Không gian đầy cây xanh, hoa, nước và gió; đưa cây tre, một loài cây biểu tượng của Việt Nam vào làm vật liệu xây dựng công trình… Những điều ấy được kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhà Gió và Nước, thể hiện nhuần nhị qua mỗi tác phẩm của mình.
Gặp anh vào một chiều cuối tháng 12, thời gian trò chuyện là khoảng thời gian anh vừa dứt khỏi công việc để chuẩn bị ngồi thiền, tuy không nhiều nhưng cũng đủ để hiểu quan điểm của anh về kiến trúc. Anh chia sẻ: “Nghề kiến trúc cần sự trong sáng, sự trong sáng tối đa sẽ giúp mình kết nối được với thiên nhiên, một khi giao hòa được với thiên nhiên, kiến trúc sư sẽ có được ý tưởng rất dễ dàng. Bên cạnh đó còn yếu tố về kỹ thuật, lòng kiên nhẫn… Kiến trúc sư như một đạo diễn phim, dùng tiền của người khác để xây dựng những công trình nghệ thuật. Sự trong sáng luôn cần, từ đầu óc trong sáng mới suy nghĩ ra được những điều tốt đẹp nhất, lãng mạn chỉ là một thành tố nhỏ của sự trong sáng. Có trong sáng là có tất cả...”.
Luôn đưa thiên nhiên vào công trình
* Công trình đầu tiên anh thiết kế là gì?
- Tôi khởi nghiệp từ năm 2006 và công trình đầu tiên là quán cà phê Gió và Nước, công trình làm bằng 7.000 cây tầm vông tọa lạc tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh
Bình Dương.
* Các công trình của anh đều có dấu ấn của thiên nhiên, mỗi công trình anh dành bao nhiêu diện tích cho cây, hoa, hồ nước…?
- TPHCM là một thành phố có diện tích cây xanh trên đầu người gần như thấp nhất cả nước. Vì vậy nhu cầu làm những công trình kiến trúc có nhiều cây xanh là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng và cần thiết. Ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng có điều kiện khí hậu đặc biệt thuận lợi, ôn hòa quanh năm, thời tiết nắng, mưa, gió… rất thuận lợi, vì thế để đưa được gió, ánh sáng vào nhà, sử dụng mặt nước làm mát công trình là một trong những điều rất dễ dàng và kiến trúc sư cụ thể hóa nó vào mỗi công trình như thế nào la tùy thuộc mỗi người. Vì luôn chú trọng yếu tố thiên nhiên và những điều kiện khí hậu ngoại cảnh quá thuận lợi ở nước ta, tôi luôn đưa thiên nhiên vào các công trình của mình.
Mỗi công trình dành càng nhiều diện tích để trồng cây xanh càng tốt. Ví dụ, tôi thiết kế một ngôi nhà chỉ với diện tích đất 50m² nhưng trồng được trên đó từ 10 đến 15 cây xanh lớn (đường kính 20cm trở lên) thì tuyệt vời. Vấn đề tôi chú trọng là mỗi mét vuông công trình sẽ trồng được bao nhiêu mét vuông cây xanh. Ví dụ ở những ngôi nhà diện tích tuyệt đối chỉ có 50m² nhưng khi chồng tầng lên, có thể tận dụng được từ 200% đến 400% diện tích để trồng cây. Nếu áp dụng như thế cho tất cả công trình trong thành phố thì diện tích cây xanh sẽ gấp 3 lần đến 4 lần diện tích thành phố, điều ấy sẽ rất quý. Một yếu tố nữa, ở Việt Nam nắng cho không, mưa cho không, gió cho không, vì thế tận dụng yếu tố thiên nhiên càng nhiều càng tốt.
* Dấu ấn bản địa của cảnh quan, lịch sử, văn hóa, vật liệu… ở mỗi công trình kiến trúc được anh khai thác như thế nào?
- Thực ra ở mỗi vùng sẽ có những chất liệu loanh quanh ở đó, vùng nào có cái gì là dùng cái đó, dần dà lâu ngày nó trở thành bản sắc của vùng đó. Tôi tận dụng khai thác tất cả từ cảnh quan, lịch sử, văn hóa, chất liệu vào mỗi công trình. Khi mình vận dụng tất cả yếu tố ấy vào công trình thì tự khắc người ở vùng đó sẽ nhận thấy sự gần gũi và thân quen.
Công trình House for Trees. Ảnh nhân vật cung cấp
Bản sắc là phù hợp con người và cuộc sống
* Người ta nói rằng ba trụ cột làm nên một công trình kiến trúc bền vững là sử dụng hữu hiệu nguồn năng lượng, sinh thái đa dạng, nhân văn đặc sắc. Anh thể hiện như thế nào trong các công trình?
- Thực ra là ba nhưng tôi gộp làm một, ví dụ mình sử dụng vật liệu thiên nhiên, rồi mình lấy những yếu tố thiên nhiên như nắng, gió, ánh sáng vào, tự khắc năng lượng sử dụng sẽ giảm xuống, máy điều hòa sẽ bớt đi. Trong quá trình sử dụng tiêu tốn năng lượng ít hơn, mình sử dụng các nguyên liệu tự nhiên, sẽ giảm đi lượng khí đốt để làm ra các công trình đó vì thế chỉ quy về một yếu tố. Những năm tới sẽ năm của năng lượng mặt trời, năng lượng gió… nhưng đó vẫn chưa phải là vấn đề lớn. Ngay tại thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, chúng ta đã sử dụng các công trình bền vững rồi. Điều tôi muốn nói ở đây là công trình bền vững phải được hiểu theo đúng nghĩa đen, nhiều khi chỉ làm để dự thi, đoạt giải nhưng không áp dụng được vào thực tế thì cũng như không.
