp tầng tại khu vực và hài hòa với các công trình lịch sử như trụ sở UBND TP, Nhà hát TP, dự án Thương xá Tax hiện nay có tòa nhà Thương xá Tax cũ thuộc khối bệ có quy mô khoảng 6 - 7 tầng, cao 25 - 26m; khối tháp xây dựng mới có quy mô 40 tầng, cao 152m bố trí về phía góc đường Pasteur - Lê Lợi, lùi cách ranh lộ giới đường Nguyễn Huệ tối thiểu 50m, đảm bảo bán kính khống chế xây dựng cao tầng (lấy tâm từ trụ sở UBND TP và Nhà hát TP) với góc tới hạn 30 - về phía đường Nguyễn Huệ.

Còn về định hướng bảo tồn kiến trúc công trình, theo Sở QH-KT, năm 2005, UBND TPHCM đã đồng ý với đề xuất của Sở QH-KT là Thương xá Tax hiện hữu là hình ảnh quen thuộc đối với người dân Sài Gòn từ trước đến nay nên phương án thiết kế khối đế có thể giữ lại hình thức kiến trúc ban đầu, nhưng có sự cách tân phù hợp hiện tại.

Từ định hướng này, đối với các hạng mục bảo tồn cụ thể, khi nhà đầu tư có phương án thiết kế sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét, lấy ý kiến với các tổ chức nghề nghiệp, xã hội để báo cáo với UBND TP quyết định.

Cùng với đó, Sở QH-KT cũng đã trình UBNDTP xem xét chấp thuận các nội dung về hạng mục, giải pháp bảo tồn Thương xá Tax để nhà đầu tư đưa vào nghiên cứu ngay trong quá trình lập phương án thiết kế. Cụ thể, các hạng mục cần bảo tồn bên trong là: không gian sảnh chính (không gian thông tầng, ít nhất 2 tầng). Cầu thang chính đi từ tầng trệt lên lầu 1, các phần trang trí lót gạch mosaic trong không gian sảnh và cầu thang, các chi tiết trang trí, tay vịn, lan can có từ thời kỳ đầu. Còn phần bên ngoài sẽ bảo tồn mái đua che nắng dọc vỉa hè; các đường nét, nhịp điệu của kiến trúc khối bệ thời kỳ đầu trên mặt đứng khối bệ (nhất là góc đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ).

Ngoài các hạng mục trên, nhà đầu tư có thể chủ động đề xuất các hạng mục khác nhằm tăng giá trị lịch sử, thẩm mỹ, kiến trúc cho công trình. Liên quan đến giải pháp bảo tồn, Sở QH-KT đề xuất theo hướng giữ lại các hạng mục cần bảo tồn và tích hợp vào công trình mới tại vị trí phù hợp; phục chế, bổ sung, các chi tiết bị hỏng, thiếu ở phần bên trong công trình.

Sở QH-KT cho biết, từ khi khởi công và xây dựng đến nay, Thương xá Tax đã trải qua 4 thời kỳ thay đổi chính về hình thức kiến trúc và chức năng. Do đó, mặt đứng Thương xá Tax ngày nay đã không còn giữ được hình thức, vật liệu, chi tiết trang trí thời kỳ đầu cách đây 92 năm.

Hiện nay, dự án tại Thương xá Tax cũng đã tích hợp thêm tháp thông gió ga Nhà hát TP (tuyến Metro số 1). Tuy nhiên, vị trí tháp thông gió này cũng không thuộc phạm vi tòa nhà Thương xá Tax cũ.

NHUNG NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục