Năm 2012, TPHCM đã đạt và vượt chỉ tiêu kéo giảm số vụ, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông (TNGT). Tuy nhiên, ở góc độ khác, TPHCM vừa xóa được 22/25 điểm đen TNGT của năm 2011, nhưng ngay sau đó trên địa bàn TP lại phát sinh thêm 16 điểm mới… khiến người dân lo ngại không ít về tính bền vững của các kết quả này. Để tìm câu trả lời, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông (ATGT) TPHCM.
* Phóng viên: Thưa ông, tại sao trên địa bàn TPHCM lại phát sinh thêm nhiều điểm đen TNGT đến vậy?
* Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: Sở GTVT cùng Ban ATGT TP, Công an TPHCM và các đơn vị liên quan đang tiến hành khảo sát để tìm nguyên nhân chính dẫn đến TNGT tại các điểm đen, qua đó đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để từng bước xóa bỏ các điểm đen này. Cụ thể, TP đã tiến hành lắp đặt các dải phân cách để tách làn xe 2 bánh với làn xe 4 bánh ở các tuyến đường chính của nội đô và các tuyến quốc lộ kết nối TPHCM với các địa phương khác.
Kinh nghiệm xử lý một số điểm đen về TNGT trước đây cho thấy, sử dụng dải phân cách tách bạch được làn xe 2 bánh và làn xe 4 bánh sẽ làm giảm đáng kể số vụ TNGT gây chết người. Để nhập chung hoặc chỉ dùng vạch kẻ đường, trong bối cảnh ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế, rất dễ xảy ra tình huống các loại xe lấn làn của nhau và gây tai nạn. Thậm chí, chỉ một va quẹt nhỏ giữa những người đi xe gắn máy 2 bánh cũng có thể xảy ra chết người nếu như những người này vô tình té ngã vào làn đường của xe 4 bánh và tài xế xe 4 bánh xử lý không kịp…
* Hiệu quả của việc lắp đặt dải phân cách cứng trên nhiều tuyến đường nhằm hạn chế TNGT hay một số biện pháp mà TPHCM đã áp dụng để lặp lại trật tự ATGT là không thể phủ nhận. Thế nhưng, các điểm đen TNGT mới vẫn còn tiếp tục xuất hiện. Phải chăng còn bất cập ngay trong việc tổ chức giao thông hiện nay?
* Ban ATGT TPHCM cũng đã nghĩ đến vấn đề này. Song song với việc rà soát cụ thể lại tất cả những điểm đen TNGT mới xuất hiện, Ban ATGT cùng nhiều sở ngành liên quan đang xem xét đến một số bất cập trong việc tổ chức giao thông. Đơn cử, trong nội đô TP có nên cho làn xe tải nằm giữa làn ô tô du lịch và làn xe gắn máy 2 bánh? Bởi lẽ xe tải do cồng kềnh rất dễ va quẹt và gây tai nạn người đi xe gắn máy 2 bánh. Thực ra, ngành giao thông cũng có lý do để sắp xếp như vậy, đó là xe du lịch thường có tốc độ nhanh hơn xe tải. Cho xe du lịch đi ở vị trí ấy, vừa tạo điều kiện cho xe đi nhanh hơn vừa tránh cho xe du lịch do đi nhanh va quẹt vào người đi xe gắn máy 2 bánh. Thế nhưng, điều đó có lẽ chỉ thích hợp trên các tuyến quốc lộ, còn trong nội đô, nơi xe du lịch chỉ có thể chạy với tốc độ 30-40km/giờ, có lẽ không phù hợp. Tốc độ này, cùng với sự gọn nhẹ của xe du lịch sẽ an toàn hơn cho người đi xe gắn máy 2 bánh so với xe tải. Chính vì vậy, Ban ATGT cùng các cơ quan liên quan đang nghiên cứu vấn đề này và sẽ mạnh dạn kiến nghị TP tổ chức lại việc phân làn xe trong nội đô. Tinh thần là xem xét lại mọi vấn đề, thậm chí những vấn đề mang tính luật định. Điều gì chưa phù hợp sẽ kiến nghị điều chỉnh, với quyết tâm giữ ổn định và tốt hơn thành tích đã đạt được, vì sự an toàn của người tham gia giao thông.
* Bên cạnh việc còn nhiều điểm đen TNGT mới xuất hiện, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán hầu như không được cải thiện đáng kể là một nỗi lo khác của người dân về tình hình ATGT ở TPHCM…
* Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán đúng là vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ở những nơi có chợ tự phát. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Ban ATGT TPHCM vẫn có nhiều trục đường như đường Bạch Đằng ở quận Bình Thạnh, đường Trường Chinh ở quận Bình Tân… cơ bản liên tục giữ được trật tự. Sắp tới, Ban ATGT TPHCM và các quận, huyện sẽ họp đánh giá lại công tác này, tìm nguyên nhân và đề xuất giải pháp xử lý. Đây là vấn đề hết sức phức tạp vì liên quan trực tiếp đến cuộc sống của nhiều người, đến bộ máy, con người thực thi nhiệm vụ ở địa phương. Hiện nay, nhiều địa phương quá tải trong công tác quản lý đô thị nói chung và trật tự ATGT nói riêng. Muốn chấm dứt tình trạng lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ: tăng cường bộ máy kiểm tra, giải quyết công ăn việc làm cho người mưu sinh bằng cách buôn bán trên lòng, lề đường, tuyên truyền và vận động mọi người dân cùng nhau ý thức giữ gìn trật tự lòng lề đường, mỗi hộ dân phải thực hiện tự quản khu vực trước cửa nhà mình, hình thành thêm nhiều liên hộ dân cư tự quản, tổ tự quản, khu tự quản…
| |
AN NHIÊN