Theo đó, về diện tích tách thửa có hình thành đường giao thông: cần phải có quy định cụ thể các trường hợp được tách thửa đất ở; trong đó có quy định phạm vi diện tích khu đất được tách thửa và các trường hợp cần phải lập dự án đầu tư. Quy định cụ thể về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (đối với khu đất có diện tích lớn), chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất ở theo đúng hạn mức, đáp ứng đủ nhu cầu và quyền lợi chính đáng của người dân.
Đồng thời, bổ sung các chức năng được phép tách thửa đất ở có hình thành đường giao thông; đối với các khu vực chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch điểm dân cư nông thôn tỷ lệ 1/2000 thì không cho phép tách thửa đất ở có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật. Văn bản trên cũng đề xuất UBND TPHCM kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, hướng dẫn cụ thể hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung tách thửa đất ở có hình thành đường giao thông nhằm đảm bảo công tác cấp phép xây dựng, thực thi quy hoạch đúng các quy định pháp luật, tránh chồng chéo giữa Luật Xây dựng và Luật Đất đai. Trong đó, hướng dẫn cần nêu rõ loại hình, quy mô, cách thức lập thẩm định, phê duyệt phương án đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với tách thửa đất ở có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật.
Theo lý giải của Sở QH-KT TPHCM, sau một năm triển khai thực hiện Quyết định 60 của UBND TPHCM về việc tách thửa, đối với quy định tách thửa đất ở có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật, bên cạnh đáp ứng nhu cầu có thật của người dân thì cũng xuất hiện nhiều bất cập. Cụ thể, việc không khống chế diện tích lô đất được phép tách thửa sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thu gom đất, chuyển mục đích đất ở để thực hiện các thủ tục theo Quyết định 60, nhằm né tránh thực hiện các dự án đầu tư.
Vấn đề này hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Xây dựng và Bộ TN-MT. Nếu không xử lý tốt vấn đề trên sẽ hình thành xu thế đầu tư mới - không chính quy, không thực hiện dự án mà thực hiện tách thửa phân lô bán nền tràn lan, ảnh hưởng lớn đối với người dân nhận chuyển nhượng các lô đất mà không bảo đảm hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội, sau này buộc nhà nước phải đứng ra giải quyết những vấn đề này. Ngoài ra, các quy hoạch điểm dân cư nông thôn có các loại đất như đất nhà ở kết hợp sản xuất, đất thổ vườn, đất ở nông thôn… có chức năng ở và thuộc kế hoạch sử dụng đất là đất ở, chưa được quy định rõ trong Quyết định 60. Đối với trường hợp các khu đất nằm trong khu vực chưa có quy hoạch chi tiết 1/2000, hoặc quy hoạch phân khu 1/2000, hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn, đã được cơ quan nhà nước phê duyệt thì căn cứ quy hoạch sử dụng đất đã duyệt để giải quyết.
Tuy nhiên, nếu các trường hợp này được giải quyết tách thửa đất ở có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật sẽ không đủ cơ sở để xem xét và nếu thực hiện sẽ làm phá vỡ quy hoạch đô thị, thiếu kết nối hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, khó khăn trong quá trình thực thi và quản lý quy hoạch sau này.