Kiến nghị thành lập Ban giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Một số ý kiến đề nghị đổi mới bộ máy thì mặt trận phải làm tốt nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng chính sách, pháp luật; thực hiện tốt việc đối thoại với nhân dân…
Các đại biểu dự hội nghị
Các đại biểu dự hội nghị

Ngày 25-8, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý Đề án trình Bộ Chính trị "Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam".

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, bên cạnh những ưu điểm, hiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã bộc lộ một số hạn chế, tồn tại. Một số nhiệm vụ quan trọng nhưng chưa có ban chuyên môn chuyên trách nào theo dõi thực hiện; chưa phát huy được hiệu quả của các hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam…

Do đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị về "Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam" nhằm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ công tác Mặt trận trong tình hình mới, khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay.

Bên cạnh những nội dung kế thừa thì đề án có một số điểm bổ sung, đổi mới. Đơn cử như đổi tên Ban Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thành Ban Dân chủ - Giám sát - Phản biện xã hội. Lý do là vì giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay nhưng hiện tại chưa có ban, đơn vị chuyên trách theo dõi, thực hiện nhiệm vụ này. Nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội có liên quan rất chặt chẽ, mật thiết với các nhiệm vụ khác trong công tác đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Kiến nghị thành lập Ban giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam ảnh 1 Hội thảo MTTQ ngày 25-8

Dự thảo cũng đổi tên Ban Phong trào. Hiện nay có 2 phương án, đổi thành “Ban vận động xã hội” hoặc “Ban xây dựng cộng đồng”. Ban này sẽ tham mưu thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động mang tính toàn dân. MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, không có hội viên, đoàn viên mà chỉ có thành viên tổ chức và thành viên cá nhân. Do đó, việc vận động xã hội của MTTQ Việt Nam không thể thực hiện trực tiếp đến các tầng lớp nhân dân, mà chỉ gián tiếp thông qua các tổ chức thành viên để vận động các hội viên, đoàn viên tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Vì vậy cần có sự liên kết công tác tập hợp đoàn kết, hoạt động của các thành viên của Mặt trận với công tác vận động xã hội…

Thảo luận tại hội thảo, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tán thành với những dự kiến bổ sung, đổi mới mà đề án đưa ra. Việc đổi mới cần bảo đảm Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời phải làm tốt nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội. Ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, MTTQ cần làm thật tốt nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, đó là điều mà nhân dân mong mỏi nhất. “Nên thành lập một ban mới lấy tên là Ban Giám sát và phản biện xã hội. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để thực hiện vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, ông Đỗ Duy Thường kiến nghị.

Kiến nghị thành lập Ban giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam ảnh 2 Hội thảo góp ý Đề án "Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam"

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, Mặt trận phải nhận thức rõ về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình. Mặt trận phải quyết tâm làm những việc mà chỉ có Mặt trận mới làm được, đó là gần gũi, sâu sát với các tầng lớp nhân dân để phản ánh ý kiến, kiến nghị tới Đảng, làm cho Đảng hiểu được lòng dân.

“Trong giai đoạn hiện nay, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội nên tập trung vào những nhiệm vụ mà nhân dân mong mỏi nhất, đó là kinh tế xã hội phát triển, tham nhũng tiêu cực ít đi. MTTQ Việt Nam cần phối hợp với các tổ chức thành viên để quan tâm nắm bắt tình hình nhân dân ở khu dân cư, từ đó tạo được sự thống nhất về nhận thức để nhân dân hiểu Đảng, hiểu Mặt trận và Đảng cũng có thêm cơ sở để hiểu dân”, ông Phạm Thế Duyệt nói.

Còn theo ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, nguyên Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, khi hoàn thiện bộ máy chuyên trách của mặt trận, thì hoạt động của bộ máy giúp việc thông qua các Hội đồng tư vấn cũng cần được hoàn thiện, cần chú ý thu hút và tập hợp các chuyên gia khoa học, trí thức, để tập hợp trí tuệ của nhân dân thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mặt trận.

Kiến nghị thành lập Ban giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam ảnh 3 Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến (phải) và các đại biểu

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, dự kiến tháng 12-2022, Bộ Chính trị sẽ xem xét phê duyệt chức năng nhiệm vụ tổ chức bộ máy của cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới.

Qua thảo luận cho thấy, để đáp ứng yêu cầu giám sát, phản biện xã hội trong giai đoạn hiện nay, một số ý kiến đề nghị thành lập Ban giám sát - phản biện xã hội để thực hiện nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và nhân dân giao phó cho mặt trận.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho biết, đề án sẽ làm rõ vai trò của Hội đồng Tư vấn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhằm lựa chọn nhiều hơn nữa những người tâm huyết, trách nhiệm và sẵn sàng đóng góp sức mình cho hoạt động của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay.

Tin cùng chuyên mục