* Rất nhiều kiến trúc sư than phiền rằng mình không được làm đúng ý vì phải chiều theo yêu cầu của khách hàng. Với anh, anh làm thế nào để hài hòa lợi ích của người đặt hàng với ý tưởng sáng tạo của mình? Anh làm thế nào để thuyết phục ý tưởng hay của mình cho khách hàng? Đã bao giờ anh từ chối hợp đồng vì thấy không thoải mái với yêu cầu của khách hàng?
- Khách hàng chắc hẳn sẽ có những cái nhìn của cá nhân họ như thế nào là một công trình đẹp, một ngôi nhà đẹp. Tuy nhiên, là một kiến trúc sư mình phải có trách nhiệm tư vấn cho khách hàng, phải thể hiện mình đã hết sức nỗ lực, 5, 10 phương án mà khách hàng vẫn không vừa lòng thì lúc đó cả hai cũng vui vẻ. Tôi thường đưa ra nhiều phương án để khách hàng lựa chọn, cùng nhau để tất cả lên bàn, phân tích cho người ta những ưu điểm, nhược điểm của mỗi phương án, chỉ ra phương án tối ưu nhất. Theo kinh nghiệm của tôi, mình phải đặt hết tâm huyết, để khách hàng nhận thấy nỗ lực, sự hết mình của tác giả vào đó. Một khi nhìn thấy tình cảm hết mình của tác giả gửi gắm vào đó thường khách hàng đồng ý.
Tôi vẫn thường từ chối những yêu cầu từ khách hàng, ví dụ người ta thích những phong cách cổ điển mà mình không đáp ứng được hoặc thấy không hợp lý thì có thể giới thiệu khách hàng đến những công ty khác. Mình đừng có ham, hát nhạc pop thì phải trung thành với pop, đừng nhảy qua rock hay dân ca không phải sở trường để rồi không hoàn thành được việc.
|
* Một công trình nổi bật có nhất thiết lạ mắt ngay ở vẻ bề ngoài hay anh quan tâm việc tạo sự độc đáo ở bên trong?
- Quan điểm của tôi là đúng trước đẹp sau, nhưng đẹp thì tất nhiên ai cũng thích. Nét độc đáo từ một cơ duyên nào đó nó mới sinh ra nhưng cơ bản phải là đúng, tôi quan tâm công năng sử dụng của chúng. Ví dụ thiết kế một công viên, nhìn vô người ta phải thấy ra công viên đã, còn lạ hay độc đáo tính sau.
* Đô thị hóa thiếu kiểm soát đang là một dịch bệnh càn quét khắp nơi. Những hàng cổ thụ của TPHCM bị chặt phá, di sản kiến trúc 134 năm, Thương xá Tax bị phá bỏ để nhường chỗ cho những công trình mới; mảng xanh, không gian công cộng ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho những công trình bóng loáng kính, xám xịt bê tông cốt thép… Theo anh, chúng ta phải làm gì để có những tòa nhà xanh, những đô thị thông minh gắn kết thiên nhiên? Phải làm gì để bảo tồn các di sản kiến trúc?
- Một công trình không chỉ là kiến trúc mà kéo theo đó còn là kinh tế, thương mại. Đô thị TPHCM là một trung tâm tài chính lớn của đất nước, muốn hay không muốn nó sẽ phải đi theo hướng đó, tức là cần những công trình đáp ứng đủ công năng sử dụng, ví dụ những tòa nhà cao tầng làm văn phòng hay bãi đậu xe ngầm là xu hướng tất yếu. Hoặc là với giao thông hỗn độn như hiện nay thì thành phố cần tàu điện ngầm mà muốn vậy phải hy sinh hàng cây xanh, cổ thụ. Đó là việc phải chấp nhận với mỗi đô thị để phát triển. Thay vào đó ví dụ 150m² đất ta có thể trồng lại được 150m² cây xanh, vấn đề là chính quyền có đòn bẩy để giải quyết hay không. Ví dụ quy định thành luật bắt buộc các ngôi nhà ở nội đô phải có mảng xanh, phải chừa đất để trồng cây nếu không sẽ không cấp phép xây dựng.
Công trình Nhà hàng Sơn La
* Theo anh, bản sắc kiến trúc Việt Nam là gì?
- Theo tôi, cứ làm đúng với phong thổ, khí hậu, phù hợp con người thì tự khắc sẽ sinh ra bản sắc. Bản sắc không phải là một mái chùa cong hay một tiểu tiết ngớ ngẩn nào đó. Nghĩa là mình cứ xây dựng, phù hợp con người và cuộc sống theo thời gian sẽ tạo bản sắc.
* Anh muốn gửi gắm điều gì với sự phát triển của TPHCM?
- TPHCM phải khẩn cấp đưa ra những quy định về những mái nhà phải là mái xanh. Bởi TPHCM là một trong những nơi có mật độ cây xanh thấp nhất của châu Á và thế giới. Tôi muốn nhấn mạnh phải cấp thiết, nếu không người dân thành phố sẽ phải chịu những hệ lụy về tinh thần, đó là sự thiếu liên kết với thiên nhiên. mái nhà xanh làm rất dễ, thậm chí rẻ hơn cả mái tôn. Nếu không, trẻ con sinh ra ở những thế hệ sau ở thành phố này sẽ không còn nhìn thấy mảng xanh, điều đó rất nguy hiểm cho cả một xã hội (con người có thể bị loạn lạc, điên khùng vì thiếu màu xanh).
* Trân trọng cảm ơn anh.
|
Võ Hoàng Tuấn - Đỗ Quang Tuấn Hoàng